Ký ức của cựu quân nhân về cái Tết Thống nhất đầu tiên 1976
Ký ức của cựu quân nhân về cái Tết Thống nhất đầu tiên 1976
Nguyệt Minh
Thứ tư, ngày 29/01/2025 06:00 AM (GMT+7)
Tròn 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh vang danh. Với những người lính từng đi qua cuộc chiến, đi qua ranh giới giữa sự sống và cái chết để thống nhất 2 miền Nam - Bắc, ký ức về mùa xuân năm 1976 mãi không thể quên.
Tết Bính Thìn 1976 - Tết Thống nhất đầu tiên của người lính với đồng bào
Gặp đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển (SN 1951), nguyên Cục phó Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng tại tư gia, chúng tôi như được sống trong những ngày xuân rực rỡ năm 1976. Đồng thời cũng hiểu, cái giá của phải trả cho niềm hạnh phúc trọn vẹn của nền hòa bình, độc lập.
Chầm chậm nhớ lại những năm tháng chiến đấu gian khổ, đại tá Trần Thế Tuyển như sống lại những cảm xúc một thời. Đối với ông, được tận hưởng bầu không khí của mùa xuân thống nhất đầu tiên là may mắn và niềm hạnh phúc to lớn.
"Nói may mắn là bởi chiến tranh quá khốc liệt, chẳng ai biết mình có thể sống đến ngày thống nhất hay không", ông chia sẻ.
Ký ức về tiếng bom mìn, những trận càn giữa địch và ta, hình ảnh đồng đội ngã xuống vẫn hằn sâu trong tâm trí ông từ khi còn là chàng trai tuổi đôi mươi. Ông nghẹn giọng: “Để tiêu diệt chi khu Long Khốt, đơn vị tôi đã hy sinh hơn 1.000 người (từ 1972 đến 1975). Có đêm tôi cùng đồng đội chôn cất trên 30 liệt sĩ”.
Theo ông, để có được mùa xuân thống nhất năm 1976 là cả một quá trình gian khổ trong suốt 21 năm chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Mà hồi kết chính là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Mùa xuân năm 1975, chúng tôi không ai nghĩ đến ăn Tết là gì, một lòng một dạ khắc cốt ghi tâm cụm từ Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển kể.
Ngày đó, ông làm trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 174, Sư đoàn 5, thuộc Binh đoàn 232 do tướng Nguyễn Minh Châu làm Tư lệnh (Binh đoàn thuộc cánh quân Tây Nam do tướng Lê Đức Anh chỉ huy), nằm trong trong 5 cánh quân thần tốc tiến công giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, Trung đoàn 174 đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng thị xã Tân An (tỉnh Long An), góp phần vào chiến thắng vang dội của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bắc Nam sum họp một nhà, ông Trần Thế Tuyển cùng đồng đội hành quân về huyện Đức Hoà (một huyện của tỉnh Long An về phía Tây nam). Từ đây, sau bao nhiêu năm tham gia kháng chiến, ông được ăn cái Tết đầu tiên với đồng bào.
“Tết 1976 - hạnh phúc và đau xót hoà làm một trong tôi”
Đi chiến trường từ năm 1971, trong những năm chiến đấu, cái Tết với đại tá Trần Thế Tuyển cũng như bao đồng đội của mình, thật giản dị.
“Tết đến, chúng tôi được cấp cho một ít gạo nếp, một ít đậu xanh. Tôi cùng đồng đội ăn Tết giữa rừng. Một thói quen thời đó là chúng tôi thường nghe lại những lời chúc Tết của Bác Hồ, hay cùng nhau ngâm những bài thơ. Riêng năm 1975, Tết mà như không Tết vì tất cả đều phải chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới”, đại tá Trần Thế Tuyển tâm sự.
Phải đến năm 1976, ông mới cảm thấy đây là cái Tết trọn vẹn. Bởi đó là lúc tất cả mọi người được sống trong niềm vui sum họp 2 miền, không còn chiến tranh, không còn chia cắt.
Với chàng trai quê hương Nam Định, được nghe tiếng nói của đồng bào Miền Nam, được sống trong tình yêu thương của người dân khiến ông cảm thấy thân thương và trân quý.
Đại tá Trần Thế Tuyển kể, khi nắm lại địa bàn, tàn dư của chế độ cũ vẫn còn. Trong nhân dân, thế lực thù địch vẫn vu khống, xuyên tạc về người bộ đội giải phóng.
Ông Tuyển đóng quân ở làng Đức Hòa Đông (thuộc thị trấn Đức Hoà), từ đó ông bắt đầu ở cùng dân, gắn kết với dân hơn. Thời gian đầu, vẫn còn một số người dân chưa hiểu cách mạng, nhưng sau đó đã hiểu và thấm nhuần tư tưởng.
Đối với ông Tuyển, cái Tết năm 1976 là vô cùng đặc biệt. Đặc biệt, bởi đây là Tết đầu tiên ông được được đón cùng nhân nhân trong cảnh hoà bình, thống nhất, là kết quả ngọt ngào cho sự cố gắng gắn kết giữa quân với dân Miền Nam.
“Dân quý mình như là con em trong nhà. Tết đến, họ gói bánh tét, làm thịt kho tàu cho chúng tôi, đây là lần đầu tiên được ăn những món đó”, ông nói.
Không chỉ có những món ăn ngon, ông Tuyển cùng đồng đội đã viết những vở kịch, tự tập luyện và diễn cho người dân xem vào dịp Tết.
Hình ảnh quân dân đoàn kết, có hoa mai vàng nở rộ, có đồ ăn ngon, có tiếng nói cười rôm rả,... tất cả đã tạo nên một cái tết thống nhất đầu tiên ấm áp tình quân dân in sâu đậm trong tâm trí của đại tá Trần Thế Tuyển.
Niềm vui của ngày Tết thống nhất rộn ràng là thế, tuy nhiên, vẫn có những nỗi đau khắc sâu vào tim ông.
Ông Tuyển nhói lòng: “Đúng ngày 30 Tết, tôi mới nhận được tin báo từ gia đình, người em trai của tôi đã hy sinh trong chiến đấu. Đáng nói, 2 anh em tôi đều chiến đấu trên cùng một mặt trận nhưng không ai biết người kia ở đâu”.
Nỗi đau mất đi người em ruột khiến ông như chết lặng. Ông Trần Thế Tuyển nén nỗi đau cho riêng mình, ông hiểu, đó là cái giá của độc lập, tự do.
Sự hy sinh của em trai vừa là nỗi đau, nhưng cũng là điều khiến ông tiếp tục gắn bó với quân đội. Ông nghẹn ngào: “Tết 1976 - hạnh phúc và đau xót hoà làm một trong tôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.