Năm 2025, kỳ vọng sự chuyển mình của sân khấu TP.HCM

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 03/02/2025 11:10 AM (GMT+7)
Sân khấu kịch tại TP.HCM sôi động nhờ sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật, điều này cho thấy sức sống bền bỉ của nghệ thuật sân khấu trong đời sống văn hoá TP.HCM khi vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục sáng đèn.
Bình luận 0

Sức sống bền bỉ của nghệ thuật kịch nói

Sau một thời gian dài sàn diễn luôn bị cho là thiếu sức sống, gần đây sân khấu kịch dần phục hồi ngoạn mục. Việc xuất hiện hàng loạt chương trình sân khấu, vở cải lương mới, tái dựng tác phẩm kinh điển, cùng các cuộc thi tài năng sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và của TP.HCM… đã giúp hoạt động của sàn diễn cải lương thành phố sáng đèn thường xuyên, gặt hái nhiều thành công. 

Hình ảnh những vở diễn "cháy" vé, khán giả đến xem kín rạp, có suất phải thêm ghế phụ không còn là giấc mơ của nhiều nghệ sĩ như thời gian trước đây.

Các vở diễn cũng đa dạng hơn về thể loại, từ đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, bảo vệ đất nước trong thời bình đến dân gian dân tộc, cổ trang, chuyện xã hội hiện đại… Gần đây, nhiều đoàn còn tập trung đầu tư dàn dựng các vở cải lương thiếu nhi với những thủ pháp dàn dựng đa dạng, mang đậm tính giải trí cho các em.

Đặc biệt, các sân khấu không làm theo kiểu tràn lan, chụp giựt như thấy đề tài kịch nào hay là tất cả cùng ùa vào làm. Việc biểu diễn bây giờ chỉn chu, chuyên nghiệp hơn rất nhiều. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, khán giả TP.HCM được thưởng thức nhiều thể loại kịch nói với nhiều phong cách biểu diễn, trong đó nổi trội vẫn là kịch tâm lý, xã hội, bi kịch - mà mỗi đơn vị lại có phong cách riêng làm nên vườn hoa đa sắc.

Kịch nói trong đời sống văn hóa TP.HCM - Ảnh 1.

Sân khấu kịch TP.HCM sôi động trong năm 2024

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vừa đẩy mạnh đầu tư cho Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long tại Nhà hát Nụ Cười (Cung Văn hóa Lao động TP.HCM) vừa ra mắt thêm sân khấu đa năng dành cho giới trẻ tại Nhà văn hóa Thanh niên. 

Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần phát triển mảng sân khấu kịch thiếu nhi bên cạnh việc duy trì ra mắt các vở diễn dành cho người lớn. NSND Hồng Vân mở điểm diễn mới tại Nhà văn hóa Sinh viên. Nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương đầu tư ra mắt sân khấu mới tại rạp Vườn Lài…

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM, cho biết: "Các vở diễn trong năm 2024 có sự đa dạng về sắc màu nghệ thuật, mang lại những cảm xúc sâu sắc cho khán giả và thể hiện sức sống bền bỉ của nghệ thuật Kịch nói trong đời sống văn hóa TP.HCM".

Kỳ vọng sự chuyển mình của sân khấu TP.HCM

Điểm nhấn lớn nhất trong năm 2024 là Liên hoan Sân khấu TP.HCM có sự tham gia của 19 đơn vị công lập và ngoài công lập với gần 300 diễn viên, phần lớn là các nghệ sĩ trẻ. Điều này phản ánh tinh thần yêu nghề, đam mê với nghệ thuật sân khấu. 

Một điểm tích cực là ngoài các vở kịch dành cho người lớn, Liên hoan còn có đến 3 vở phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Điều đáng ghi nhận là các vở diễn năm nay đã đẹp hơn nhờ sự tham gia của ánh sáng, cảnh trí, giúp tăng cường hiệu quả sân khấu.

Liên hoan không chỉ tôn vinh những đóng góp của giới nghề trong việc duy trì và phát triển văn hóa nghệ thuật, mà còn khích lệ các thế hệ nghệ sĩ luôn giữ vững lòng nhiệt huyết và tình yêu với nghề.

Kịch nói trong đời sống văn hóa TP.HCM - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở hài kịch “Tấm Cám đại chiến” của Nhà hát kịch IDECAF. Ảnh: Kịch Idecaf

NSND Thanh Thúy: "Chúng tôi kỳ vọng các sự kiện năm 2024 sẽ mở ra một sức bật mới, niềm tin cho sân khấu kịch TP.HCM. Tình yêu của khán giả dành cho kịch nói vẫn luôn dạt dào. Chính tình yêu ấy, cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghệ sĩ đã giúp sân khấu TP vẫn phát triển, như mạch nguồn nước mát lành nuôi dưỡng những giá trị văn hóa phong phú và đầy dấu ấn riêng. Sở VHTT sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức biểu diễn các vở đoạt giải cao nhằm lan tỏa những tác phẩm chất lượng đến công chúng".

Thực tế, sân khấu TP.HCM không phải đã hết khó khăn. Cơ sở vật chất của các đoàn hầu hết là đi thuê theo từng suất diễn hay ký hợp đồng hàng năm, nên sau mỗi đêm diễn là gánh nặng cân đối thu chi. Nguồn nhân lực nghệ sĩ tài năng, chuyên nghiệp ngày càng ít. Kịch bản hay, hấp dẫn cũng là một vấn đề chưa có lời giải lâu dài. Trong bối cảnh đó, mỗi nơi dựa vào những điểm mạnh của mình để tìm giải pháp nhằm giữ cho sân khấu sáng đèn, đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng.

Sân khấu TP.HCM đang ở giai đoạn có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc tìm kiếm các kịch bản hay, tái dựng kịch bản cũ để phù hợp với thời đại, đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Tuy nhiên, muốn tồn tại và phát triển thì luôn phải tự làm mới. Do đó, các biên kịch cần có sự liên hệ, kết hợp cùng các đơn vị nghệ thuật để có những tác phẩm sâu sát tình hình thực tế xã hội, phù hợp với nhu cầu từng sàn diễn, giúp quảng bá tác phẩm tốt hơn.

Theo ông Tôn Thất Cần, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, để giữ lửa nghề và giữ chân công chúng, các sân khấu đã và đang nỗ lực đẩy mạnh, tìm tòi những đường đi mới. Những đổi mới đó là cơ hội tốt để thăm dò nhu cầu của công chúng. Từ đó, các sân khấu có thể tạo dựng những kế hoạch lâu dài. 

"Ở lĩnh vực cải lương, những người làm sân khấu cần thận trọng và có bước đi phù hợp hơn, tính đường dài để cải lương thực sự hòa mình vào nhịp sống hiện đại, trở thành món ăn tinh thần bền vững trong lòng công chúng", ông Cần đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem