Nước nghèo khó nhưng toàn dân vẫn mê hoa hậu
Cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2016 vừa diễn ra vào tháng 5 tại Cacaras chứng kiến sự đăng quang của cô Keysi Sayago. Như mọi năm, Hoa hậu Venezuela vẫn là một trong những cuộc thi sắc đẹp trong nước được người dân trông đợi nhất. Sân khấu lộng lẫy, được đầu tư kinh phí lớn với sự xuất hiện của hàng chục người đẹp kiêu kỳ trong những bộ váy đầm đắt giá, một quang cảnh hoàn toàn trái ngược với cuộc sống khốn khó của người dân Venezuela.
Hình ảnh lộng lẫy, xa hoa trong đêm chung kết Hoa hậu Venezuela
Năm nay, Venezuela có mức làm phát lên tới 700% và trở thành một trong những nền kinh tế suy thoái nặng nề nhất thế giới. Tại quốc gia này, cuộc sống người dân lâm vào cảnh khủng hoảng do hàng hóa khan hiếm, thiếu điện nước trên diện rộng, sản xuất ngưng trệ, tình trạng thất nghiệp tràn lan, cướp bóc khắp nơi. Đến ngay cả một cuộn giấy ăn, những người dân cũng có thể lao vào đánh nhau để tranh giành. Ấy thế nhưng, người dân quốc gia Nam Mỹ này vẫn đam mê các cuộc thi sắc đẹp dù chi phí để tổ chức các cuộc thi này chẳng hề ít ỏi. Họ vẫn chìm đắm trong niềm tự hào là đất nước sản sinh ra các hoa hậu.
Tại Venezuela, hoa hậu không chỉ là cuộc thi để mua vui mà nó còn thắp nên khát vọng đổi đời cho các cô gái nghèo. Nhiều phụ huynh không tiếc tiền chi cho con cái theo học những trường đào tạo hoa hậu để mong chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn nếu may mắn đăng quang.
Các cô gái đẹp như tượng tạc đọ sắc trên sân khấu
Thậm chí, có những gia đình tiền để ăn còn không đủ nhưng vẫn bạo tay vay nặng lãi để gửi con vào trường dạy làm hoa hậu. Nếu như thu nhập của một gia đình khoảng 50 USD thì chỉ tính riêng học phí cùng đủ loại tiền trang phục, trang điểm cũng tốn ít nhất 25 USD. Không ít gia đình có hai, ba, hoặc nhiều hơn các cô con gái học tại lò luyện hoa hậu.
Aura Ramirez - bà của một học viên chia sẻ: "Có khi, chúng tôi không có tiền mua đồ ăn để gom tiền trả học phí cho cháu. Theo tôi, đó không phải hy sinh mà là nỗ lực.”
Gian nan hành trình mài ngọc
Chưa ở nơi đâu, người ta lại nỗ lực để thành hoa hậu như ở Venezuela. Theo báo chí phương Tây, đất nước này có cả một ngành công nghiệp luyện hoa hậu hay “công xưởng sản xuất nữ hoàng sắc đẹp”. Điều này có nghĩa là quá trình mài ngọc nơi đây rất chuyên nghiệp và bài bản, không có lỗi sai, không trật nhịp. Đó là lý do tại sao Venezuela khẳng định đẳng cấp trong 4 cuộc thi hoa hậu lớn nhất hành tinh. Trong những năm qua, họ có tới 6 Hoa hậu Thế giới, 7 Hoa hậu Hoàn vũ, sáu Hoa hậu Quốc tế và 2 Hoa hậu Trái đất.
Hình ảnh bên trong một trường dạy hoa hậu
Các “nụ hậu” được gửi đi học từ khi còn bé xíu. Tại các trường dạy hoa hậu, hầu hết các học viên đều là những thí sinh đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Một số những ngôi sao tiềm năng cũng được gửi tới học tập cấp tốc để thi các cuộc thi sắc đẹp lớn.
Tại đây, các giáo viên nhào nặn nên hình mẫu người đẹp hoàn hảo qua nhiều bước từ rèn cách đi đứng, nói năng, phong thái, cách ứng xử, tạo dáng trước ống kính. Ngoài ra, họ còn phải bước vào những chế độ tập luyện khắt khe để giữ dáng. Bên cạnh đó, một bước chuyểnmình cuối cùng của các cô gái trước khi bước chân vào những cuộc thi sắc đẹp đó là phẫu thuật thẩm mỹ.
Ông Velasquez – Giám đốc một học viên hoa hậu khẳng đinh: “Tôi không tin rằng Venezuela có phụ nữ đẹp nhất thế giới, nhưng chúng tôi biết cách sản xuất ra phụ nữ hoàn hảo”. Rất nhiều các hoa hậu của Venezuela bị phát hiện từng phẫu thuật thẩm mỹ chẳng hạn như Hoa hậu Hoàn vũ 2008 Dayana Mendoza sửa ngực, sửa đầu gối, chỉnh lại mũi hay Hoa hậu Venezuela 2000 Eva Ekvall cũng bơm ngực, nâng mũi….Điều này có thể lạ lẫm ở các quốc gia khác nhưng ở đất nước này, đó hoàn toàn bình thường.
Phẫu thuật thẩm mỹ được xem như hình thức chuốt lại ngọc cuối cùng để nó thực sự tỏa sáng. Một chuyên gia đào tạo sắc đẹp của Venezuela còn khẳng định, nếu không phẫu thuật thẩm mỹ, các cô gái sẽ không thể trở thành hoa hậu tại đây.
Các em bé cũng sớm bị cuốn vào vòng xoáy sắc đẹp
Nhiều bậc cha mẹ còn cực đoan tới mức tiêm hormone cho những bé gái từ 8 tuổi để làm chậm quá trình dậy thì, sẽ giúp chiều cao sau đó phát triển vượt trội. Thậm chí các em còn phẫu thuật nâng ngực, sửa mông trái phép ở tuổi thiếu niên.
Một số hình thức phẫu thuật thẩm mỹ đáng sợ khác mà các học viên có thể phải trải qua nếu họ có thân hình chưa đạt chuẩn có thể kể tới như phẫu thuật cắt ngắn ruột để thức ăn đi qua cơ thể mà không bị tiêu hóa hoặc khâu mảnh lưới nhựa vào lưỡi để bị đau khi ăn giúp giảm cảm giác thèm ăn. Nhiều thí sinh phải mặc một khuôn đúc bằng thạch cao vừa nặng, cứng rất đau đớn để vóc dáng vào phom.
Các thí sinh Venezuela ai cũng đẹp hoàn hảo
Quá trình ép sâu hóa bướm tại Venezuela đôi khi cũng gặp phải bi kịch. Mỗi năm, có cả chục thiếu niên chết vì phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, số người khao khát đội vương miện quá nhiều trong khi vị trí đăng quang lại quá ít khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn vì trót bỏ ra số tiền quá lớn cho con em họ theo học trường hoa hậu đắt đỏ.
Nhìn chung, các cuộc thi hoa hậu vẫn là đặc sản của Venezuela. Mặc dù người dân quốc gia Nam Mỹ này phải oằn lưng gánh những món nợ khổng lồ nhưng 2/3 dân số vẫn chăm chú theo dõi cuộc thi Hoa hậu Venezuela và háo hức chờ đợi cái tên được cử đi thi Hoa hậu Hoàn vũ.
--------------------------------------------------------------------------
Trong nhiều năm gần đây, Philippines trở thành đế chế hoa hậu mới nổi, trở thành kỳ phùng địch thủ cạnh tranh trực tiếp với đất nước được mệnh danh là “công xưởng sản xuất hoa hậu” Venezuela. Để hiểu thêm về đế chế hoa hậu mới này, mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo: Đẳng cấp nhào nặn hoa hậu của người Philippines vào 13h ngày 21/11/2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.