Ở Cà Mau có một thị trấn mang tên một dòng sông, dòng sông lại mang tên một chiến tướng thủy binh nhà Nguyễn

Thứ tư, ngày 15/01/2025 10:15 AM (GMT+7)
Con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc! Thị trấn Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).
Bình luận 0

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, sông Hương. 

Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... 

Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

img

Thị trấn Sông Đốc bên dòng sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM.

Sông Ông Ðốc dài gần 60 km, bắt nguồn tại nơi giao nhau giữa Sông Trẹm và sông Cái Tàu, chảy qua nhiều vùng quê xinh đẹp, nhiều làng xóm có những cái tên lạ hoắc như: Cán Dù, Thăm Trơi và đổ ra biển Tây. 

Khi ra đến cửa biển, sông Ông Đốc lặng lẽ nhập vào sóng nước biển Tây mà không một chút ồn ào...

Nhà tôi nằm sát cửa biển, từ khi sinh ra, tôi đã được ru bởi tiếng sóng vỗ của sông và của biển. Ngày ngày, từ sân nhỏ trước nhà, tôi thường nhìn thấy tàu đánh cá xuôi ngược từ biển vào và ghé thị trấn. Màu nước sông vàng nhạt phù sa, có khi màu nâu đỏ, nội tôi nói màu nước này có được từ con Sông Trẹm.

Ðối với tôi, sông Ông Ðốc lúc nào cũng đẹp. Mỗi buổi sớm, mặt sông như sáng hẳn, sóng lăn tăn nhẹ vỗ vào bờ. Thỉnh thoảng, vài nhánh lục bình trôi như bị lạc và biến mất vào những con sóng. Khi chiều xuống, nhất là những chiều mùa mưa, mặt nước sông lãng đãng trong màn hơi nước mờ ảo.

Lăng thờ cá Ông Nam Hải đại tướng quân nằm ở Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc vào các ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, diễn ra Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội dân gian lớn nhất Cà Mau, thu hút hàng chục ngàn người dân trong tỉnh và các vùng lân cận tham dự.

Có cả ngư phủ từ các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Bộ cũng tìm đến cúng viếng, cầu mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng. Những ngày này, nội tôi lại mặc áo dài khăn đóng, cùng các bô lão trong thị trấn tổ chức lễ hội trang trọng.

img

Trên bến, dưới thuyền - Một góc phố biển Sông Ðốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM.


Sau những tháng ngày lênh đênh trên biển, tàu đánh cá trở về, thị trấn càng náo nhiệt. Bạn hàng từ Rạch Ráng sang, từ Cà Mau xuống, từng đoàn ngư phủ lên bờ mang theo cả sự ồn ào của biển khơi.

Nội tôi kể, vùng đất này ngày xưa chỉ là doi đất nhỏ nằm sát biển, trải qua hàng trăm năm, nhờ phù sa bồi đắp mà được như ngày nay. 

Trước đây, mỗi lần có công việc phải ra chợ, tức là ra TP Cà Mau, nội phải đi từ sáng sớm, nhiều khi đến chiều mới tới nơi, khoảng cách chỉ là hơn 50 cây số mà sao thấy xa vời vợi. Bạn bè mỗi lần về Sông Ðốc chơi cũng ngán ngại vì đường sá cách trở.

Thế rồi, cùng với sự phát triển chung của đất nước, thị trấn vươn mình lớn dậy, các con hẻm trong chợ được dọn dẹp tươm tất, nhiều con đường mới mở ra, nhà cao tầng - hình ảnh hiếm thấy trước đây nay đã nhiều hơn. Ðặc biệt, tôi nhớ mãi niềm vui của nội khi hay tin sẽ có cây cầu lớn bắc qua Sông Ðốc, nối thị trấn với bè bạn gần xa.

Ngày khởi công xây cầu sông Ông Ðốc, những cọc nhồi đầu tiên cắm vào lòng sông, nội cứ đứng ngắm mãi không muốn về. Sau hai năm thi công, cây cầu bắc qua Sông Ðốc hoàn thành. Niềm vui này không chỉ riêng của nội tôi mà của tất cả mọi người, bạn bè gần xa. 

Ngày thông xe, người dân đứng chật đoạn đường dài. Ai cũng cười nói vui mừng vì hai bờ Nam và Bắc con sông không còn chia cách nữa.

Tôi nhớ hôm đó, vị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: "Cầu sông Ông Ðốc hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối thông suốt trục đường ven biển Tây tỉnh Cà Mau và trục đường Ðông - Tây, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn từ Ðông sang Tây của tỉnh Cà Mau, kết nối với Quốc lộ 1 và đường ven biển của các tỉnh lân cận. Ðồng thời còn mở ra không gian phát triển mới cho đô thị Sông Ðốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Sông Ðốc nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung".

Mấy hôm sau, theo ý nội, mấy đứa cháu lấy xe chở nội đi đi về về trên cầu, để cùng tận hưởng cảm giác “nhịp cầu nối những bờ vui”! 

Ban đêm, đứng trên cầu, ngắm phố xá lên đèn, ngắm những ngọn đèn trên các tàu đánh cá xa xa, hưởng những ngọn gió mát lành từ biển, lại thấy yêu hơn mảnh đất này!

Sông Ông Ðốc là dòng sông của lịch sử, niềm tự hào của bao người dân nơi này. Ðặc biệt, năm 1954, dòng sông Ông Ðốc lại chứng kiến cuộc chia ly lịch sử của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ là con em Cà Mau và Nam Bộ tập kết ra miền Bắc.

Còn gì vui và tự hào hơn khi Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc xây dựng tại bờ Nam. Ðêm lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tổ chức tại cụm tượng đài là đêm nhớ mãi, hôm đó có vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng ta tham dự, vinh dự và tự hào với người dân! 

Cả thị trấn sáng bừng ánh điện. Trên sông, tàu đánh cá cũng được trang trí sáng trưng, ngày hội hoa đăng tại thị trấn dễ gì có được lần thứ hai, cả thị trấn không ngủ...

Một mùa xuân nữa lại về với vùng quê Sông Ðốc, trong cái nắng hanh vàng, trong cơn gió mặn mòi vị biển, mấy gốc mai đầu phố đang e ấp nụ, thị trấn như khoác thêm áo mới!

Nguyễn Xuân Phương (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem