Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Ngành gia cầm khai phá "kho vàng" Halal (Bài 3)
Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản 100 tỷ USD: Ngành gia cầm khai phá "kho vàng" Halal (Bài 3)
Minh Huệ
Thứ tư, ngày 15/01/2025 09:13 AM (GMT+7)
Nhiều thị trường Hồi giáo sẵn sàng mở cửa cho các mặt hàng nông sản, thịt và trứng của Việt Nam. Việc cần làm là các doanh nghiệp đáp ứng quy định của thị trường này như thế nào, cũng như chuẩn bị một hệ sinh thái Halal đầy đủ, bền vững, gồm hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ, hạ tầng và hỗ trợ của Nhà nước.
Ngành gia cầm có triển vọng lớn tại thị trường hơn 2 tỷ người
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển ngành Halal khi có vị trí địa lý gần thị trường Halal (Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ...), với khoảng 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á. Các mặt hàng thuỷ sản, rau quả, trái cây, gạo, cà phê, trà, hồ tiêu, gia vị, cao su, điều và các sản phẩm ngành chăn nuôi đều là các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam khi "tấn công" vào thị trường này.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) "thế hệ mới", chất lượng cao với các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe (EU, Mỹ, Nhật Bản...) sẽ giúp chúng ta có kinh nghiệm để tiếp cận thị trường Halal toàn cầu. Tuy nhiên, đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal với ngành hàng thực phẩm, do đó chúng ta phải có chiến lược riêng cho thị trường này.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi mà đặc biệt là gia cầm, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, công tác xuất khẩu thịt gia cầm, trứng sang các quốc gia Hồi giáo đã được Bộ NNPTNT chuẩn bị từ năm 2023. Đến nay, mọi việc đang triển khai thuận lợi và nếu không có gì đột biến thì thì mỗi tháng, Việt Nam có thể xuất khẩu được 1.000 tấn thịt gia cầm.
Nhận định thị trường Halal có quy mô khổng lồ và nhu cầu ngày càng tăng, hứa hẹn mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể, các doanh nghiệp chăn nuôi đang ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Hồi giáo.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Đối ngoại Công ty THNN De Heus Việt Nam cho biết, hiện nay sản lượng của doanh nghiệp đạt khoảng 3 triệu tấn thức ăn, thủy sản, gia súc, gia cầm mỗi năm. Tập đoàn đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết, với mục tiêu mang đến giá trị tối ưu nhất cho chăn nuôi, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, từ năm 2017, chuỗi sản xuất thịt gà gồm De Heus, Hùng Nhơn và một số doanh nghiệp giết mổ tại Đông Nam Bộ đã xuất khẩu thịt gà chế biến vào thị trường Nhật Bản. Trong các năm vừa qua, De Heus đã phối hợp cùng các đối tác xây dựng kế hoạch để xuất khẩu sang các nước nói chung và thị trường Hồi giáo nói riêng.
Để phục vụ thị trường xuất khẩu, năm 2023, Cục Thú y, Sở NNPTNT các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Công ty TNHH De Heus đã cùng ký thỏa thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, giai đoạn 2023 - 2028. Hiện, De Heus đang đẩy nhanh hoàn thiện quy trình an toàn dịch bệnh trong chuỗi liên kết chăn nuôi theo quy định của WOAH/OIE.
Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, thị trường Hồi giáo có các quy định, quy trình kiểm soát chặt chẽ, nhất là liên quan đến tín ngưỡng, cụ thể là quy định Halal. Đặc biệt, tiêu chuẩn Halal lại không công nhận thống nhất với nhau, như các nước Trung Đông có quy định riêng, Malaysia có quy định riêng... Đây là khó khăn cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
"Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn thì cũng có nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, vì hầu hết các quốc gia Hồi giáo đều coi Việt Nam là đối tác thân thiện, gần gũi, nên họ rất tạo điều kiện cho chúng ta. Do đó, để có sản phẩm xuất khẩu, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc theo quy định Halal, từ con giống, nhà máy thức ăn, giết mổ, chế biến... Đặc biệt, quy định Halal rất quan tâm đến nhà máy giết mổ, chế biến theo quy định của Hồi giáo, trong khâu này phải có người theo đạo Hồi thực hiện nghi lễ và tham gia vào một số khâu trong giết mổ, chế biến" - ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.
Được biết, đến nay De Heus đã có nhà máy giết mổ thịt gia cầm ở Hà Nội và 1 nhà máy giết mổ, chế biến tại Tây Ninh.
Đại diện Công ty CPV Bình Phước, một trong những doanh nghiệp năng động trong việc xuất khẩu gia cầm chia sẻ, kể từ khi khánh thành vào cuối năm 2020, Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước thuộc C.P. Việt Nam đã ghi nhận những kết quả khả quan. Đơn cử, trong năm 2023, doanh số xuất khẩu của nhà máy đã tăng hơn 3 lần so với năm 2021 và xuất khẩu đi các thị trường gồm Nhật, Hồng Kông, Lào, Campuchia… Hiện Công ty CPV Food Bình Phước cũng là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận Halal.
Ông Nguyễn Văn Cảm, Trợ lý Tổng Giám đốc công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết thêm, các trang trại CPV Food Bình Phước được kiểm tra và giám sát chặt chẽ giữa cơ quan thú y nhà nước và cùng với sự kiểm tra chặt chẽ của công ty. Mỗi lô gà khi xuất trại đều được lấy mẫu ngẫu nhiên đảm bảo các chỉ tiêu cúm gia cầm, NDV, AI, Antibio, pesticide để sản xuất và chế biến thành phẩm an toàn cho người tiêu dùng sử dụng.
Sau 3 năm hoạt động, nhà máy đã đạt được các chứng nhận như sau ISO 9001, ISO 22000, GFSI như BRC và FSSC. "Để sản phẩm thịt gà thuận lợi đến với thị trường Halal, đề nghị Bộ NNPTNT, Cục thú y giới thiệu vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcatle trên trang web Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), xây dựng chỉ dẫn địa lý để các nước sớm chấp thuận thịt tươi đông lạnh, đồng thời tiếp tục đàm phán có kết quả đối với thị trường nhằm tối đa hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường", ông Nguyễn Văn Cảm nhấn mạnh.
Thiết lập hệ sinh thái Halal đầy đủ, bền vững
Tín hiệu vui là đến nay, một số thị trường Halal đã chủ động tìm khách hàng cung cấp từ Việt Nam. Hiện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Ai Cập cũng có chương trình hỗ trợ cho các chuyên gia của Việt Nam để đào tạo một số kỹ thuật, tiêu chuẩn về việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm Halal.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết thêm, hiện nay Saudi Arabia là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Theo đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thú y đã liên hệ với Cơ quan thẩm quyền Arab Saudi, Nigeria đề nghị cung cấp yêu cầu, quy trình để đàm phán xuất khẩu sản phẩm Halal. Kết quả, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư của Nigeria đang phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để xây dựng lộ trình, quy trình chứng nhận Halal ở Nigeria và sẽ chia sẻ cho Cục Thú y các thông tin liên quan sau khi hoàn thành.
Tiếp đến Arab Saudi - thị trường lớn tại Trung Đông cũng đồng ý cập nhật tình hình dịch Cúm gia cầm và Newcastle của Việt Nam trên website của Tổ chức Thú y thế giới và sẽ xem xét cung cấp các quy định, yêu cầu, quy trình nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm Halal từ Việt Nam (sau khi đánh giá Việt Nam đáp ứng các điều kiện để được dỡ bỏ việc cấm nhập khẩu tạm thời thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm hiện nay).
"Dân số của thị trường Trung Đông hơn 2 tỷ người nên rất giàu tiềm năng. Thời gian qua, công tác xuất khẩu thịt gia cầm sang các quốc gia Hồi giáo tại Trung Đông và thị trường Halal đã được Bộ NNPTNT chuẩn bị rốt ráo nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu", ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Về phía doanh nghiệp, ông Rasmus Hansen, Giám đốc mảng Thực phẩm Công ty TNHH De Heus cho biết: "Để xuất khẩu các sản phẩm động vật mang tính bền vững, Tập đoàn mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ tư vấn các yêu cầu thú y, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn của các nước hướng tới xuất khẩu, cũng như hỗ trợ thông tin về các nước chấp nhận thịt gà xuất khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật để sớm đưa sản phẩm thịt gà Việt Nam vào được thị trường Halal cũng như các thị trường có nhu cầu khác".
Dự báo, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, với các mặt hàng chủ lực như thịt lợn sữa đông lạnh, thịt lợn đông lạnh, chân gà đông lạnh, thịt ếch đông lạnh… Nhiều nền tảng đã và đang được xây dựng để ngành chăn nuôi có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 1-1,5 tỷ USD vào năm 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.