Nhiều nguồn thải cùng đổ về, nước sông Buông ở Đồng Nai bị ô nhiễm nặng

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 07/04/2023 14:50 PM (GMT+7)
Theo kết quả quan trắc môi trường, sông Buông ở Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm do sông phải đón nhận nhiều nguồn thải.
Bình luận 0

Ngày 7/4, tin từ Sở TNMT Đồng Nai cho biết hiện nay nguồn nước của sông Buông ở Đồng Nai đang bị ô nhiễm vì hoạt động khai thác khoáng sản, nước sinh hoạt và cả chăn nuôi đổ ra sông.

Nguồn nước sông Buông ở Đồng Nai bị ô nhiễm vì dính nhiều nguồn thải - Ảnh 1.

Ô nhiễm do nhiều nguồn thải đổ về, nước sông Buông luôn trong tình trạng đục. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể, theo kết quả quan trắc môi trường sông Buông năm 2022 của Sở TNMT, cho thấy nguồn nước sông bị ô nhiễm. Trong đó chỉ số chất lượng nước (WQI) ghi nhận ở mức từ xấu đến trung bình. Vị trí gần khu vực hợp lưu sông Buông với sông Đồng Nai chất lượng nước ở mức trung bình, hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng trong ngưỡng, nhưng chất lượng nước bị giảm do hàm lượng vi sinh cao.

Các vị trí như Cầu An Viễn - Long Thành, cầu Khu du lịch Giang Điền và cầu Sông Buông, chỉ số chất lượng nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ. Nguyên nhân được lực lượng chức năng xác định là do sông Buông đã phải “gánh” nhiều nguồn thải, như nước thải từ chăn nuôi, sinh hoạt của con người, chế biến khoáng sản ven sông…

Đặc biệt, dọc bên bờ sông Buông đoạn qua phường Phước Tân và phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) có khoảng 10 cơ sở hoạt động rửa đá, thu đá, kinh doanh bãi chứa vật liệu xây dựng, khiến cho dòng sông luôn bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm.

Nguồn nước sông Buông ở Đồng Nai bị ô nhiễm vì dính nhiều nguồn thải - Ảnh 2.

Một vụ việc doanh nghiệp rửa đá thải nước xuống sông Buông bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Tuệ Mẫn

Gần đây nhất là cuối tháng 3, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tài nguyên xanh Toàn Cầu (đóng tại phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) số tiền 140 triệu đồng.

Công ty TNHH Tài nguyên xanh Toàn Cầu do ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc làm người đại diện theo pháp luật, bị xử phạt 2 hành vi gồm: rửa đá không có giấy phép môi trường theo quy định; xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sông Buông. 

Cơ quan chức năng cũng ra quyết định xử phạt bổ sung bằng hình thức đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường. Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 4,5 tháng và buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lãnh đạo TP. Biên Hòa cũng chỉ đạo Phòng TNMT TP.Biên Hòa chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về lĩnh vực môi trường, đầu tư, xây dựng, đất đai… đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, bãi cát, đá dọc sông Buông.

Từ năm 2021, trước tình trạng sông Buông ngày càng bị ô nhiễm, đoàn liên ngành của TP.Biên Hòa cũng đã kiểm tra đột xuất các điểm tập kết vật liệu xây dựng dọc con sông này. Qua kiểm tra, phát hiện 7 doanh nghiệp, cơ sở tập kết vật liệu cát, đá không bảo đảm các quy định về môi trường.

Người dân sinh sống gần sông Buông lo sợ hoạt động khai thác của những mỏ khai thác đá tại khu vực cụm mỏ Phước Tân, có nguy cơ biến đổi dòng chảy và ô nhiễm từ quá trình khai thác đá.

Sông Buông có chiều dài hơn 52 km, bắt nguồn từ thành phố Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa, đổ ra sông Đồng Nai. Đây là dòng sông nội tỉnh dài nhất của Đồng Nai, vừa cung cấp nước vừa tiêu thoát nước, chống ngập cho nhiều địa bàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem