Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: "Nguồn cảm xúc viết về Bác không bao giờ vơi cạn trong các nhạc sĩ"

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 02/09/2019 07:10 AM (GMT+7)
“Bác Hồ là một đề tài vô tận không bao giờ vơi cạn trong thế hệ sáng tác cách mạng và cả sau này”, nhạc sĩ Thuỵ Kha chia sẻ.
Bình luận 0

Thưa nhạc sĩ Thuỵ Kha, là nhạc sĩ đã từng ra cuốn sách các ca khúc viết về Bác Hồ, ông có thể chia sẻ về những ca khúc đó?

img

- Theo tôi, trong nền âm nhạc Việt Nam có hai đề tài được viết nhiều nhất, đó là đề tài về Bác Hồ và về Hà Nội.

Đối với người Việt Nam, Bác không chỉ đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành lại độc lập mà còn là vị lãnh tụ luôn yêu thương, hết lòng vì đồng bào, đồng chí và nhân loại. Bởi vậy, nguồn cảm xúc viết về Bác Hồ kính yêu dường như không bao giờ vơi cạn trong lòng các nhạc sĩ. Mỗi nhạc sĩ có một sự sáng tạo, cơ duyên nhất định hay một nguồn cảm hứng để rồi ra đời rất nhiều ca khúc ca ngợi về Bác và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam.

Số lượng bài hát về Bác rất phong phú, nhiều màu sắc, từ thể loại nhạc cổ điển, giao hưởng đến nhạc cách mạng như: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng" của nhạc sĩ Phong Nhã; "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" của nhạc Huy Thục; “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” của nhạc sĩ Trần Chung; "Bác Hồ, một tình yêu bao la" của nhạc sĩ Thuận Yến; "Biết ơn cụ Hồ" của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ; "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Văn Cao; "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ  Lưu Hữu Phước… hay những ca khúc mang âm hưởng dân ca như: "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác"  của nhạc An Thuyên; "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh"; "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn; "Tiếng hát giữa rừng Pắk Pó" nhạc sĩ  Nguyễn Tài Tuệ…

Trong số đó, có 3 nhạc sĩ được biết đến là những người đầu tiên sáng tác về Bác Hồ, đó là nhạc sĩ Lưu Bách Thụ với ca khúc “Biết ơn cụ Hồ”, nhạc sĩ Phạm Công Nhiều với ca khúc “Hồ Chí Minh vị cứu tinh dân tộc” và nhạc sĩ sáng tác thiếu nhi Phong Nhã với ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Điều thú vị là trong số 3 người thì có hai nhạc sĩ người miền Nam là nhạc sĩ Phạm Công Nhiều và Lưu Bách Thụ. Có lẽ do hồi đó câu chuyện về Bác được lan truyền trong miền Nam rất nhiều, đặc biệt là việc Bác ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà rồng đã khiến người dân trong Nam xúc động và cũng là nhân duyên để hai nhạc sĩ đó sáng tác nên hai ca khúc đầu tiên về Bác.

Ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những bài hát về Bác cũng nhiều, khán giả chắc còn nhớ bài hát “Lãnh tụ ca” lời của Nguyễn Đình Thi, và bài hát của Đỗ Nhuận… đều rất hay.

Ngoài ra, cũng có nhiều sáng tác về Bác, đặc biệt là cả những người ở nước ngoài cũng đã sáng tác về Bác Hồ như: "Cảm ơn đường Hồ Chí Minh" của Norodom Sihanouk (Campuchia); "The Ballad of Ho Chi Minh" (Bài ca Hồ Chí Minh) của nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl…

Một nhạc sĩ tôi rất khâm phục và thấy giỏi, đó là cố nhạc sĩ Thuận Yến, người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất. Với 26 ca khúc ông được xem như người giữ kỷ lục “Có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất”. Bài hát đầu tiên cố nhạc sĩ Thuận Yến viết về Bác năm 1968 là bài “Miền Nam trong tim Bác” được viết năm 1998, rồi lần lượt các bài như: "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin"; "Miền Trung nhớ Bác”; "Người về thăm quê"; "Tấm áo Bác Hồ"; "Vầng trăng Ba Đình", đặc biệt là ca khúc “Bác Hồ, một tình yêu bao la” là bài hát rất hay và nhận được nhiều yêu cầu phát thanh nhất thời kỳ đó.

Bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la” được lấy chất liệu từ bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. Cố nhạc sĩ Thuận Yến rất giỏi, đọc rất kỹ bài thơ của nhà thơ Tố Hữu và đã đưa được hình ảnh của Bác vào trong bài hát một cách xuất sắc.

“…Bác thương những cụ già, xuân về gửi biếu lụa; Bác yêu đàn cháu nhỏ: Trung thu gửi cho quà; Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng; Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương…”. Đây là những hình ảnh về Bác thực sự làm người nghe xúc động và rơi lệ. 

Tôi được biết, cố nhạc sĩ Thuận Yến đã từng chia sẻ, khi sáng tác bài này ông muốn viết về Bác với cách diễn đạt gần gũi, tình cảm hơn, đời thường hơn, nên ông đã sử dụng nhịp 6/8. Và quả thực đúng như cố nhạc sĩ Thuận Yến suy nghĩ, giai điệu gần gũi và giản dị của bài hát đã thực sự đi vào lòng nhân dân một cách tự nhiên.

Khi được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam qua tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, bài hát này ngay lập tức trở thành bài ca xuất sắc về Bác Hồ.

Cho đến bây giờ, trải qua nhiều thập kỷ, bài hát “Bác Hồ, một tình yêu bao la” vẫn có sức sống mãnh liệt, được người dân, nhiều thế hệ thuộc và yêu thích.

img

Theo nhạc sĩ, trong số các tác phẩm về Bác Hồ, tác phẩm nào ông thích nhất và vẽ trọn chân dung Bác nhất?

- Tôi nghĩ, mỗi tác phẩm viết về Bác là mỗi hình ảnh, khía cạnh về con người Bác, tác phẩm nào cũng hay, cũng xuất sắc. Tuy nhiên bài hát khiến tôi tâm đắc và thích nhất là bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” của nhạc sĩ Văn Cao.

Theo tôi đây là bài hát có tầm nhất trong số các bài hát về Bác, bởi ca từ bài hát không phải hô khẩu hiệu. Một bài hát đúc kết, nói lên chân dung Bác nhất. 

“Cụ Hồ Chí Minh ánh dương vào trong ngục tù, Tay công nhân của thế giới mới lên. Cụ Hồ Chí Minh, đế quốc tan tành hết trước sức dân trào cuốn. Vinh Quang nhân dân Việt Nam…”

Những câu đó hay lắm, nhạc sĩ Văn Cao đã phát hiện được tầm cỡ của Bác Hồ, tầm cỡ của người công dân đứng lên trong phong trào giải phóng lục địa. 

Hình ảnh về Bác thì vô cùng đẹp với: “Người về đem tới ngày vui, mùa thu nắng toả Ba Đình, với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời. Người về đem tới xuân đời từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên. Bao công nhân tiền phong đưa nhân dân vùng lên. Nhân dân theo từng bước cha già, hòa bình vui ngàn năm…”.

Tôi còn nhớ, hồi nhạc sĩ Văn Cao còn sống, tôi đã đến trò chuyện, hỏi ông về sự ra đời của bài hát này. Ông kể, ngày đó ông được nhà thơ Tố Hữu dẫn vào gặp Bác Hồ, với mục đích để ông sáng tác một bài về Bác, thế nhưng ông Văn Cao không sáng tác được. Hỏi ông, ông bảo, ông chưa biết phải viết như thế nào về Bác, chưa nảy ra được tứ. Mất một thời gian dài vẫn chưa sáng tác được. 

Cho đến một lần ông theo chân bộ đội đi chiến dịch biên giới năm 1951, khi gặp các chiến sĩ thương binh, những người bị thương rất nặng, sắp mất. Khi đó họ nói với nhạc sĩ Văn Cao, họ có một ước nguyện trước khi nhắm mắt là được gặp Bác Hồ. 

Lúc đó nhạc sĩ Văn Cao cảm thấy Bác Hồ không còn là của riêng ai, mà Bác là vị cha già của dân tộc, của tất cả người dân Việt Nam. Sau đó nhạc sĩ Văn Cao đã nảy ra tứ và sáng tác bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch”. 

Bài thứ hai mà tôi thích nữa là bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, với điệu hò dân gian của vùng “gạo trắng nước trong” – điệu hò Cần Thơ, để nói đến tình cảm bao la, rộng lớn của Bác đối với dân tộc, với người dân. 

“Hò ơ ..... hơ .............Tôi hát ngàn lời ca/ Bao la hơn những cánh đồng/ Mênh mông hơn mặt biển Đông/ Êm đềm hơn những dòng sông. Tôi hát ngàn lời ca/ Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai/ Hùng thiêng hơn núi sông dài. Là một niềm tin! Hồ Chí Minh!”

Có thể nói tất cả mọi người đều yêu và tôn sùng Bác, nên các bài hát về Bác đều thực sự hay, xúc động. Các nhạc sĩ đã viết đúng với rung cảm, tình cảm thực dành cho Bác.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem