Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong những ngày tháng tư nắng cháy ở Sài Gòn, cựu nhiếp ảnh gia chiến trường Nick Út trở lại TP.HCM, tham gia triển lãm những tác phẩm nổi tiếng của mình, nói chuyện, gặp gỡ, làm từ thiện, đến những vùng đất nghèo khó nhất ở miền Trung.
Nhìn ông luôn rạng rỡ, dù chặng đường xa khá vất vả, bệnh hen suyễn làm khổ cái mũi nhạy cảm, khiến ông không ngừng sụt sịt. Ông ngậm ngùi: "Nhiều người còn khổ lắm, còn đói, nhất là sau dịch. Tôi đi nhiều để giúp họ, bạn bè lo sức khỏe của tôi, may mắn giờ chưa bị Covid, mà có thể bị rồi, nhẹ nên không biết", Nick cười hóm hỉnh.
Ngồi trước mặt tôi là một Nick Út tóc bạc trắng từng vào sinh ra tử trong thời chiến, mấy lần chết hụt, đạn pháo hớt cả mảng tóc trước trán, nay ông cầm que kem sầu riêng ăn ngon lành như một đứa trẻ. Mỗi lần về Sài Gòn, ông cùng các nhiếp ảnh gia chiến hữu lại gặp mặt ở quán cà phê này, gồm Giản Thanh Sơn, Bá Hân cùng nhiều người trẻ khác. May mắn là dù bận rộn, ông vẫn nhận lời phỏng vấn với Dân Việt, vì nể lời đề nghị của nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn.
Con người Nick Út là thế. Với bạn bè, ông luôn giản dị, thân thiện, nở nụ cười hiền lành. Ở trận mạc, ông luôn là người đi đầu, đến trước, xông pha còn hơn cả lính tráng, chỉ vì muốn có những hình ảnh chân thực nhất. Với những nhân vật trong các bức ảnh, ông thường có mối liên lạc kỳ lạ về sau như một mối duyên gặp gỡ, yêu thương và giúp đỡ họ khi cần.
Trước cái ác, ông run lên vì giận dữ và chấp nhận đánh đổi để có những bức ảnh thức tỉnh cuộc chiến. Còn trước cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ông được xem như một anh hùng thời chiến đầy phẩm hạnh, khi nhận Huân chương cao quý cho tác phẩm nhiếp ảnh "Em bé Napalm", điều mà không phải nhiếp ảnh gia nào trên thế giới có thể nhận được vinh dự này.
Sắp tới, ông lại có dịp được diện kiến Đức Giáo hoàng Vatican nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh được công bố trước thế giới.
Có những cuộc chiến mà chỉ cần một bức ảnh, có thể bên mạnh trở thành bên thua cuộc. Còn nhớ, bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào người lính Việt Cộng Bảy Lém ở giữa đường phố Sài Gòn đã khiến người ta hoài nghi về tính tàn bạo của cuộc chiến. Và đến bức ảnh cô bé Kim Phúc chạy ra khỏi ngôi làng bị ném bom Napalm, cơ thể bị lóc từng mảng da, miệng không ngừng kêu khóc cầu cứu vô vọng, có thể nói chính ông đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam…
- Cho tới giờ tôi vẫn còn nhớ câu chuyện đằng sau bức ảnh của tướng Loan. Về đại cục, bức ảnh hành quyết đó không nặng ký bằng bức ảnh "Em bé Napalm", nhưng cũng đã thay đổi bản chất của cuộc chiến.
Hồi đó, tôi và Eddie Adam - tác giả của bức ảnh - đi làm việc chung. Riêng hôm đó, tôi đi Chợ Lớn nơi đang có chiến sự. Tôi tới đó thì mọi chuyện xong rồi, nghe kể họ bắt được Việt Cộng Bảy Lém. Tướng Loan là người nổi tiếng chuyên "súc miệng bằng bia", lúc nào cũng ở trong cơn say. Lúc bị bắt, người ta còng tay anh Bảy, kéo trước mặt tướng Loan, anh Bảy vẫn chửi tướng Loan sa sả. Ông Loan bực mình kéo lính ra, chẳng ai ngờ rồi ông ấy thiếu suy nghĩ, rút súng bắn luôn.
Người quay phim là bạn tôi Võ Sửu, người chụp là Adam. Xem lại thước phim rất sợ. Sau đó, Võ Sửu không dám đề tên mình, sợ bị bắt. Còn Adam chụp xong, về tòa soạn, ông giám đốc AP bảo Adam bay sang HongKong ngay vì sợ chính quyền Việt Nam Cộng hòa sẽ bắt nhốt hoặc tử hình anh vì tấm hình đó. Bức này sau cũng đoạt giải Pulizer.
Còn tôi, sau khi chụp bức ảnh và đăng lên báo, luôn bị chính quyền miền Nam hăm dọa, tìm kiếm. May mà để tên Nick Út nửa tây nửa ta nên họ không biết người chụp là người Mỹ hay Việt. Họ tìm tôi hoài, có lần, tôi đứng gần nghe hỏi "thằng Mỹ đó đâu rồi", sợ quá bỏ ra ngoài.
Tôi cũng nghe mấy thằng bạn nói "tấm hình này tai hại, nguy hiểm cho mày lắm", họ khuyên tôi lánh mặt. Thấy vậy, tôi không dám ở văn phòng nhiều mà đi miền Trung, đi tỉnh, rất ít khi ở Sài Gòn vì biết có ngày bị lộ thì họ sẽ giết tôi ngay.
Số mạng tôi lớn lắm, đi tỉnh hoài vậy mà không sao cả, cũng chẳng bị bắt. Ăn mặc đồ lính trông oai vệ, lính tưởng là... tư lệnh sư đoàn, có biết đâu tôi là dân… trốn quân dịch! (cười).
Khoảnh khắc chụp Kim Phúc giang tay chạy khỏi làng kêu cứu là khoảnh khắc hiếm có trong lịch sử và không có ai trong số các nhà nhiếp ảnh, phóng viên quốc tế hôm đó chụp được. Một câu hỏi kinh điển về đạo đức - giữa việc cứu người ngay lập tức và chụp tấm hình để đời, anh chọn bên nào?
- Tôi luôn chọn cứu người. Chuyện thế này, vào ngày 7/6, tôi nghe người bạn văn phòng kế bên đài ABC News của Mỹ hỏi: "Nick Út, sao mày còn ở đây, Trảng Bàng đang đánh lớn lắm". Tôi nói "Uýnh lớn, bây giờ dám đi không, chiều rồi. Sáng mai tôi đi".
Nói là làm, tôi xin ông giám đốc hãng AP cho tôi một chiếc xe rồi sớm mai tới Trảng Bàng lúc chưa tới 8 giờ sáng. Tới đó mới thấy hàng nghìn đồng bào từ hướng Trảng Bàng chạy túa ra các ngả theo hướng Sài Gòn, hướng vào rừng, Tây Ninh... Tôi đứng cạnh mấy phóng viên, thấy khói bốc lên cao từ Cao Đài.
Rồi hơn 10h, tôi bắt đầu đi theo sư đoàn 25 để chụp hình. Trước 12h tôi phải ra quốc lộ để gửi ảnh về Mỹ cho kịp. Vậy mà không hiểu sao tôi còn nấn ná lại, nhìn về Cao Đài, thấy lính ném lựu đạn khói màu chỉ điểm cho không quân bỏ bom là biết có chuyện rồi. Khói bốc lên màu vàng, rồi nghe tiếng phản lực cơ, thả 2 quả bom vào chùa. Tôi chụp lia lịa và không ngừng quan sát.
Một chiếc sau đó bay rất thấp thả 4 trái bom, lúc đó không ai biết là bom Napalm, lửa cháy bừng lên, khói đen rồi khói trắng lan rộng. Không ngờ lát sau, từ màn khói trắng chạy ra mấy đứa nhỏ, người dân, rồi cả đàn chó… Tôi chụp được hình người đàn ông và người đàn bà ẵm xác 2 đứa nhỏ chạy ra. Rồi một bà già (sau này tôi mới biết là bà ngoại Kim Phúc) chạy ra cầu cứu, tay ẵm đứa nữa bị lột phỏng da chân tay vì bỏng nặng.
Lúc đó, các nhà báo trong và ngoài nước đứng chặn hết đường lo chụp, bà không đi qua được, đành đứng cạnh họ. Tôi đưa máy lên chụp, mới chụp thì thằng bé nấc rồi chết liền. Vừa chụp, tôi vừa liếc ở góc máy về hướng Cao Đài thì nhìn thấy một cô bé giang tay chạy, tôi chạy tới chụp liền, toán phóng viên cũng chạy theo.
Tới gần, thấy da cô bé tuột hết, lưng cũng cháy xém. Tôi nghĩ chắc cô chết mất vì đau đớn không chịu nổi, liền lấy nước tưới lên người cô đang cháy. Lúc đó chỉ kịp nghĩ, phải cứu cô ấy mới được. Một ông già mặc đồ trắng kiểu đạo Cao Đài, năn nỉ tôi đưa bọn nhỏ đi bệnh viện. Xung quanh mọi nhà báo, lính tráng đều rút ra lộ rồi.
Tôi cho mấy đứa nhỏ lên trước rồi ẵm Kim Phúc lên, cho cô bé ngồi trên sàn xe vì lưng cháy không thể ngồi dựa được. Trong xe, cô bé cũng liên tục nói với anh trai "chắc em chết" hoài. Sau đó, tôi mang nước cho cô bé uống. Một số bé trong hình tôi vẫn còn liên lạc được. Cũng như Kim Phúc, gia đình các em đều luôn cảm ơn tôi vì đã cứu mạng bọn trẻ lúc bấy giờ.
Nhiều người có mặt hôm đó song không chụp được khoảnh khắc kinh khủng gây chấn động cả thế giới?
- Những người khác xui là hết phim phải dừng lại thay nên không chụp gì được. Sau này nghĩ lại, tôi cho là ông trời đứng về người Việt, cho chính người Việt chụp bức ảnh đó để nói về độ tàn khốc của cuộc chiến.
Hơn nữa, có thể là do ông anh của tôi phù hộ. Ngày trước, anh tôi ghét chiến tranh, anh ấy là phóng viên chụp biết bao xác chết cùng người bị thương. Về anh đưa cho vợ coi và tôi coi luôn. Anh là người dẫn dắt tôi vào nghề phóng viên chiến trường, thường dặn, anh căm ghét chiến tranh, chỉ mong chụp được tấm hình hòa bình để chấm dứt những cuộc chiến vô nghĩa. Nên mỗi khi chụp hình tôi đều nghe tiếng anh bên tai, dù anh đã chết từ lâu ở chiến trường. Chụp xong bức "Em bé Napalm", tôi nói thầm với anh, "Anh ơi, hôm nay em cứu người và tấm hình của em chắc đoạt giải". Hai ngày sau, bên Mỹ gọi về tấm hình gửi từ Sài Gòn – Tokyo – New York sẽ nhận giải Pulizer. Năm đó tôi mới 21 tuổi, là phóng viên trẻ nhất nhận giải thưởng danh giá này.
Từng có bức ảnh người con rơi vào hàm cá sấu, người cha không cứu mà lại chụp hình, bức ảnh gây tranh cãi, người cha bị lên án. Tương tự, bức ảnh con kền kền chờ rỉa xác một đứa trẻ châu Phi đang hấp hối vì đói đã tạo ra bi kịch cho chính người chụp nó – phóng viên đã tự sát vì hối hận. Ngay cả Adam khi chụp bức ảnh tướng Loan cũng đã day dứt không nguôi khi bức ảnh làm cuộc đời tướng Loan suy sụp dù anh không muốn. Sứ mệnh của người chụp hình đôi khi không phải là chụp, mà là lý do nhân đạo. Ông nghĩ sao về sứ mệnh của nhà nhiếp ảnh trong lúc nguy ngặt nhất?
- Tôi biết người chụp hình bức con chim kền kền ấy vì có dịp làm việc và từng đi nhiều với nhiếp ảnh gia thế giới. Bên đó đang nạn đói, chụp xong thì Kevin Carter bỏ đi, cũng không nghĩ được giải Pulitzer nữa.
Khi đoạt giải rồi, nhiều người phỏng vấn, hỏi anh có biết tên đứa bé trong ảnh không, đứa bé còn sống hay đã chết. Nhưng người phóng viên ảnh lắc đầu vì anh không hỏi han gì đứa trẻ mà bỏ đi ngay sau lúc có được bức ảnh giá trị. Về sau, chính anh tự tử vì hối hận. Có thể, một phần cũng vì trong bài viết có ghi "ông Nick Út đưa cô Kim Phúc đi cứu chữa, còn tại sao anh không làm gì?".
Nếu cô Kim Phúc chết, tôi cũng sẽ tự tử vì day dứt không cứu được. Lúc đó tôi còn trẻ, cũng không đành lòng bỏ bọn trẻ ở lại, trong khi ai cũng bỏ đi hết, nhất là nhà báo Mỹ vì sau khi có hình đẹp thì phải tìm cách gửi ngay về trung tâm.
Nghe nói, ông cũng phải đấu tranh để đăng bức hình đi vào lịch sử này?
- Lúc đó, trong tòa soạn AP có nhiều biên tập viên, họ nói tấm hình bé gái 9 tuổi chắc không dùng được. Bấy giờ ông sếp tôi có đó, nói nên xài hình khác. Khi đó ông sếp lớn hơn đi ăn trưa mới về, thấy tấm hình trên bàn, biết là hình đẹp, nên hỏi các biên tập viên ai chụp và hối "Tại sao tụi bay không lên ngay đi?". Ông sếp nhỏ nói "nhân vật không mặc quần áo chắc không xài được".
Có một ông người Nhật rửa hình trong phòng tối, nói chỉ cần dùng cây viết chì bôi đi, kiểu như photoshop vậy, nhưng sếp tôi không cho ai đụng vào bức ảnh, cứ gửi nguyên bản về New York để bên đó quyết định. Sếp bên New York ra lệnh không ai được sửa. Mấy ngày sau, Tổng thống Nixon tuyên bố nhân vật cô bé trong ảnh bị phỏng do dầu nấu ăn, không phải do bom Napalm của Mỹ. Đại tướng Westmoreland tổ chức họp báo nói nếu bị bom Napalm thì cô bé này chết rồi, làm sao sống được! Rõ là người chụp bức hình này dàn cảnh để tố tội ác của Mỹ! Ông vừa tuyên bố xong, đài truyền hình ABC chiếu bộ phim trên, ông không chối được nữa, mới chạy tội, nói là "cố vấn của tôi báo cáo là cô bé bị bỏng dầu".
Sự thật chiến tranh kinh khủng ở Việt Nam bị phơi bày, bên đó, ngày nào cũng có biểu tình. Bức ảnh gây chấn động cả thế giới. Đến giờ, bức hình vẫn còn giá trị chống chiến tranh, giờ nhìn chiến sự Nga-Ukraine mà ai cũng khiếp hãi chiến tranh. Nhìn thấy cái chết, bom đạn lại nhớ chiến tranh ở Việt Nam.
Khi làm phóng viên chiến tranh, ông khao khát hòa bình đã rõ rồi. Nhưng trước một hiện thực, một sự thật, ông đứng về phía ai, người dân hay giới chính trị?
- Đứng về sự thật, người dân! Vì mỗi ngày nhìn thấy dân chết tội quá. Lúc trẻ, tôi thường bật khóc vì không nén nổi xúc động. Những xác chết chồng chất, rồi bên này hay bên kia, bên nào cũng đau thương mất mát.
Tôi nhớ hồi xưa ở Long An cách Sài Gòn không bao xa, thấy cảnh đánh nhau, đạn bay vèo vèo trong nhà. Anh tôi mới bảo tôi lên Sài Gòn ở cho yên tâm. Tối thì mấy ông Việt Cộng vào làng, hai bên giao tranh, dân kẹt ở giữa.
Lúc làm phóng viên chiến trường, tôi muốn chụp cho thế giới thấy sự thật để chấm dứt chiến tranh. Tôi chụp ngôi nhà đổ nát, một người ngồi cạnh đó. Không ai giúp đỡ. Tiếng nói của dân chẳng ai nói thì chỉ có phóng viên mới nói được! Đó là trách nhiệm của phóng viên.
Có lần tôi đi Hố Nai, vùng công giáo. Ông tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Minh Đảo nói một câu mà tôi rất tức giận: "Nhà thờ đang cháy đổ nát, anh chụp hình đang cháy làm gì". Rồi không cho chụp.
Khi về bên Mỹ, biết ông là tác giả bức ảnh, họ đối xử với ông ra sao?
- Họ chửi hoài nhưng tôi không sợ. Tôi nói báo chí là không biên giới, không bênh ai, bên ai. Tụi tôi giống bác sĩ, tự do mà, ai chửi thì chửi. Xong người ta xin lỗi tôi.
Tôi về Việt Nam năm 1989 gặp ông Võ Nguyên Giáp, ông là người rất đáng kính trọng, dễ gần, mời tôi về nhà ăn cơm. Sau đó về Mỹ tôi cũng bị... chửi.
Trong mỗi bức ảnh, ông muốn nói lên sự thật hay cảm xúc của những người chứng kiến sự thật đó?
- Tôi chọn bức ảnh nói lên sự thật. Cảm xúc sẽ đạt được từ sự thật đó. Chụp được thì nói sao cũng được. Báo chí quốc tế không cho photoshop, phải để nguyên trạng, không dàn dựng được sự thật.
Nếu làm lại, ông có làm phóng viên chiến trường, một nghề quá hiểm nguy?
- Vẫn làm chứ! Hiện tôi đã về hưu rời hãng AP, song vẫn làm nhà báo tự do.
Thời gian trước, phía bên Mỹ họ cũng nhờ tôi tập huấn về báo chí. Tôi nói thời kỹ thuật số đã khác, chỉ cần máy tính, vệ tinh. Báo chí đi xa hơn mấy chục năm về trước nhưng dẫu thay đổi thì vẫn phải tôn trọng sự thật.
Được gọi là huyền thoại, ông có thích không?
- Tôi rất thích. Mấy chục năm rồi, đi khắp thế giới ai cũng biết tôi nhờ bức ảnh đó. Nếu bức hình tôi chụp đã thay đổi cuộc đời Kim Phúc, thay đổi cả thế giới thì chính đời tôi cũng thay đổi. Khi Tổng thống Donald Trump tặng Huân chương nghệ thuật của nước Mỹ, ông hỏi nhiều người trong White House (Nhà trắng) có ai biết tấm hình này không. Những người ở tuổi khoảng 60 ai cũng biết, còn trẻ học đại học cũng rành. Bên Mỹ từ trường trung học đã phải học lịch sử, bọn trẻ suốt ngày lôi tôi ra phỏng vấn. Thành ra nổi tiếng cũng khổ. Không chỉ ở Mỹ, mà cả bên Nga, Đức, phương Tây… Có bà má chở con từ Washington DC tới Los Angeles phỏng vấn, sau đó cháu được giải thưởng ngon lành thì mẹ nó mua quà tặng tôi. Làm vậy tôi có thích đâu.
Trong khi đó, ở Việt Nam thanh niên ít được học về bức ảnh này. Đó là điều tôi thấy đáng tiếc.
Ông nói rằng ông bị ám ảnh hậu chiến, cả cô Kim Phúc cũng vậy. Làm sao ông chữa khỏi những chấn thương bên trong?
- Mấy năm sau tôi vẫn còn bị ám ảnh, tự dưng nghe tiếng máy bay, nhảy ra khỏi giường cao, té xuống đất. Mỗi lần coi xi-nê tôi sợ phim chiến tranh lắm. Lính Mỹ từ Việt Nam trở về cũng bị hội chứng đó, phải đi bác sĩ tâm lý. Tôi cũng đi, may là bác sĩ bảo không sao.
Tình cảm của ông với Kim Phúc?
- Chúng tôi như cha con, chú cháu, tuần nào cũng nói chuyện với nhau. Tình cảm gần gũi, Kim Phúc đi đâu cũng nói chú Nick giúp cô sống ngày hôm nay, cha mẹ cô cũng cảm ơn tôi. Ba Kim Phúc mất cách đây 3 năm, mẹ bệnh nên Kim Phúc ở nhà chăm mẹ. Phúc có người chồng rất tốt, thương yêu, chăm sóc cho Phúc hết mực. Hồi ở Cuba, tối nào anh chồng cũng bóp chân tay cho Phúc đỡ nhức mỏi, đau đớn khi trở trời. Phúc cũng nghĩ bị bỏng như mình ai lấy. Vậy mà có người hỏi cưới, yêu thương. Cưới xong thì họ chuyển sang Canada. Đứa con đầu giờ lấy vợ ở bên Indonesia, đứa sau lấy vợ Mỹ. Phúc đã có cháu nội rồi.
Bản thân từng sém chết mấy lần, nhưng vì sao ông vẫn không sợ xông pha nơi chiến trận?
- Tôi sợ chứ, nhưng tin vào Trời Phật. Ông anh tôi là phóng viên chiến trường tử trận, rất linh. Khi nguy hiểm, tôi lại chắp tay vái ông. Thực ra, ai cũng sợ chết. Nhưng hồi đó, tôi còn độc thân, tuổi đang hăng lắm, biết trước thế nào mình cũng chết nhưng cứ thế mà đi. Có bữa xe cán trái mìn chống chiến xa, trên xe toàn phóng viên Mỹ và Việt. May là mìn không nổ vì là mìn chống tăng. Người lính gỡ mìn nói: "Các anh gan ghê. Sáng sớm tụi tôi chưa kịp mở đường".
Cũng như ông, phía bên kia có những nhà nhiếp ảnh, quay phim ghi lại cuộc chiến. Từng gặp ông Đoàn Công Tính, người chụp thành cổ Quảng Trị, cảm nhận của ông về phóng viên chiến trường hai bên ra sao?
- Tôi nói với ông: "anh ở trong bắn ra, tôi ở ngoài tiến vô, hai anh em toàn gặp cảnh đổ nát". Anh Tính rất giỏi, anh công nhận phóng viên Nam rất khá. Coi lại hình ảnh của anh trại giam "Hilton Hà Nội", rồi chụp cảnh hỏa tiễn săn máy bay Mỹ rất khó… Mấy hình khó chụp mà chụp máy cơ chạy phim là rất giỏi.
Xin ông cho biết mục đích chuyến trở về Việt Nam lần này?
- Tôi đưa xe chở gạo đến miền Tây, rồi lên chùa Gò Vấp giúp trẻ em bị chất độc da cam, trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Hơn 200 đứa, tội nghiệp lắm. Tụi nó gương mặt thông minh, dễ thương. Rồi từ đó lên Ban Mê Thuột, cho gạo, tiền. Tụi tôi tới thăm trại cùi, trẻ em đồng bào Thượng. Xong nhiệm vụ từ thiện, bay qua Thái Lan ở gần 5 ngày.
Tôi bay tới miền Nam Thái Lan, lấy xe chạy hàng trăm cây số tới vùng hải tặc. Đi phỏng vấn những người còn sống sót, vô những ngôi chùa hỏi về bà con thuyền nhân những năm 1975-1980. Họ nói hiện giờ còn chiếc ghe bị đắm chìm. Bà người Thái đào lên, gỗ bể hết, trôi vào bờ, có xác bị trói hai tay, có cả phụ nữ, trẻ em. Trong khu đó, tới ngôi chùa, có cả mồ chôn tập thể những đồng bào bị giết. Thấy buồn lắm.
Tôi đi dọc biển nhìn xem, biển tháng tư lặng lắm. Từ đất liền đi qua đảo mất hơn 5 tiếng nhưng lo sợ gặp hải tặc, cứ vái thầm trong người. Nhất là mình có quốc tịch Mỹ, chưa báo với tòa đại sứ, chỉ đưa hình lên Facebook để nếu có chết bạn bè biết mình đang ở đó. Dẫu sao đi tàu của người Thái cũng đỡ sợ. Ra đó không ăn được nên phải ăn kẹo vitamin sống qua ngày.
Nghe nói thời 1975 ở đây không có nhà cửa gì cả. Trước tôi có lẽ không có mấy ai dám tới đảo vì sợ hải tặc.
Ông là người đầu tiên tới đảo đó, nó gắn với một thời vượt biên của thuyền nhân, quá khứ đau khổ…
- Khác với thuyền nhân, tôi rất sướng. Còn thuyền nhân thiếu đủ thứ. Chiếc tàu nhỏ, chở 40-50 người, đàn ông, đàn bà, trẻ em nép sát vào nhau chẳng còn thấy mắc cỡ, không tắm rửa… cứ mong được lên đảo, không ngờ lên đảo là bị cướp đồ, bị giết, bị hãm hiếp. Tôi gặp cô gái 25 tuổi vượt biên qua Campuchia mà không may bị hải tặc bắt. Cô bị bắt làm gái điếm, một ngày tiếp hàng chục khách. Hiện vẫn còn 40 người Việt ở Thái, sống chui lủi vì sợ bị bắt. May mà cô trốn được. Bữa hôm kia tôi ăn cơm với một tỷ phú người Thái, tôi hỏi ông có thể giúp những người Việt đó không và ông nhận lời. Là tỷ phú mà ông rất bình dân.
Cô bạn tôi làm phóng sự về người tị nạn, còn tôi làm chùm ảnh, nếu được thì in trong sách. Già rồi đi chơi cho vui.
Dường như dù đã ngoài 70, ông vẫn còn rất máu lửa với nghề?
- Đam mê lắm. Ngày xưa tham gia mấy chục ngàn cuộc hành quân từ Cà Mau đến Bến Hải, đường mòn Hồ Chí Minh, Hạ Lào, Quảng Trị (những trận đánh khủng khiếp). Nhiều người nói về tôi "lính chưa tới ổng đã tới rồi". Tại vì máy bay chở những người đầu tiên vô, nếu đi trễ thì chụp hình xấu hoắc. Người sợ chết sẽ không bao giờ có hình vì toàn đi sau.
Sau này nghe nói ông làm paparazzi, hơn các phóng viên ảnh khác là chụp toàn người nổi tiếng và họ nghe tiếng ông thì gật đầu liền dù rất khó tính...
- Tôi ở Việt Nam về thì AP bảo chụp hình Paris Hilton, cô uống rượu vẫn lái xe, bị bắt. Thực ra vì cô giàu, người ta làm tiền thôi. Người nổi tiếng khổ lắm. Tới nơi, biết mình nhỏ con sợ không bì được với bọn tây cao như cây tre, tôi cũng hơi lo, nhưng không hiểu sao tới đâu ai cũng dạt ra vì ai cũng biết Nick Út! Có ông còn mời tôi ngồi cạnh vì tôi lùn không sợ cạnh tranh. Kinh nghiệm cho thấy, bà má đang đứng ở cửa đang khóc chờ cảnh sát đưa Paris đi tù. Tôi bấm ngay được 1 shot. Hãng AP nói tôi tới nhà tù chụp hình. Lúc chờ cùng các phóng viên hãng khác, tôi nghe xì xào, ông Nick 30 năm trước chụp Kim Phúc, giờ 30 năm sau chụp Paris Hilton đi tù, ông chụp được hình cô đang khóc, mới biết "thì ra hình mình lên rồi". Chỉ 2 người chụp được hình Paris khóc thôi, vì thế đài nào cũng gọi phỏng vấn.
Về sau tôi thích chụp động vật hoang dã, rất nhiều báo xài. Tôi chụp thiên nhiên không sợ nguy hiểm, chỉ có điều phải canh hàng tiếng đồng hồ, hên xui nữa.
Với một người từng vào sinh ra tử như ông, cuộc đời này có ý nghĩa gì?
- Thú thực tôi rất may mắn, được đi khắp thế giới. Năm nay bay nhiều nhất, phải bỏ bớt vì bà xã cằn nhằn miết. Nhưng phải nói là từ sau bức ảnh đó, đời tôi và cả đời Kim Phúc đều thay đổi.
Đời đi đây đó, đi đâu ai cũng biết. Làm báo thì quá dễ dàng. Nhiều tài tử rất khó tiếp cận, nhưng nghe tên tôi thì đồng ý. Có người tôi bỏ không thèm gặp. Michael Jackson nghe tên tôi là cho chụp hình luôn.
Tài tử Marlon Brando đẹp trai lừng lẫy rất ghét cho báo chí chụp hình, đến khi con trai ông gặp sự cố bắn chết bồ của em gái mình, tôi được phái đi làm, thông qua người bạn luật sư ông ấy đồng ý gặp tôi ngay. Nhưng bảo "tôi nặng cả 4 trăm pound làm sao chụp?". Tôi chụp cho ông ấy góc khá hơn, ông khoái quá kéo tôi ra gặp luôn báo chí, giới thiệu Nick Út bạn tôi, cho báo chí chụp hình tôi với ông thôi.
Thằng con ông đi tù không thích tôi vì chuyện này, nhưng đến khi nam tài tử mất, nó xin lỗi tôi.
Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump cũng từng nói, khi gặp tôi lần đầu, ông nghĩ nhiều về tôi. Sau đó, Nhà Trắng mời tôi tháng 4 tới nhận huy chương mà dịch Covid-19 bùng phát. Đến tháng 11/2020, ông vẫn tiếp tục muốn trao huy chương cho tôi.
Về tình duyên cũng vậy, tôi cũng rất may mắn. Bà xã lúc đó là cô gái xinh đẹp, tôi không nghĩ sẽ có ngày là vợ mình. Chúng tôi quen nhau ở Nhật. Con trai tôi làm phát ngôn viên của hãng điện California. Con gái cũng có công việc ổn định. Cuộc sống của tôi hiện nay khá ấm áp, tôi đi nhiều nơi trên thế giới để mở mang tầm mắt và tiếp tục có lời cảnh tỉnh về chiến tranh, xung đột để nhân loại biết quý mạng sống của con người.
Xin cảm ơn ông Nick Út và hy vọng ông có những chùm ảnh đẹp về thiên nhiên và các vùng đất đi qua!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.