Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó

Minh Huệ Thứ tư, ngày 01/01/2025 18:33 PM (GMT+7)
Thay vì thừa hưởng những trái ngọt thế hệ đi trước để lại, đi theo “lối mòn”, những người trẻ 8X, 9X đang “yêu” nông nghiệp bằng một cách khác: Mạnh tay đầu tư công nghệ, chuyển đổi quy trình sản xuất để tạo ra khác biệt trong hành trình mới.
Bình luận 0

Nông nghiệp xanh trong tay gen Z

Chu Thị Hồng Thủy là thế hệ thứ hai trong một gia đình có kinh nghiệm lâu năm trong ngành chăn nuôi gà đẻ. Bà Lê Thị Thanh là người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Tafa (Tafa Group), trong khi Thủy - một cô gái thuộc thế hệ 9X, đang được bà Thanh giao điều hành công ty với tầm nhìn chiến lược rõ ràng về ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững.

Chị Thủy cho biết, gia đình chị chăn nuôi gà từ năm 1990 tại Đà Lạt, lúc đó chỉ có 10 con gà. Đến năm 2017, khi thế hệ thứ hai tiếp quản, tổng đàn gà đã đạt hơn 100.000 con. Với sự đầu tư mạnh mẽ và chiến lược phát triển bền vững, Tafa đã tăng trưởng vượt bậc, nâng tổng đàn gà lên 1 triệu con mỗi năm, mở ra một hướng đi mới cho ngành sản xuất trứng tại Việt Nam.

Hiện Tafa đang phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ theo hướng khép kín, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến quy trình nuôi gà tự động; đóng gói sản phẩm hoàn chỉnh. Toàn bộ các công đoạn được quản lý và giám sát bằng công nghệ tiên tiến, giúp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó - Ảnh 1.

Công nhân lựa chọn những quả trứng đạt tiêu chất lượng ở trang trại TaFa. Ảnh: Ngọc Quý

Trong gần một thập kỷ qua, Tafa Group đã đầu tư hàng chục triệu USD vào hệ thống nuôi gà tự động nhập khẩu từ Đức, nhằm sản xuất ra những quả trứng an toàn, tươi, không dư lượng kháng sinh và ít cholesterol. Quy trình nuôi gà tự động không chỉ tiết kiệm nhân lực mà còn giúp giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh. 

Bí thư T.Ư Đoàn- Ngô Văn Cương cho biết, những năm qua, T.Ư Đoàn đã đồng hành cùng thanh niên cả nước trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình sản xuất bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, T.Ư Đoàn đã tổ chức các buổi tập huấn khởi nghiệp với sản phẩm tái chế, sản phẩm hữu cơ sử dụng công nghệ vi sinh cho 7.500 đoàn viên trên toàn quốc; thành lập 700 đội tình nguyện ứng dụng công nghệ sinh học bảo vệ môi trường với hơn 14.500 đội viên…

Một điểm đáng chú ý là toàn bộ phân gà và chất thải từ trang trại đều được xử lý bằng công nghệ vi sinh của Đức, chuyển hóa thành phân bón hữu cơ, đóng góp vào mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Tafa Việt cũng tiên phong trong việc sử dụng 100% hộp giấy phân hủy để đóng gói trứng, thay thế hoàn toàn bao bì nhựa, từ đó góp phần bảo vệ môi trường và thực hiện cam kết trở thành một thương hiệu "xanh" trong ngành chăn nuôi trứng.

Chị Thủy chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2025, Tafa Group sẽ đạt sản lượng 2 triệu con gà đẻ/năm. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển các trang trại, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng công nghệ mới để duy trì vị thế tiên phong trong ngành".

Cũng là một thanh niên thế hệ thứ 2 trong gia đình yêu nông nghiệp, anh Nguyễn Thế Tùng - Chủ tịch Công ty CP Công nghệ QFarm Tech đã dành nhiều tâm huyết xây dựng trang trại trồng sầu riêng 55ha "đẹp như phim" ở tỉnh Bình Phước. Trước đó, Tùng có 7 năm học tập ở nước ngoài, tham gia nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau nhưng không phải nông nghiệp.

"Từ sự dẫn dắt của mẹ tôi, 5 năm trước, tôi bắt tay vào làm nông nghiệp với con số 0. Nhưng ngay lúc đó, tôi đã nghĩ rằng mình đi sau thì phải biết tận dụng lợi thế của công nghệ, của các mô hình sản xuất hiện đại để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đạt chứng chỉ quốc tế nhằm tiến tới xuất khẩu chứ không chỉ phục vụ thị trường trong nước" - anh Tùng kể.

Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó - Ảnh 2.

Giữa trang trại Queen Farm, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), anh Nguyễn Thế Tùng đã xây dựng hồ chứa nước rộng gần 1,2ha, giúp việc tưới tiêu suốt 6 tháng mùa khô mà không cần phải khai thác nước từ mạch ngầm.

Mặc dù sinh sống ở TP.HCM, nhưng tháng nào Tùng cũng dành nửa thời gian về Bình Phước để điều hành trang trại. Hiện, trang trại trồng 10.000 cây sầu riêng các loại; 1.500 cây mít, chưa kể vú sữa, chuối. Ngoài Tùng, tại đây chỉ có 10 công nhân và 2 kỹ sư song trang trại vẫn vận hành tốt nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Một trong những ví dụ điển hình về sự thay đổi tư duy làm nông nghiệp mà thế hệ nông dân trẻ như Tùng khiến những người đi trước phải trầm trồ, đó là trước khi trồng cây, dù chưa ý thức rõ ràng về ESG (Môi trường, xã hội, quản trị), song Tùng đã thuê máy móc đào 2 hồ chứa nước. Trong đó có một hồ chính ở giữa trang trại, rộng gần 1,2ha, có thể tích trữ được 100.000m3 nước, giúp đảm bảo tưới tiêu trong suốt mùa khô. 

"Vào mùa khô, nhiều nơi ở Bình Phước bị khô hạn, thiếu nước, cũng vì thế mà nông dân ở đây chủ yếu trồng điều, cao su - những loại cây có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt. Nhưng khi tôi trồng sầu riêng - một loại cây ăn trái khó tính - thì tôi phải tính kỹ mọi kịch bản có thể xảy ra, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Do đó, tôi đã xây dựng hồ nước ở nơi cao nhất của trang trại, từ đây nước có thể cung cấp cho toàn bộ khu vườn" - anh Tùng chia sẻ.

Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó - Ảnh 3.

Trang trại sầu riêng Queen Farm đã đạt chứng nhận GlobalGAP (Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu) và trở thành nơi nhiều đoàn khách tới thăm quan, tìm hiểu mô hình nông nghiệp xanh.

Anh Tùng cho biết, trang trại đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động của Israel, chỉ riêng đường ống chạy quanh vườn đã dài tới 75km. Đồng thời, Tùng còn lắp cảm biến ở mỗi gốc cây để lượng nước tưới mỗi lần vừa đủ, không bị lãng phí. Trang trại không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ cắt cỏ ngang gốc, sau đó ủ vào gốc cây để giữ ẩm cho đất cũng như bảo vệ nguồn nước.

"Mùa hè năm vừa rồi, Bình Phước đã trải qua một đợt hạn hán nặng nề. Trong suốt 6 tháng 9 ngày, trang trại của tôi không có một hạt mưa nào. Tuy nhiên, nhờ chủ động tích trữ nước, canh tác theo mô hình nông nghiệp xanh và ứng dụng công nghệ cao, các cây sầu riêng vẫn vượt qua hạn hán để ra trái vụ đầu tiên" - anh Tùng vui vẻ khoe.

Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó - Ảnh 4.

Trang trại Queen Farm đang tạo việc làm cho nhiều đồng bào S'tiêng, được hưởng lương và đóng bảo hiểm đầy đủ. Đặc biệt, công nhân ở đây được trao "Sổ xanh", giúp người lao động lâu năm sở hữu cây sầu riêng Queen Farm, nhằm tạo thêm thu nhập ổn định và bền vững.

Về quê khởi nghiệp với ớt, thu về hàng tỷ đồng/năm

Lê Minh Cương (sinh năm 1992, quê ở Thanh Hóa) từng du học Singapore, sau đó chàng trai trở về TP.HCM làm việc trong lĩnh vực giáo dục rồi may mặc. Năm 2016, sau khi tích lũy được chút vốn, Cương quyết định rời TP.HCM về quê Thanh Hóa thực hiện ước mơ làm nông nghiệp với sản phẩm từ quả gấc như nước ép gấc, dầu gấc. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của Chương không đơn giản, chàng trai nhanh chóng hứng chịu thất bại cùng những lời xì xào: "Thằng này đi du học, làm ở Sài Gòn, chỗ nọ chỗ kia rồi mà lại về quê…".

"Thế nhưng trong tôi vẫn luôn nuôi dưỡng một khát vọng làm nông nghiệp. Ôm đống nợ 5 tỷ đồng do bị phá sản, tôi làm đủ thứ để có thể kiếm được tiền như bán nước ép trái cây, đồ khô, đồ sấy, nấu chè, bán đồ ăn vặt… Vừa tích góp trả nợ, vừa đầu tư về kiến thức, thời gian, nghiên cứu để khởi nghiệp lần 3" – Cương kể.

Nông dân Net Zero: Trái ngọt từ những người trẻ năng động, dám vượt khó - Ảnh 5.

Lê Minh Cương (sinh năm 1992, quê Thanh Hóa) với các sản phẩm tương ớt sản xuất theo kiểu truyền thống. Ảnh: FBNV

Ban đầu, chàng trai 9x nhận thấy quê mình trồng ớt rất nhiều, mà năm 2019 giá ớt rẻ, bà con bỏ không buồn thu hoạch. "Ớt là cây trồng tốt vào mùa đông, năm nào mọi người cũng trồng nhưng giá ớt bấp bênh, có năm thu lãi tốt, có năm vứt đi. Nhiều năm liền phụ thuộc thương lái, có năm họ không trả tiền. Mình nghĩ, một loại gia vị tốt như thế, tại sao lại không thể phát triển và chế biến? Làm sao để có gia vị sạch cho người dùng, tương ớt không cần phụ gia? Mình đã bắt đầu khởi nghiệp lần 3 với số vốn 45 triệu đồng để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó".

Chàng trai trẻ kể: Tương ớt làm theo kiểu truyền thống, lên men tự nhiên ở đây chưa ai làm, cả miền Bắc cũng ít người làm. Mình tìm hiểu rồi mày mò thử nghiệm, tất cả các công đoạn đều được kiểm tra, chọn lựa cẩn thận từ khâu thu mua ớt tươi, làm sạch, xay nhỏ và cuối cùng là đem đi ủ. 47 mẻ tương ớt phải vứt đi, tới mẻ 48 thì đạt, tổng thử nghiệm trong 4 tháng và hoàn toàn từ nguyên liệu quê hương.

Mang những chai tương ớt truyền thống đầu tiên đi giới thiệu, Cương nhận được nhiều phản hồi tích cực. "Một mẻ tương mình ủ từ 3-6 tháng thì đạt. Các sản phẩm bảo quản bằng phương pháp thanh trùng có hạn sử dụng 1 năm khi chưa mở nắp" - Cương cho biết thêm.

Sau hơn 2 năm phát triển mô hình sản xuất tương ớt thủ công, đến nay Cương đã xuất bán ra thị trường trên 100.000 chai sản phẩm các loại, mang về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem