Ông Huỳnh Văn Thòn nêu sự khác nhau giữa cánh đồng mẫu lớn và đề án 1 triệu ha lúa CLC
Ông Huỳnh Văn Thòn nêu sự khác nhau giữa cánh đồng mẫu lớn và đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Huỳnh Xây
Thứ sáu, ngày 20/12/2024 05:39 AM (GMT+7)
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hệ sinh thái cánh đồng mẫu lớn là nội sinh của Tập đoàn Lộc Trời, còn hệ sinh thái đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cộng sinh của xã hội, nên sẽ giải quyết được vấn đề về pháp lý, nguồn lực và nhiều điều kiện khác...
Ngày 19/12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050".
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời phân tích sự khác nhau giữa cánh đồng mẫu lớn "mãi không lớn" và đề án 1 triệu lúa chất lượng cao. Ảnh: Huỳnh Xây.
Tại đây, trong phần phát biểu của mình, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời dành nhiều thời gian nói về sự khác nhau giữa cánh đồng mẫu lớn (do Tập đoàn Lộc Trời tiên phong thực hiện ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL nhiều năm trước đây) và đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; do Bộ NNPTNT triển khai thực hiện, hiện đang giai đoạn thí điểm ở vụ lúa thứ 2).
Theo ông Thòn, trước đây, Tập đoàn Lộc Trời làm cánh đồng mẫu lớn có thời gian nổi tiếng vô cùng nhưng sau đó "làm hoài mà không lên được nữa".
Nguyên nhân là không đồng bộ, cơ chế chính sách, quyền lợi và lợi ích không rõ ràng.
Khi có đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông rất mừng vì những cái khó của cánh đồng mẫu lớn có khả năng được khắc phục. Ông tin tưởng rằng, đề án sẽ thành công về sau.
Ông Thòn phân tích, hệ sinh thái cánh đồng mẫu lớn là nội sinh của Tập đoàn Lộc Trời, còn hệ sinh thái đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cộng sinh của xã hội, nên sẽ giải quyết được vấn đề về pháp lý, nguồn lực và nhiều điều kiện khác.
"Toàn bộ những gì hạn chế, khó khăn ở cánh đồng mẫu lớn đều được giải quyết trên cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhất là về pháp lý, nguồn lực, hệ sinh thái" - ông Thòn nhấn mạnh.
Nếu kiên trì thực hiện theo lộ trình, thời gian, cùng với sự hỗ trợ tốt về nguồn vốn vay, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.
Thế nhưng, đến thời điểm này, theo ông Thòn đánh giá, chính sách gần như lý tưởng nói trên chưa được áp dụng, người tham gia gần như chưa được hưởng lợi gì, thiếu sự hỗ trợ và ở đâu đó hệ sinh thái "bời rời như cơm ngụi", không kết nối các thành tố trong đó.
Để đề án phát triển trong thời gian tới, với kinh nghiệm nhiều năm làm mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Thòn cho rằng, cần làm rõ và phân công hợp lý các phần việc, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người làm và lợi ích người làm gồm doanh nghiệp và nông dân; các nhà hoạch định chính sách; chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý của nhà nước.
Thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây.
Lúc đó, doanh nghiệp tổ chức sản xuất và kinh doanh, đơn vị làm công tác bảo vệ thực vật sẽ làm bảo vệ thực vật, đơn vị làm giống sẽ làm giống, nơi chế biến làm chế biến...Có như vậy, các đơn vị sẽ làm chuyên môn nhanh hơn, vai trò rõ hơn và mỗi đơn vị phát huy điểm mạnh của mình.
Nhằm thuận lợi hơn nữa, ông Thòn đề xuất, mỗi tỉnh nên để Chủ tịch, lãnh đạo UBND tỉnh làm nhạc trưởng điều hành đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
"Tôi khẳng định, khi nhạc trưởng là chủ tịch tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ dẫn dắt được đề án từng địa phương. Và lúc này sự hỗ trợ của lãnh đạo vì nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm đối với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ khác hẳn sự hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu như cánh đồng mẫu lớn trước đây" - ông Thòn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.