Nuôi ngựa bạch kiểu "sang chảnh" ở Lai Châu, cho ăn lá sâm, con nào cũng khỏe như vâm
Nuôi ngựa bạch kiểu "sang chảnh" ở Lai Châu, cho ăn lá sâm, con nào cũng khỏe như vâm
Văn Chiến
Thứ năm, ngày 19/12/2024 05:45 AM (GMT+7)
Anh Giàng A Cường (SN 1982) ở Khu 1, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn mua 17 con ngựa bạch về nuôi. Sau gần 1 năm chăm bẵm, đàn ngựa phát triển tốt và hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn.
Anh Cường quê ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Anh từng học đại học Xây dựng. Sau nhiều năm bôn ba, đi làm thuê ở nhiều nơi, năm 2017, anh quyết định xin thôi việc ở nhà làm nghề bốc thuốc Nam cứu người cùng vợ ở thị trấn Sìn Hồ.
Sinh ra và lớn lên ở miền núi, từ nhỏ anh đã gắn bó với núi rừng như duyên nghiệp. Hình ảnh những đoàn ngựa thồ năm xưa ở vùng cao đã in sâu vào tâm trí anh. Từ ngày anh về Sìn Hồ, những chú ngựa thồ gần như vắng bóng. Ngày trước bà con nơi đây, gia đình nào cũng nuôi ngựa để làm phương tiện vận chuyển. Từ khi đường xá được mở rộng, nhà nào cũng mua được xe máy, nên không còn ai nuôi ngựa nữa. Đầu năm 2024, anh đã mạnh dạn mua 17 con ngựa bạch về nuôi tại trang trại.
Cho ngựa bạch ăn lá sâm
Trong quá trình làm thuốc và bán thuốc, anh nhận thấy nhu cầu về cao ngựa bạch rất lớn. Hơn nữa, cao ngựa bạch có giá trị dược tính cao. Nó chữa được nhiều bệnh, giúp người dùng tăng cường sức khỏe. Năm 2023, anh đã bàn với gia đình mở trang trại để nuôi ngựa. Gia đình anh đã có trang trại rộng 4ha ở trong núi.
Trước lúc đi mua ngựa giống, anh đã cất công tìm hiểu nghề nuôi ngựa bạch ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Nuôi ngựa bạch giúp người nông dân làm giàu, nhiều người trở thành tỷ phú. "Trước đây các cụ nhà tôi từng nuôi nhiều ngựa. Con ngựa gắn bó với người nông dân vùng cao vô cùng mật thiết. Tôi nghĩ đất cao nguyên Sìn Hồ cũng có thể nuôi được ngựa bạch. Vợ chồng tôi đã quyết định vay mượn mà mua 17 con ngựa bạch về nuôi", anh Cường cho biết.
Tại trang trại, anh đã xây dựng chuồng ngựa rộng 500m2. Xung quanh được quây tôn, mái làm kiên cố. Phía trong chuồng được xây dựng hiện đại có hệ thống điện, nước, thu gom chất thải. "Chuồng ngựa này có thể nuôi được 200 con ngựa", anh Cường chia sẻ.
Đàn ngựa đưa về trang trại được anh Cường chăm sóc chu đáo. Con nào con nấy giờ béo tròn. Ngoài nguồn thức ăn là cỏ và ngô, anh Cường còn cho ngựa ăn thêm lá sâm đương quy. Đám ngựa rất thích ăn lá sâm. Sau mấy tháng về đất Sìn Hồ, giờ chúng đã "nghiện" món lá sâm này.
Cứ mỗi khi cho chúng ăn lá sâm, anh Cường gõ lên vài tiếng kẻng. Sau một thời gian, giờ cứ mỗi khi anh Cường gõ kẻng, đám ngựa đang ăn ở trong núi cũng biết đường tìm về. "Nuôi đám này nhàn lắm. Sáng tôi thả chúng vào trong đồi, chiều tối chỉ cần gõ kẻng là chúng tự biết tìm đường về chuồng", anh Cường chia sẻ.
Nuôi ngựa bạch lãi quan viên
Theo anh Cường, so với các con vật nuôi khác như trâu, bò, dê, nuôi ngựa mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Một con ngựa bạch, mỗi năm đẻ 1 lứa. Con nhỏ sau sinh, nuôi 4 đến 5 tháng bán được giá 30 đến 40 triệu đồng. Sau 3 năm ngựa trưởng thành có thể bán được cả trăm triệu đồng. Ngựa bạch được dùng để nấu cao, nên được thương lái săn lùng khắp nơi. "Trước mắt, tôi từng bước nâng dần số lượng đàn ngựa lên theo từng năm. Quy mô của trang trại có thể lên tới 200 con", anh Cường cho biết.
Cũng theo anh Cường, nuôi ngựa bạch có sự chăm sóc khác hơn so với đàn gia súc khác. Việc đầu tiên là hàng ngày phải chải lông cho ngựa. Thao tác này giúp ngựa tăng cường sự tuần hoàn và trao đổi chất, sinh trưởng tốt. Nó còn giúp ngựa bạch hạn chế được các ký sinh trùng ngoài da như rận, ghẻ.
Trong quá trình chăm sóc ngựa, cần quan sát xem độ dài của bờm và đuôi ngựa như thế nào để cắt sửa kịp thời, tránh tình trạng bờm bị vón, chạm vào mắt làm đau hay đuôi ngựa quá dài dễ bị bẩn.
Một điều cần lưu ý nữa là cho ngựa vận động. Mỗi ngày nên thả đàn ngựa khoảng 4 giờ. Bên cạnh đó tập cho ngựa bạch vận động thêm 1 lần/ngày, trong 1 tiếng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.