Chiến Hoàng
Thứ ba, ngày 16/02/2021 06:12 AM (GMT+7)
Khi hoa mận, hoa mơ bung trắng lưng đồi, xôm xốp như thể những bông tuyết xứ trời Âu, thì cũng là lúc người Dao Đỏ ở Phiêng Lằm ngọt môi lời chúc “phấy quấy hèng vẳng”…
Chúng tôi lên Phiêng Lằm - bản người Dao Đỏ ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, lúc mùa xuân vừa chạm chân núi Fja Khao khi lớp lớp những bông mận, bông mơ tinh khôi theo gió tung trời như tấm lòng người Dao hiếu khách.
Nhà ông Triệu Tài Long hôm nay đón người bản xa, bếp nhà rực lửa, gộc củi trong kiềng lép bép nổ hoa. Người Dao nơi đây bảo, ấy là thần bếp báo khách đường xa vừa đến.
Triệu Hoàng Giang - con trai ông Triệu Tài Long hôm nay cũng vừa từ thành phố lên. Giang là nhà văn trẻ tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn, hiểu biết sâu về văn hóa "kiềm miền" (từ chỉ người Dao - PV).
Trên kiềng, nồi bánh chưng đã dậy mùi, gạo nếp nương thơm nức lan lan trong gian bếp, lủng lẳng phía trên những tảng thịt lợn tết đỏ au nhỏ mỡ. Giang lặng lẽ mở vung lựa 12 chiếc bánh chưng đẹp nhất cho ra mâm, ngoài nhà, chị gái Giang cũng đã nặn đủ 12 chiếc bánh giầy đầu tiên cho mâm cúng gia tiên.
Chúng tôi cùng con trai ông Long chuyện trò bên bếp đợi tiếng gà gáy sáng, Triệu Hoàng Giang bảo, cả bản đang chờ tiếng gà gáy đầu tiên của năm. Giang cho biết, người Dao Đỏ quan niệm, nếu gà gáy trước thì năm đó bình an vô sự, chó sủa trước thì sẽ có nhiều trộm, mèo kêu trước ắt sẽ có thú dữ. Chính bởi vậy mà thời khắc giao thừa luôn được người Dao căng tai nghe ngóng để đoán định năm mới sẽ ra sao.
Nhấp chén rượu được nấu từ thân cây đao (một loài cây họ dương xỉ), Giang cho biết thêm, mùng 1, theo giờ xuất hành và hướng đại lợi đã được xem trước, mỗi gia đình người Dao Đỏ ở Phiêng Lằm này sẽ đi theo hướng hợp. "Những ngày tết chính thức thường kết thúc vào mùng 6, mùng 7. Lúc này, mỗi gia đình lại chuẩn bị gà luộc, bánh chưng để cúng, thông báo tổ tiên biết đã hết tết, con cháu cần tiếp tục làm việc; tết năm sau mời tổ tiên lại về cùng con cháu" - Giang chia sẻ.
Trên nhà, lúc này ông Triệu Tài Long cũng vừa xong bài khấn, ông niềm nở rót tràn bát rượu mời khách đường xa. Trong câu chuyện, ông cho hay, thông thường, từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tết, tại một gia đình có điều kiện trong làng, lễ nhảy lửa sẽ được tổ chức vào buổi tối.
Theo ông Long, chủ nhà sẽ mời thầy đến làm lễ. Thầy cúng (Slay) sẽ thay mặt gia đình cầu một năm mới bình an, no ấm; xin phép tổ tiên, mời thần linh ban sức mạnh cho thanh niên trong bản để lễ hội được bắt đầu.
Lúc này, một đống lửa to sẽ được đốt lên, khi củi cháy đượm, than hồng rực, Slay sẽ bước vào đống lửa đầu tiên, theo sau là những thanh niên trai tráng...
"Sau khi nhảy và bước đi trong đống than hồng, những thanh niên sẽ đến các gia đình chúc tết, uống rượu. Lễ nhảy lửa đầu năm mới sẽ kết thúc bằng bữa cơm tại nhà cuối bản hoặc nhà lúc đầu làm lễ" - ông Long cho hay.
… Câu chuyện của vị chủ nhà hiếu khách vừa dứt, tiếng gà cũng rộn rã cất lên, cùng với đó là cái bắt tay thật chặt kèm lời chúc "Phấy quấy hèng vẳng!" (bốn phương thịnh vượng) của ông Long với chúng tôi.
Chẳng mấy chốc, cả Phiêng Lằm vọng vang lời chúc "Phấy quấy hèng vẳng", lời chúc ngọt môi và ấm lòng đến lạ. n
Vui lòng nhập nội dung bình luận.