Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói về các "con số xô đổ mọi kỷ lục" của năm 2024

L. Anh Thứ tư, ngày 08/01/2025 11:40 AM (GMT+7)
Năm 2024, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành. Nhấn mạnh đây là một thành công, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lấy dẫn chứng "con số xô đổ mọi kỷ lục", đó là, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Bình luận 0

Hoàn thành 15/15 chỉ tiêu của năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025. Thông tin về một số thành tựu của năm 2024, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành. Trong đó, đáng chú ý là xuất hiện các con số rất phấn khởi.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023; chỉ số CPI tăng 3,63% so với năm trước.

Nhấn mạnh đây là một thành công, Phó Thủ tướng tiếp tục dẫn chứng "con số xô đổ mọi kỷ lục", đó là, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,95%,...

Phó Ban Kinh tế TW: Năm 2025 phải tạo nền tảng duy trì trong 5 - 10 năm tới... - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.

Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán (vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng) tăng 16,2% so với thực hiện năm 2023. Theo Phó Thủ tướng, nhờ mở rộng cơ sở thu, năm nay là năm thứ 4 thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra với tổng vượt thu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

"Đây là nguồn lực quan trọng để nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng", Phó Thủ tướng nhận định.

Về kết quả trên, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2024 là một năm nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi, nhất là tình hình thế giới.

Nhưng bên cạnh đó, 2025 cũng là năm có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước. Bởi năm 2025 là năm cuối thực hiện và về đích các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị bắt đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Năm 2025 phải tạo nền tảng duy trì trong 5 - 10 năm tới

Năm 2025 cũng là năm được xác định đóng vai trò tăng tốc, bứt phá, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng cao và duy trì bền vững trong 5 - 10 năm tiếp theo. Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn

Theo ông Sơn, về bối cảnh thế giới, năm 2025 là năm tiếp tục được dự báo sẽ có những biến động sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tình trạng phân mảnh/phân tách trong hợp tác kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, đi cùng với đó là các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trở lại; tỷ trọng giao thương nhiều hơn trong các khối địa - chính trị cùng tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nước lớn đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi mô hình thương mại toàn cầu theo hướng thiếu kết nối hơn, tạo tâm lý thiếu ổn định trong hoạt động thương mại, đầu tư trên thế giới.

Một số thách thức mang tính cấu trúc lâu dài khác đối với kinh tế toàn cầu cũng phức tạp hơn, đáng chú ý là vấn đề già hóa dân số nhanh chóng và gay gắt, tạo ra những thay đổi căn bản trong cấu trúc lao động, buộc các nước phải tìm cách thích nghi.

Phó Ban Kinh tế TW: Năm 2025 phải tạo nền tảng duy trì trong 5 - 10 năm tới... - Ảnh 2.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Không chỉ vậy, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, số hóa đặt ra thách thức lớn hơn cho các nước phát triển ở trình độ trung bình và thấp... "Tính bất ổn và khó dự báo của kinh tế toàn cầu khiến cho việc đầu tư vào các tài sản "trú ẩn" như vàng, bất động sản... có xu hướng tăng cao, giảm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Sơn phân tích.

Trong bối cảnh đó, ông Sơn đánh giá: "Năm 2025 cần được đặt ở một vị trí đặc biệt hơn; cách tiếp cận và xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2025 cũng cần được nhìn nhận theo hướng không chỉ bảo đảm để tăng trưởng cao riêng cho năm 2025 mà phải tạo được nền tảng quan trọng để tăng trưởng cao, bền vững trong 5 -10 năm tiếp theo".

Vì cậy, cần phải tiếp tục bảo đảm vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Làm sao để tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế là vấn đề đang rất được quan tâm.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp đột phá và cụ thể nào để tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đặc biệt là thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đang tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 46% GDP, khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước...

"Phải làm sao để đầu tư tư nhân kết nối được với đầu tư công và đầu tư FDI, qua đó tạo ra sự cộng hưởng trong đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng", PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu phải gắn liền với kiểm soát nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ đóng góp vào GDP, nâng cao sức mua, kích thích thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo động lực cho tăng trưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem