Các KCN Đồng Nai thu hút vốn FDI đạt gần 200%, tiếp tục đón tin vui đầu năm
Các KCN Đồng Nai thu hút vốn FDI đạt gần 200% kế hoạch, tiếp tục đón tin vui đầu năm
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 08/01/2025 21:18 PM (GMT+7)
Các KCN Đồng Nai thu hút vốn FDI hơn 1,35 tỷ USD năm 2024, đạt gần 194% so với kế hoạch. Với việc duy trì top 7 cả nước trong thu hút FDI, Đồng Nai vẫn là địa bàn được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.
Năm 2024, Ban quản lý các KCN Đồng Nai đề ra mục tiêu thu hút đầu tư 700 triệu USD vào các KCN. Kết quả, đến cuối năm 2024, các KCN trong tỉnh đã thu hút hơn 1,35 tỷ USD, đạt gần 194% so với kế hoạch.
Ban quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục thông báo tin vui ngay đầu năm mới 2025 khi đã có những dự án đầu tư quy mô đổ về Đồng Nai.
Ông Nguyễn Trí Phương – Trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai cho biết, Ban đang thẩm định các hồ sơ. Đồng Nai dự kiến, trong tháng 1 sẽ cấp mới và cấp tăng vốn các dự án với giá trị khoảng 500 triệu USD.
Các dự án được thu hút đúng theo định hướng của Đồng Nai là các ngành thuộc nhóm công nghệ tiên tiến, không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung vào các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử, cơ khí chế tạo và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Trong đó có một số dự án nổi bật như: 2 dự án của Tập đoàn Coherent (Mỹ) với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (huyện Nhơn Trạch). Các dự án này chuyên sản xuất chất bán dẫn, thiết bị dụng cụ quang học.
Nhà máy Điện tử Regza Việt Nam, thuộc Tập đoàn Hisense (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, tại Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành), chuyên sản xuất ti vi với công suất 150 ngàn sản phẩm/năm.
Năm 2024, kết quả giải ngân vốn FDI trên địa bàn Đồng Nai đạt khá với mức 1,328 tỷ USD, gấp 2,6 lần so với kế hoạch và tăng 30% so với năm 2023.
Năm 2025, khi quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt cùng cùng hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia được đưa vào khai thác, Đồng Nai như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư.
Mở rộng KCN để tiếp tục thu hút đầu tư
Dù đạt được những kết quả bứt phá, song vấn đề đặt ra với Đồng Nai là quỹ đất công nghiệp cho thuê còn hạn chế. Trong 32 KCN đang hoạt động, diện tích lấp đầy đã đạt 86,27%.
Nhiều diện tích đất công nghiệp còn lại của Đồng Nai đang nằm rải rác trong nhiều KCN khác nhau, và phần lớn còn vướng khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Tỉnh không thể đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để có đất cho nhà đầu tư thuê.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, thời gian qua, Đồng Nai liên tục được duyệt đầu tư loạt khu công nghiệp quy mô lớn.
Tháng 9/2024, KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (giai đoạn 1) ở huyện Long Thành đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 1.000 ha.
Cuối năm 2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập KCN Phước Bình 2 (gần 300 ha). Đồng Nai đã nâng tổng số các KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư lên 36 KCN với tổng diện tích trên 12.800ha.
Các ngành liên quan đang lập quy hoạch 1/2000 để tiến hành giao đất, triển khai các thủ tục tiếp theo nhằm thu hút đầu tư.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai đang rất quan tâm các giải pháp đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường thuộc 3 nhóm mũi nhọn là: công nghệ hàng không; công nghệ bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.
Trong quy hoạch, Đồng Nai dành diện tích đất cao su lớn, thuận lợi công tác giải phóng mặt bằng, phát triển thêm nhiều KCN mới với diện tích 18.500ha. Để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, Đồng Nai đã quy hoạch khu công nghệ cao khoảng 500ha và KCN Công nghệ thông tin 100ha để thu hút nhà đầu tư công nghệ cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.