Michel Platini vừa trúng cử thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch UEFA nữa với sự ủng hộ tuyệt đối của đại diện các LĐBĐ quốc gia châu Âu. Để nhận được sự tín nhiệm đó, Michel Platini đã có một nhiệm kỳ đầu thành công ngoài mong đợi.
Vì một nền bóng đá không giai cấp
|
Platini khi còn là cầu thủ. |
Năm 2006, thế giới bóng đá đã hết sức đau lòng khi các ông lớn của bóng đá châu Âu: Real, Bacra, AC Milan, M.U… định thành lập một giải bóng quý tộc. Theo đó, những câu lạc bộ hùng mạnh này (khởi điểm là 8 đội bóng của 3 quốc gia Tây Ban Nha, Anh, Italia) sẽ có một giải đấu riêng. Giải đấu ấy không chỉ làm giảm uy tín của Champions League danh giá mà còn là “miếng bọt biển” thu hút toàn bộ tài lực của bóng đá châu Âu.
Đúng lúc ấy Platini xuất hiện, hay nói đúng hơn ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu thay cho Lennart Johansson vào năm 2007. Ý tưởng ngông cuồng của các đại gia ấy lập tức ra đi không kèn không trống.
Chưa "hả giận", Platini còn tiếp tục làm giảm sự lộng hành của các nền bóng đá thích "lấy tiền làm vũ khí". Cải cách cơ bản nhất của Michel Platini ở các cúp châu Âu là việc phân phối lại số đội tham dự Champions League của các quốc gia. Ngoài việc tước bớt vé của các nền bóng đá lớn, Platini còn buộc các câu lạc bộ của những nước này phải tham gia vòng play-off.
Việc tính điểm dựa theo những trận thắng - thua của các CLB đại diện tại các Cúp châu Âu làm căn cứ quyết định số đội bóng năm tới của quốc gia đó được tham dự cúp châu Âu đã bị chỉ trích rất mạnh sau đó. Theo cách tính thông thường, nếu một đội bóng mạnh đã thắng 5 - 0 ở lượt đi trong một trận loại trực tiếp thì họ có thể "buông" ở trận sau, thua đến 0 - 4 cũng không sao, như vậy họ sẽ chỉ có 3 điểm. Trong khi đó một đội bóng khác thắng dù chỉ 1-0 cả lượt đi lẫn lượt về sẽ có tới 6 điểm. Như vậy là bất công cho những đội bóng hay tính toán.
Cách tính điểm của Chủ tịch UEFA dường như là một sự thù ghét với các đội bóng lớn, nền bóng đá mạnh. Nhưng với riêng tôi thì đó là điểm mà Platini được giới bóng đá trân trọng nhất.
Bóng đá châu Âu trở nên "mất trật tự" vì tiền bạc chi phối và Platini là người đang sắp xếp lại cái trật tự ấy.
Những lá phiếu từ Đông Âu
|
Chủ tịch UEFA Michael Platini gặp gỡ Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. |
Không hiểu có phải vì thời gian thi đấu quốc tế đỉnh cao của mình, Platini nhiều lần được chạm trán với các đội bóng Đông Âu (ở vào thời kỳ sung mãn nhất lịch sử) mà ông yêu quý những nền bóng đá này hay không, nhưng nói không oan là ông với tư cách Chủ tịch UEFA đã ưu ái hơi quá đáng các đội bóng và nền bóng đá Đông Âu.
Bóng đá châu Âu trở nên "mất trật tự" vì tiền bạc chi phối và Platini là người đang sắp xếp lại cái trật tự ấy.
Việc có nhiều hơn các đội tham dự cúp châu Âu đã tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính cho các CLB nghèo khó Đông Âu, theo đó với mỗi trận thắng ở vòng bảng Champions League, các CLB này sẽ có 1,5 triệu euro, vào vòng trong sẽ tăng gấp đôi.
Với các "ông lớn", số tiền này không đủ cho các cầu thủ của họ mở tiệc ăn mừng nhưng với các đội bóng Đông Âu số tiền ấy quả là những trận mưa mát lành lúc nắng hạn.
Còn nhớ, CLB Zenit (Nga) đã thoát khỏi sự phá sản sau khi vô địch Europa League 2007 - 2008 mới thấy cúp châu Âu với các nền bóng đá này không chỉ là chỗ để tìm kiếm vinh quang mà nó còn là "miếng cơm manh áo" thiết thực.
Cảm ơn nghĩa cử của Platini! Đây chính là hành động hiệu quả nhất để phát triển các nền bóng đá yếu mà tất cả các liên đoàn bóng đá khác phải học hỏi.
Xem các phiếu bầu để lần đầu bước lên ngôi chủ tịch EUFA năm 2007 của Platini, người ta thấy toàn bộ chúng có xuất xứ từ Đông Âu. Trong 4 năm tại vị, “Hoàng tử bóng đá, trong vai trò mới đã làm được một việc phi thường cho "phe xã hội chủ nghĩa", đó là đưa giải vô địch châu Âu 2012 đến với Balan và Ukraine.
Thế nên không cần công bố người ta cũng biết tại cuộc bỏ phiếu để tái đắc cử lần này, những người xã hội chủ nghĩa lại tiếp tục sát cánh bên Platini. Đông Âu đã chính thức là ngôi nhà, là chỗ dựa vững chắc cho Platini.
Nên nhớ khi Liên Xô vô địch Euro tại Pháp vào lần thứ nhất giải được tổ chức năm 1960, người ta đã mong chờ một lần Euro được tổ chức tại Đông Âu. Vậy mà tận 52 năm sau, giấc mơ ấy nhờ Platini mới thoả.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.