Quy định pháp lý vụ cựu Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng bị khởi tố
Quy định pháp lý vụ cựu Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng bị khởi tố
Quang Trung
Thứ sáu, ngày 03/01/2025 06:43 AM (GMT+7)
Bà Lê Thúy Hằng cựu Tổng Giám đốc SJC và một số người khác bị cáo buộc lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách để chiếm đoạt tài sản. Luật sư đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Nhóm bị can bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản gồm Hoàng Lệ Huê (SN 1976, Giám đốc chi nhánh miền Trung, Công ty SJC) và Nguyễn Thị Lộc (SN 1988, kế toán chi nhánh miền Trung, Công ty SJC).
Các bị can bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: Lê Thúy Hằng (cựu Tổng Giám đốc Công ty SJC), Mai Quốc Uy Viễn (Giám đốc xưởng vàng, Công ty SJC), Trần Tấn Phát (Phó giám đốc xưởng vàng, Công ty SJC) và Nguyễn Thị Huệ (Giám đốc chi nhánh Hải Phòng, Công ty SJC).
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, kết quả điều tra bước đầu thể hiện các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. SJC là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng từ năm 2014 đến nay.
Người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn, được giao, phân công nhiệm vụ quản lý tài sản của Nhà nước hoặc tài sản của tổ chức, của doanh nghiệp nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi như giả mạo hồ sơ, làm sai lệch hồ sơ hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.
Người thực hiện hành vi tham ô tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 353 Bộ luật hình sự với mức chế tài thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo ông Cường, trong vụ án này, các đối tượng bị xử lý hình sự về tội tham ô tài sản là những người được giao quản lý tài sản của Nhà nước hoặc của tổ chức nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình đang quản lý.
Người phạm tội có thể là người trực tiếp được giao quản lý và chiếm đoạt tài sản đó hoặc cũng có thể là những người chủ mưu, giúp sức, xúi giục cho hành vi tham ô tài sản.
Theo quy định, những người cùng ý chí cố ý thực hiện một tội phạm đều bị xử lý hình sự về một tội danh với vai trò đồng phạm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản đã chiếm đoạt để xác định hành vi phạm tội, đồng thời là căn cứ để xác định khung hình phạt cụ thể để buộc tội đối với các bị can trong vụ án.
Ngoài các bị can bị xử lý hình sự về tội tham ô tài sản, cơ quan điều tra còn xác định có những bị can khác thực hiện hành vi làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nên có thể họ sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Các bị can bị khởi tố về tội danh này là những người có chức vụ quyền hạn, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh những người này đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước từ 10 triệu đồng trở lên. Trường hợp gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên, nhóm đối tượng vi phạm quy định có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.