Báo tin vi phạm giao thông để nhận thưởng: Đừng ảo tưởng là "nghề" kiếm tiền dễ dàng

Minh Tiến - Công Nam Chủ nhật, ngày 05/01/2025 09:17 AM (GMT+7)
Kiếm tiền thưởng từ việc báo tin vi phạm giao thông đang trở thành chủ đề "hot" trên mạng xã hội. Tuy nhiên, luật sư cảnh báo "thợ săn đường phố" đi soi lỗi vi phạm giao thông đừng ảo tưởng đây là công việc kiếm tiền dễ dàng hay một "nghề" để kiểm sống.
Bình luận 0

Báo cáo vi phạm về trật tự, an toàn giao thông người dân có thể được thưởng tiền

Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.

Trong đó, tại khoản 11 của Điều 5 có quy định về việc “Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông”. Đây là quy định mới nhằm khuyến khích người dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kịp thời phát hiện báo tin về hành vi vi phạm giao thông để cơ quan chức năng có căn cứ, kịp thời xử lý đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ. 

Kiếm tiền từ việc báo tin vi phạm giao thông liệu có dễ dàng? - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh người ghi hình tại các nút giao giao thông. Ảnh minh họa.

Về mức chi, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định rõ: "Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc".

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được thực hiện trong thời gian qua, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm TTATGT từ thông tin, hình ảnh do quần chúng nhân dân, các tổ chức cung cấp.

Về đầu mối tiếp nhận, mới đây nhất, thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này.

Theo đó, đơn vị cảnh sát giao thông có trách nhiệm thông báo công khai: Địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.

Đồng thời, đơn vị cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.

Đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng cảnh sát giao thông; đội cảnh sát giao thông, trật tự thuộc công an cấp huyện.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.

Hiện chưa có cơ chế cụ thể để chi cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung. Cục CSGT cho biết, việc này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.

Tuy nhiên, trong những ngày qua đã xuất hiện thông tin giả về việc chi trả tiền thưởng cho người gửi hình ảnh, thông tin vi phạm giao thông đến cơ quan chức năng. Nhiều hình ảnh người dân ghi hình tại các nút giao giao thông cũng xuất hiện trên mạng xã hội. 

Báo tin vi phạm giao thông và những lưu ý để tránh vi phạm pháp luật

Nói về "công việc mới" kể trên, anh Nguyễn Văn H. (28 tuổi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ ghi lại các hành vi vi phạm giao thông để đăng lên mạng xã hội. Nhưng từ khi biết đến Nghị định 176, tôi sẽ thử sức với nghề “săn lỗi” giao thông này một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.”

“Theo quy định mới, mỗi hình ảnh hoặc video cung cấp vi phạm của một chiếc ô tô vượt đèn đỏ có thể mang lại mức thưởng lên tới 2 triệu đồng. Với mức hỗ trợ hấp dẫn như vậy, tôi tin rằng việc này sẽ trở thành một xu hướng đáng chú ý trong năm 2025,” anh H. bày tỏ.

Theo anh H., việc "săn lỗi" giao thông còn góp phần xây dựng ý thức chấp hành luật giao thông trong cộng đồng, nâng cao sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đang khẩn trương nghiên cứu phương án phù hợp nhằm triển khai Nghị định 176/2024/NĐ-CP một cách hiệu quả và đúng quy định pháp luật.

Từ cuối năm 2023, Công an tỉnh đã phát động phong trào "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh các vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT)" trên toàn địa bàn. Phong trào kêu gọi người dân sử dụng các thiết bị cá nhân như máy ảnh, camera, điện thoại thông minh, hoặc camera hành trình để ghi lại hình ảnh, video về hành vi vi phạm, kèm thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm, và gửi đến lực lượng CSGT thông qua các kênh chính thức.

Theo đó, người dân có thể cung cấp thông tin qua số điện thoại của Phòng CSGT (02623.968.163), trực ban Công an tỉnh (0694.389.111), đường dây nóng (02623.704.444), hoặc các kênh trực tuyến như tài khoản Zalo 'Phòng Cảnh sát giao thông Công an Đắk Lắk', trang Facebook 'Tin tức giao thông Đắk Lắk', và tài khoản Zalo của Công an các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng thời, đơn vị cũng cam kết bảo mật danh tính người cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật. Cùng với đó, những hành vi cung cấp thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm minh.

"Chúng tôi tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm giao thông theo đúng quy định pháp luật. Đây là hình thức xử lý "nguội" đã được áp dụng hiệu quả trong thời gian qua. Sự đóng góp của người dân, là động lực quan trọng giúp ngăn chặn vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ", Thượng tá Tuấn nhấn mạnh.

Ở góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, khi văn bản này có hiệu lực pháp luật không ít người sẽ sử dụng thiết bị ghi hình "mai phục" ở các ngã tư đường, nhiều người đã tải phần mềm ứng dụng để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, "thợ săn đường phố" đi soi lỗi vi phạm giao thông cần lưu ý các quy định pháp luật liên quan. 

"Việc quay clip để tìm kiếm hành vi vi phạm giao thông một cách có chủ đích, hoạt động thường xuyên và mong muốn trở thành nguồn thu nhập chính có thể sẽ xảy ra những vấn đề mâu thuẫn, xung đột trong xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội hoặc tìm kiếm cơ hội có thu nhập cá nhân cũng phải đảm bảo tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng", luật sư Cường nhấn mạnh.

Kiếm tiền từ việc báo tin vi phạm giao thông liệu có dễ dàng? - Ảnh 2.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo luật sư, quá trình ghi hình tìm kiếm người vi phạm giao thông có thể sẽ có những tình huống tiếp nhận được thông tin có tính chất sơ hở, hữu hình, không đẹp của người tham gia giao thông, thậm chí có thể có những thông tin liên quan đến bí mật đời tư cá nhân. Bởi vậy nếu tùy tiện thu thập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật. 

Cục CSGT khuyến cáo, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.

Hành vi này có thể phát sinh những mâu thuẫn giữa người ghi hình và những người tham gia giao thông. Bởi vậy lực lượng chức năng cũng cần khuyến cáo, cảnh báo nếu xuất hiện nhiều người biến quy định mới này thành một hoạt động thường xuyên hoặc trở thành nghề nghiệp kiếm sống. 

"Việc ghi hình ảnh của người khác chỉ được phép thực hiện mà không cần xin phép nếu có căn cứ cho thấy người đó đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, để đảm bảo an toàn công cộng, lợi ích công cộng. 

Bởi vậy những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ thì mới được phép lưu trữ và chỉ được phép sử dụng để trình báo với cơ quan chức năng. Pháp luật nghiêm cấm việc tùy tiện ghi hình người tham gia giao thông, lưu trữ thông tin hình ảnh đó để sử dụng vào các mục đích trái pháp luật", luật sư Cường phân tích.

Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện những hình ảnh thông tin giả mạo, dàn dựng để nhận thưởng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Đối với những hành vi này nếu phát hiện có chủ ý gây khó cho lực lượng chức năng hoặc lợi dụng quy định mới của pháp luật để trục lợi thì cần phải xử lý nghiêm. 

Những hành vi cung cấp thông tin giả mạo cho lực lượng chức năng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ thì còn có thể bị xử lý hình sự.

"Bởi vậy, các bạn trẻ không nên kỳ vọng về việc ra đường ghi hình, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng là có thể kiếm tiền một cách dễ dàng và đừng hy vọng biến đây trở thành "nghề" kiếm sống dễ dàng", luật sư Cường khuyến cáo.

Việc ghi hình vi phạm của người khác để tố cáo vi phạm không đơn giản và dễ dàng để có thể biến thành một nghề nghiệp mang lại thu nhập chính, quá trình thực hiện hoạt động này có thể gây ra những  mâu thuẫn về việc sử dụng thông tin hình ảnh cá nhân, thậm chí người vi phạm giao thông có thể hành hung, trả thù người ghi hình... 

Chính vì thế cơ quan chức năng cũng cần có những khuyến cáo, kiểm soát tình hình này, đồng thời có những cơ chế để đảm bảo bảo vệ người tố cáo, tránh những mâu thuẫn, xung đột xã hội có thể xảy ra từ hoạt động này. Quá trình áp dụng nghị định này cũng cần tổng kết rút kinh nghiệm để có sự kiểm soát trong quá trình áp dụng, từ đó có thể quyết định tiếp tục duy trì, thay đổi phương thức hoặc chấm dứt quy định này tùy thuộc vào hiệu quả và đánh giá hoạt động này từ nhiều mặt trong quá trình áp dụng nghị định tới đây.

Hiện chưa có cơ chế trả tiền cho người cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết cơ quan liên quan sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi để có cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem