Tây Ninh tăng gấp 3 lần vốn đầu tư phát triển nông nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 13/12/2016 13:31 PM (GMT+7)
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn, đề án tái cơ cấu nông nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng để tỉnh Tây Ninh xây dựng thương hiệu và giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản địa phương.
Bình luận 0

Tập trung công nghệ cao

Với diện tích mãng cầu lớn nhất nước (khoảng 4.600ha), cho sản lượng 60.000 tấn/năm, ông Huỳnh Biển Chiêu ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (nông dân đầu tiên đạt chứng nhận sản xuất VietGAP) vẫn cho rằng mãng cầu Bà Đen chưa có chỗ đứng thực sự bền vững trên thị trường. “Nông sản thường phụ thuộc nhiều vào rủi ro thời tiết. Giá nông sản không ổn định trong khi các kỹ thuật chưa được ứng dụng một cách đồng bộ. Bình quân, mỗi tấn mãng cầu được bao trái tốn thêm 4 – 5 triệu đồng đầu tư nhưng giá bán vẫn bằng với mãng cầu không được bao trái” - ông Chiêu đơn cử.

img

Mô hình ươm giống cây đinh lăng dưới tán vườn cao su ở huyện Dương Minh Châu. Ảnh: N.V

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn là cần thiết đối với những lợi thế Tây Ninh đang có. Cùng với nỗ lực cá nhân, ông Chiêu kiến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa để thương hiệu mãng cầu Bà Đen đứng vững và vươn xa trên thị trường.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh có nhiều lợi thế khác biệt so với các địa phương khác từ địa hình, thổ nhưỡng đến vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến hiện đại. Song tỉnh vẫn còn nhiều bất cập do diện tích đất sản xuất không tập trung, chưa phát huy được vai trò kinh tế hợp tác, sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh chưa chặt chẽ.

Sở NNPTNT Tây Ninh xác định việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu tất yếu. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 xác định sẽ giảm quy mô diện tích các cây truyền thống (lúa, mì, cao su) để phát triển mạnh các loại rau, quả; cây ăn trái nhiệt đới (mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm) và sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao. Với chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng tăng đàn và phát triển chất lượng đàn bò, đàn heo, gia cầm theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo môi trường và an toàn thực phẩm.

“Để nâng cao tiêu chí thu nhập nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp đóng vai trò quyết định. Quan điểm trong tái cơ cấu phải lấy thị trường làm gốc và do doanh nghiệp khởi xướng” - ông Trong khẳng định.

Hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn

Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Tây Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng toàn khu vực I là 5,15%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% diện tích các loại nông sản là thực phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic và có thể truy xuất được nguồn gốc. Tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến 2020, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 130 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng/ha so với năm 2015).  

Trong số các giải pháp được đề án đưa ra, ông Trong cho biết, vốn từ ngân sách cho nông nghiệp sẽ tăng gấp 2,5 - 3 lần so với hiện nay nhằm đổi mới cơ cấu vốn đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, nghị quyết về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn đã được biểu quyết thông qua. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp; tổ chức đại diện của nông dân và nông dân. Các đối tượng này đều phải đáp ứng điều kiện có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn theo diện tích tối thiểu của quy định hiện hành.

Theo đó, đối với doanh nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ 40% kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi; hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân liên kết sản xuất theo hợp đồng. Với các tổ chức đại diện của nông dân, tỉnh hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 với chi phí thực tế thuốc bảo vệ thực vật, công lao động; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và 50% cho cán bộ quản lý. Đối với nông dân, mức hỗ trợ là 30% cho chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận; với các cây trồng khác, mức hỗ trợ tùy theo đơn giá trên hóa đơn mua giống tại thời điểm mua.

Thời gian thực hiện và lộ trình xây dựng nhu cầu nguyên liệu đối với cây trồng hàng năm là 5 năm; đối với cây trồng lâu năm là 7 năm. Nghị quyết cũng điều chỉnh không nêu cụ thể cây đinh lăng mà nêu chung nhóm cây dược liệu thương phẩm, với mức hỗ trợ năm đầu 30%, năm thứ hai 20%.

Ông Trong cho biết: "Thực tế, các loại cây dược liệu này hiện chưa đạt diện tích tối thiểu cánh đồng lớn. Nhưng để khuyến khích, trong thời gian tới rất cần định hướng để tạo tiền đề hỗ trợ nhóm sản phẩm này phát triển".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem