Temu chưa đăng ký vẫn hoạt động ở Việt Nam: Đại biểu Quốc hội sốt ruột, yêu cầu "phản ứng" ngay

An Linh Thứ năm, ngày 24/10/2024 15:15 PM (GMT+7)
Trước việc sàn thương mại của Trung Quốc là Temu được Bộ Công Thương khẳng định chưa đăng ký với cơ quan chức năng song vẫn hoạt động, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân tỏ ra sốt ruột, yêu cầu cần vào cuộc để xử lý ngay.
Bình luận 0

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn ĐBQH TP.HCM) nhìn nhận "cơn sốt" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua thương mại điện tử như Temu, Tabao hay Shein... đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước.

Temu chưa đăng ký vẫn hoạt động: Có lỗi của cơ quan chức năng

Theo ông Ngân, thương mại điện tử hiện đang là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài. Tuy nhiên, việc chưa giám sát các sàn thực hiện đúng, đủ các quy định của Nhà nước, kịp thời có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Temu chưa đăng ký vẫn hoạt động ở Việt Nam: Đại biểu Quốc hội sốt ruột, yêu cầu "phản ứng" ngay - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM

Đại biểu Ngân cho rằng, các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ mà chỉ do quy trình sản xuất và phân phối ưu việt hơn, khiến giá thành hạ. Bên cạnh đó, do người bán hàng không chịu các loại thuế, trốn thuế và không phải chịu các chi phí khác khiến giá thành giảm.

Khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Ngân cho rằng: "Thương mại điện tử giúp người dân dễ tiếp cận trong mua hàng, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về thất thu thuế, thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh".

Đại biểu Ngân khẳng định, các doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi so với nước ngoài ngay trên thị trường trong nước, cạnh tranh không công bằng dẫn đến khó khăn, thậm chí phải đóng cửa.

"Chúng ta khuyến khích thương mại điện tử nhưng có phải kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, đảm bảo sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa"- ông Ngân nêu quan điểm.

Temu chưa đăng ký vẫn hoạt động ở Việt Nam: Đại biểu Quốc hội sốt ruột, yêu cầu "phản ứng" ngay - Ảnh 2.

Sàn Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam

"Với tâm lý người mua hàng, nếu có mức giá rẻ, lại đúng mặt hàng mình đang mong muốn thì sẽ lựa chọn. Tuy nhiên người mua cũng cần lưu ý đến các vấn đề về chất lượng, về đảm bảo công bằng trong kinh doanh"- đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận

Đại biểu Ngân lo ngại nguy cơ doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, dẫn đến thiếu việc làm. "Chúng ta cần có cảnh báo mạnh hơn, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, quản lý thuế", ông Ngân đề nghị.

Theo đại biểu, "để các sàn thương mại điện tử hoạt động rầm rộ nhưng chưa đăng ký, là "có lỗi" của cơ quan quản lý nhà nước".

Đại biểu Ngân yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, của các nhà sản xuất trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng.

"Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu các quy định pháp luật chưa đầy đủ, cần kiến nghị, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung. Hiện nay tinh thần của Quốc hội đổi mới trong xây dựng thể chế, kiến tạo không gian phát triển mới", đại biểu Ngân nêu.

Về biện pháp dài hạn, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần có các giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước.

Đối với doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.

"Chúng ta phải hành động ngay" để tránh những tác động lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Các giải pháp về hàng rào kỹ thuật, thương mại, thuế như đề cập ở trên cần được sớm nghiên cứu, triển khai.

"Nói như vậy không phải chúng ta ngăn cấm, cản trở thương mại điện tử, mà các giải pháp đó để đảm bảo sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất kinh doanh. Việc này vừa bảo vệ doanh nghiệp trong nước nhưng cũng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp nước ngoài"- ông Ngân lập luận.

Trước đó, ngày 23/10, như Dân Việt đưa tin, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, theo quy định, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký theo Nghị định 52 và Nghị định 85 sửa đổi về TMĐT.

Tuy nhiên, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Temu là sàn TMĐT xuyên biên giới, được thành lập bởi PĐ Holdings (Trung Quốc) - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay. Mấy ngày gần đây, Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng. Trước thực tế trên, Bộ Công Thương sẽ có một loạt phương án giải quyết về trường hợp của Temu, trong đó trường hợp xấu nhất là yêu cầu sàn TMĐT này dừng hoạt động tại Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là Tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thừa nhận thực tế, vẫn có nền tảng chưa tuân thủ quy định này.

Liên quan đến vấn đề các trang thương mại điện tử của Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao… đăng ký hoạt động tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định, các sàn TMĐT nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem