Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Đắk Lắk đề xuất Bộ NNPTNT thành lập trạm kiểm dịch
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Đắk Lắk đề xuất Bộ NNPTNT thành lập trạm kiểm dịch
Hoàng Lộc
Thứ bảy, ngày 15/07/2023 05:20 AM (GMT+7)
Ngày 14/7, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị gặp mặt kết nối tiêu thụ sản phẩm sầu riêng năm 2023. Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đang đề xuất UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT thành lập trạm kiểm dịch thực vật tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc...
Diện tích trồng sầu riêng của Đắk Lắk đạt hơn 22.450ha
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk năm 2022 là 22.458ha, chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả, tăng 7.550ha so với năm 2021, sản lượng đạt 187.986 tấn, tăng 50.342 tấn so với năm 2021.
Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng sầu riêng. Vì vậy, diện tích, sản lượng sầu riêng ngày càng tăng và bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ nhu cầu cho xuất khẩu.
Toàn tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt 4 mã vùng trồng, với diện tích 1.819ha. Bên cạnh đó, tỉnh có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Đáng nói, Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước nhưng diện tích cho thu hoạch mới đạt khoảng 40%.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ về tình hình sản xuất, thu mua, tiêu thụ sầu riêng tại các tỉnh phía Nam niên vụ 2023; bài học kinh nghiệm cho tỉnh Đắk Lắk; kế hoạch tổ chức hướng dẫn về tiêu chuẩn VIETGAP, kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ thành viên hiệp hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh sầu riêng của một số nước; công tác gia công, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, những thuận lợi khó khăn trong sản xuất nông sản xuất khẩu. Đồng thời, chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh nghiệm quản lý, vận hành hoạt động hợp tác xã và những khó khăn trong quá trình triển khai tại vùng trồng.
Theo bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, mỗi nông dân, doanh nghiệp cần có trách nhiệm trên trái sầu riêng đưa ra thị trường. Mặt khác, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần tiên phong trong quản lý chất lượng, xây dựng kênh thông tin phản hồi chất lượng cho khách hàng.
"Đặc biệt, sầu riêng Đắk Lắk cần có sự khác biệt về chất lượng, hiệp hội cần kiến nghị chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đồng thời, thay đổi tư duy cho người nông dân gắn bó bền vững lâu dài, xây dựng niềm tin để cùng nhau đi nhanh tạo lập giá trị lâu dài cho nông sản", bà Vy nói.
Đề xuất lập trạm kiểm dịch sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết,năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000ha, sản lượng trên 200.000 tấn. Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk đang đề xuất UBND tỉnh trình Bộ NNPTNT thành lập trạm kiểm dịch thực vật tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc.
Để chuẩn bị mùa thu hoạch sầu riêng sắp tới của Đắk Lắk thành công, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắkđã giao nhiệm vụ cho từng thành viên. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ hình thành các nghị quyết để ban hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh kết nối, tạo tiếng nói chung.
Ông Côn cũng nhấn mạnh, mong muốn của buổi gặp mặt là góp phần tạo định hướng cho ngành sầu riêng Đắk Lắk phát triển.
Nhân dịp này, Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đã ký kết bản ghi nhớ với các cơ quan, doanh nghiệp; Viện phát triển kinh tế nông nghiệp; Công ty Cổ phần công nghệ phần mềm Autoagri; Công ty Cổ phần công nghệ phần mềm Autoagri. Đồng thời, ra mắtCổng thông tin của Hiệp hội tại địa chỉ - Hiephoisauriengdaklak.org.vn nhằm kết nối các thành viên trong Hiệp hội cũng như trao đổi thông tin chính thống...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.