Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nêu thực tế việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giúp địa phương nhận diện những vấn đề đã làm chưa chuẩn chỉ để có cơ hội khắc phục, sửa sai.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thời gian qua việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có quá nhiều đoàn, nội dung trùng lắp nhau khiến địa phương mất rất nhiều công sức tập trung phục vụ.
Chủ tịch Hậu Giang Lê Tiến Châu.
"Riêng năm 2018 Hậu Giang tiếp 11 đoàn, chúng tôi thấy quá nhiều. Đề nghị các bộ ngành khi lập kế hoạch tranh tra, kiểm tra, kiểm toán có sự thống nhất, tránh trùng lặp gây khó khăn cho địa phương", Chủ tịch Hậu Giang nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng việc chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra là việc không phải mới.
"Thủ tướng đã biết việc này và có chỉ thị 20 để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra trong DN cũng như thanh tra, kiểm tra nói chung", ông nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Ông Khái cho biết, Thanh tra Chính phủ rất quan tâm vấn đề này. "Trong kế hoạch thanh tra 2019, chúng tôi đã giảm 30% các cuộc thanh tra thường xuyên".
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tình hình chồng chéo có một số lý do. Thứ nhất, chúng ta có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Trong thiết kế hiện nay thực hiện theo luật nhưng đối tượng thanh tra, kiểm tra trùng nhau. Một dự án, các cơ quan này đều có chức năng thanh tra.
Trong khi đó, các cơ quan quyết định kế hoạch thanh tra không tập trung. Cụ thể như đối với Thanh tra Chính phủ là Chính phủ và Thủ tướng; đối với tỉnh là UBND tỉnh; với thanh tra bộ là bộ trưởng.
Với Kiểm toán Nhà nước thì Tổng Kiểm toán xin ý kiến Quốc hội thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo nguyên tắc ở đâu có quyền lực thì ở đó có kiểm soát quyền lực; ở đâu có lãnh đạo chỉ đạo, điều hành thì có cơ quan thanh tra, giám sát giúp cho việc chỉ đạo, điều hành nhưng tổ chức hiện nay, theo luật và theo quy định của Đảng có chồng chéo.
Tổng Thanh tra nhìn nhận phản ánh của địa phương và DN đó là thực trạng. Vì vậy về lâu dài phải tính toán tổng thể, anh nào kiểm tra báo cáo tài chính, anh nào kiểm tra ngân sách, anh nào kiểm tra tính tuân thủ thi hành pháp luật… để tránh chồng chéo. Trong tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm.
"Khi đã xác định cuộc thanh tra, kiểm tra thì kế hoạch rất quan trọng, phạm vi thế nào, đối tượng ra sao... Nếu không có kiểm tra, kiểm soát, không có chỉ đạo thì mở rộng rất tràn lan, không kiểm soát được", Tổng thanh tra cho biết tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ có tổng kết chỉ thị 20 của Thủ tướng và tham mưu giải pháp phù hợp.
Thu Hằng (VNN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.