10 “bí quyết” thầy dặn để đạt điểm cao môn Sử

Ths Trần Trung Hiếu Thứ tư, ngày 29/06/2016 16:40 PM (GMT+7)
Sử là một môn tương đối “khó nhằn” nhưng nếu biết cách, thí sinh vẫn có thể đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An chia sẻ “bí kíp” làm bài thi môn sử trước “giờ G”.
Bình luận 0

Làm gì trước khi thi?

Thứ nhất, đến thời điểm này các thí sinh cần phải vững vàng về yếu tố tâm lý. Sau một thời gian ôn thi, những ngày chuẩn bị thi, nhiều em  thường bị rơi vào trạng thái lo lắng, hồi hộp, mệt mỏi. Thậm chí có em bỗng dưng cảm thấy quên hết kiến thức và hoảng sợ. Các em đừng lo, đó là biểu hiện của sự “bão hòa” về kiến thức  khi bộ nhớ đã “đầy”. Lúc căng thẳng, các em nên tìm những giải pháp thư giãn hợp lý như đi bộ, dạo chơi, vận động cơ thể… để giảm stress !

Thứ hai, khoảng thời gian vài ngày trước ngày thi, không nên ngồi “tụng” 1 mình một cách miệt mài mà giải pháp hiệu quả lên nên học thành nhóm bạn khoảng 2 đến 3 người. Học theo kiểu vấn-đáp, tự nêu các câu hỏi và trả lời, cùng bổ sung những thiếu sót cho nhau. Phương pháp này khá hiệu quả để giúp các em củng cố và hồi phục lại những kiến thức đã quên, làm cho các em cân bằng được trạng thái tâm lý và tự tin hơn.

img

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu – giáo viên Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An.

Thứ ba, từ những kiến thức cụ thể đã học các em nên dành thời gian “hệ thống hóa” lại kiến thức theo kiểu “sơ đồ tư duy”.

Ở phần lịch sử Thế giới, các em nên đọc lại thật kỹ bài Tổng kết Lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 – 2000 để nắm được 6 nội dung cơ bản theo các vấn đề.

Ở phần lịch sử Việt Nam, nên ôn theo các giai đoạn, các thời kỳ. Mỗi thời kỳ có nội dung cơ bản gì, giải quyết những nhiệm vụ cơ bản gì? (đấu tranh giữa các khuynh hướng cứu nước; chống đế quốc và chống phong kiến; giành hay giữ chính quyền; kháng chiến và kiến quốc; đấu tranh thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ, về mặt nhà nước…).

Trong mỗi giai đoạn lịch sử theo chiều thời gian (1919-1930, 1930-1945, 1945-1946, 1946-1954, 1954-1975…) cần nắm chắc những sự kiện lịch sử điển hình từ đó “xâu chuỗi” các sự kiện tiêu biểu đó lại với nhau trong tương tác, mối quan hệ nhân –quả, sáng tỏ được tầm quan trọng, vị trí, tác dụng, ý nghĩa của các sự kiện tiêu biểu.

Thứ tư, về nội dung kiến thức thi của môn Sử đều nằm chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 phổ thông hiện hành. Giai đoạn nước rút, tránh thói quen “học tủ” theo kiểu võ đoán, thiếu cơ sở khoa học. Những vấn đề, những kiến thức, những giai đoạn lịch sử  mà các năm trước đã ra, năm nay vẫn có thể ra nhưng không trùng câu hỏi.

Thứ năm, đề thi môn Sử trong những năm gần đây thường có những câu hỏi mở, câu hỏi phụ, những câu hỏi yêu cầu thí sinh cập nhật tình hình kinh tế- xã hội nổi bật của thế giới và trong nước qua các phương tiện truyền thông để các em có cơ hội nêu lên quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận từ đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ, của công dân với Tổ quốc.

Thận trọng trong phòng thi

Thứ nhất, phân tích đềNgay sau khi nhận đề thi, các em không quá vội vã làm ngay. Trước tiên, các em nên giành khoảng thời gian khoảng 5 đến 10 phút để đọc thật kỹ các câu hỏi trong đề thi. Đề thi sẽ bám vào “ma trận đề” của Bộ GD-ĐT yêu cầu thí sinh phải thể hiện ở 4 kỹ năng theo mức độ từ khó đến dễ: nhận biết kiến thức; thông hiểu; vận dụng và vận dụng cao.

img

Thí sinh sẽ dự thi môn Sử vào ngày 4.7 tới.

Đọc kỹ và phân tích đề để tránh tình trạng xa đề, lạc đề, nhầm kiến thức cơ bản, hỏi một đường- trình bày một nẻo. Đề thi và Đáp án môn Sử trong những năm gần đây không yêu cầu học sinh học thuộc lòng nhiều kiến thức, sự kiện, ngày tháng năm tỉ mỉ, vụn vặt. Từ việc trình bày những kiến thức, sự kiện tiêu biểu (kỹ năng nhận biết kiến thức) để yêu cầu thí sinh rút ra những nhận xét, đánh giá, điểm giống nhau và khác nhau, tác động các sự kiện đó trong tiến trình lịch sử của quốc gia dân tộc, khu vực và thế giới (kỹ năng thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao).

Thứ hai, nên làm nháp vào tờ giấy nháp (hoặc nháp trên đề thi) theo đề cương sơ lược hoặc “sơ đồ tư duy” sau khi phân tích đề để hạn chế mức thấp nhất sai và sót kiến thức, dẫn đến việc bỏ hoặc chữa, tẩy xóa các kiến thức trong bài thi.

Thứ ba, khi bắt đầu làm bài vào tờ giấy thi, không nhất thiết phải làm theo thứ tự các câu của đề thi. Câu nào, phần kiến thức nào thấy dễ theo khả năng thì làm trước, khó làm sau. Không nên trình bày kiến thức theo kiểu “chém gió” lan man, dài dòng. Số lượng ký tự, số lượng trang trong tờ giấy thi chưa nói lên điều gì.

Trình bày kiến thức phải tách ý rõ ràng, hết ý lớn thì xuống hang. Kết thúc của từng câu, từng phần nên có vài dòng “chốt” kiến thức để khái quát lại bằng những từ kiểu như “tóm lại”, “tựu trung lại”, “như vậy”…

Thứ tư, khi làm bài thi môn Sử nên tránh nhầm và sai sự kiện, kiến thức cơ bản.

Phần lịch sử thế giới: Liên Hợp Quốc (UNO) với Liên minh châu Âu (EU); ASEAN với SEATO; SEV với VACSAVA; Liên Xô với Liên bang Nga; Cách mạng khoa học kỹ thuật ( thập kỷ 40 của thế kỷ XX – đầu thập kỷ 70 ) và Cách mạng Khoa học Công nghệ (hiện nay)…

Phần lịch sử Việt Nam:Chính cương, sách lược văn tắt (2/1930) với Luận cương Chính trị (10/1930); Phát xít Nhật đảo chính Pháp (3/1945) với Phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh (8/1945), Tiền khởi nghĩa ( 3/1945-8/1945 ) và Tổng khởi nghĩa (8/1945); Kháng chiến chống Pháp bùng nổ (23/9/1945) với Toàn quốc kháng chiến bắt đầu (19/12/1946); Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) với “Điện Biên Phủ trên không” ( 12/1972); Hội nghị với Hiệp định, Hiệp định Giơ ne vơ (21/7/1954) với Hiệp định Pari (27/1/1973); Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 với Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; Thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ (4/1975) với thống nhất đất nước về mặt nhà nước ((1975-1976), âm mưu với thủ đoạn, mục đích với nguyên tắc, chiến lược với sách lược, “Mỹ hóa” với “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa”, “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) với “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968)…

Thứ năm, hình thức trình bày. Dù nội dung kiến thức của bài thi là nhân tố quyết định điểm số bài thi nhưng không vì thế mà xem thường kỹ năng trình bày. Chữ đẹp hay xấu, viết ngắn hay dài (ký tự, số trang), đúng hay sai, thừa hay thiếu là tùy thuộc vào khả năng của từng thí sinh, nhưng nếu trình bày cẩu thả, có nhiều lỗi chính tả, có nhiều tẩy, xóa… sẽ gây mất thiện cảm (thậm chí là sự phản cảm) của người chấm và chắc chắn có thể ảnh hưởng đến 1 phần điểm số của bài thi.

Các em không được chủ quan vì chuyện thi cử xưa nay khó nói trước điều gì, nhất là ở các môn thi tự luận khối C. Phải chắt chiu từng kiến thức, vận dụng nhuần nhuyễn các kỹ năng học và làm bài thi để “kiếm” từng 0,25 điểm của từng câu!

Chúc các em nỗ lực bứt phá, bình tĩnh và tự tin để đạt kết quả tốt trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem