Từ khó khăn quá lớn...
Nông thôn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nông sản cho xuất khẩu, thu ngoại tệ tạo điều kiện vốn cho phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, nông nghiệp, nông thôn phát triển tạo tiền đề cho phát triển toàn bộ nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...
Xác định vai trò quan trọng của nông thôn, nông nghiệp, những năm qua Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn, tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
Cầu dân sinh được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.A
Giai đoạn 2010 - 2019, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho giao thông nông thôn là 366.246 tỷ đồng. Trong đó, 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.
|
Trong đó, các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì và bảo vệ hạ tầng giao thông nông thôn.
Bộ GTVT cho biết, 10 năm trước, đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm, một số loại đường như ngõ xóm, đường trục nội đồng chưa được xem xét, đánh giá; tỷ lệ cứng hoá còn thấp. Vào năm 2010, chiều dài đường giao thông nông thôn là 270.950km, cứng hoá đạt 101.882km (chiếm 37,6%).
Trong đó, đường xã dài 71.440 km, cứng hoá được 27.376km, đạt 38%; đường ngõ xóm dài 4.936km, cứng hoá 666km; Trục đường nội đồng dài 43.453km, cứng hoá được 9.618km...
“Năm 2010 có 214 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ôtô đến trung tâm nhưng chưa được kiên cố hoá, chưa đi lại được 4 mùa...” - Bộ GTVT cho biết.
Giúp người dân cải thiện cuộc sống
Sau 10 năm, công tác phát triển giao thông nông thôn trên cả nước đạt kết quả toàn diện. Giai đoạn 2010 - 2019 cả nước xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; giảm số xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019. Số xã đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đánh giá về hạ tầng giao thông nông thôn phát triển trong 10 năm qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Việc phát triển giao thông nông thôn giúp kết nối các vùng miền từ trung ương đến vùng miền xa xôi của tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội. Giao thông nông thôn giúp người nông dân, người nghèo thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Những vùng có giao thông nông thôn phát triển, đời sống người dân cải thiện tốt, từng con cá, cái cây, sản phẩm nông nghiệp đều được lưu thông nhanh chóng, giảm chi phí, tạo điều khiện cho bà con nâng cao thu nhập” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.