10 năm xây dựng NTM trên xứ Thanh

Hữu Dụng Thứ bảy, ngày 02/11/2019 12:50 PM (GMT+7)
Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Có 5 huyện và 332 xã đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh đạt bình quân 16,56 tiêu chí/xã. Đây là động lực quan trọng cho Thanh Hóa tiếp tục bứt phá vươn lên hoàn thành NTM, sớm trở thành tỉnh khá và tỉnh kiểu mẫu.
Bình luận 0

Thành tựu 10 năm NTM

Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Thanh Hóa có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn vì là tỉnh đất rộng, đông dân, 27 huyện thị, xã, thành phố, trong đó có 7 huyện nghèo thuộc chương trình 30a, nên việc huy động nguồn lực hạn chế. Năm 2010 bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, toàn tỉnh bình quân mới đạt 4,7 tiêu chí/xã. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa đầy đủ về các tiêu chí NTM nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nơi thiếu quyết liệt...

Nhưng nhờ các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực của người dân, nhất là từ khi chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ tỉnh là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh; từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh, chỉ đạo phát huy nguồn lực, thế mạnh địa phương thực hiện hiệu quả chương trình NTM.

img

10 năm xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành quả nhất định.

Đến nay toàn tỉnh đã có 5 huyện đạt chuẩn NTM (gồm: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân và Vĩnh Lộc), trong đó có 3 huyện đã tổ chức đón nhận (Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn). Thành phố Thanh Hóa đã hoàn thành công tác thẩm tra, đang hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các bước quy trình để trình thẩm định theo quy định. TX Bỉm Sơn đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Toàn tỉnh đã có 347 xã đạt 19 tiêu chí NTM, trong đó có 332 xã được công nhận đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 58,35% (có 23/100 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và 30a và 16/30 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn NTM) vượt 2,55% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,56 tiêu chí/xã, cao hơn 1,3 tiêu chí so với bình quân chung cả nước. Thanh Hóa không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Hiện có 4 xã hoàn thành 15 tiêu chí NTM nâng cao và 2 xã đang xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu. Riêng xây dựng thôn, bản NTM có 592/1.659 thôn, bản miền núi (sau khi sáp nhập) đạt chuẩn NTM, vượt 15,68% so với mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Thanh Hóa đã tạo được chuyển biến rõ nét về diện mạo NTM. Từ miền núi đến miền xuôi, không khí thi đua xây dựng NTM luôn thường trực trong mỗi gia đình, làng quê. Ai cũng có chung một cảm nhận quê hương đã thực sự đổi mới. Từ đường liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng được bê tông hóa thuận lợi cho việc giao thông đi lại cho người dân.

Công sở UBND xã, các trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang. Phong trào văn hóa - thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. 10 năm qua, Thanh Hóa đã tạo được sức bật trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là xây dựng các mô hình liên kết, áp dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

Trong xây dựng NTM Thanh Hóa phát triển được nhiều mô hình kinh tế cao, đạt hiểu quả.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, có chính sách khuyến khích, tạo quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, tạo nhiều việc làm cho lao động. Vì thế, mức thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao, từ 8,9 triệu đồng/người (khu vực nông thôn) năm 2010 lên 32,5 triệu đồng năm 2018, ước năm 2019 đạt 37,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm sâu, từ gần 27% (năm 2010) xuống còn 6,25% (năm 2018), bình quân giảm 2,56%/năm. Huyện Như Xuân đã thoát ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, 5/100 xã và 55/181 thôn, bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Đây là những thành tựu quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo và NTM tỉnh Thanh...

Cách làm sáng tạo

Thực hiện tiêu chí “Quy hoạch” - tiêu chí đầu tiên trong XDNTM, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ban hành hướng dẫn, làm cơ sở triển khai xây dựng “quy hoạch xã NTM 3 trong 1”. Theo đó, việc quy hoạch chung được gắn với quy định “Lấy phiếu đánh giá về sự hài lòng của người dân” và “Quy định trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiêu chí NTM” và về sau cũng được Trung ương tham khảo để ban hành hướng dẫn thực hiện trên cả nước.

Thanh Hóa có nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 huyện miền núi. Do đó, từ năm 2014, tỉnh đã định hướng chỉ đạo và ban hành bộ tiêu chí thôn bản NTM của tỉnh, nhờ đó, đã tạo được phong trào xây dựng NTM sâu, rộng và thu được kết quả quan trọng, giúp các địa phương miền núi, đặc biệt khó khăn sớm có kết quả trong xây dựng NTM, được Trung ương đánh giá cao và chỉ đạo triển khai toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 592/1.659 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, vượt 16% so với mục tiêu.

Thông qua thực hiện xây dựng NTM cấp thôn, bản, đã giúp người dân khu vực miền núi phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Các thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM ở cấp xã.

img

Trong xây dựng NTM Thanh Hóa đã ban hành bộ tiêu chí thôn, bản xây dựng NTM kiểu mẫu. Đó là cách làm hay sáng tạo, được nhiều tỉnh thành trong cả nước áp dụng theo.

Cùng với việc xây dựng thôn, bản NTM trên diện rộng, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu và chủ trương triển khai xây dựng thí điểm 6 thôn NTM kiểu mẫu. Đến nay đã có 2 thôn được công nhận đạt thôn NTM kiểu mẫu; các thôn còn lại cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu theo quy định.

Nông nghiệp và nông thôn đổi mới

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm xây dựng NTM ở Thanh Hóa, có thể thấy chủ trương, hướng đi, cách làm của Thanh Hóa rất phù hợp như sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến hết năm 2018, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa chiếm 12,72% trong tổng GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2010-2019 đạt 2,3%/năm (ước năm 2019 tăng 2,7%).

Sản xuất trồng trọt đạt kết quả cao, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi linh hoạt 30.000 ha cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị cao; xây dựng được 35.000 ha mô hình cánh đồng mẫu lớn và 36.000 ha mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chăn nuôi chuyển sang tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao (nhất là phát triển trang trại). Nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Sản xuất thuỷ sản tăng trưởng khá. Toàn tỉnh có 7.445 tàu cá với tổng công suất đạt 576.000 CV, trong đó 1.800 tàu khai thác xa bờ và 340 tổ đoàn kết trên biển. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%, tăng 5,8% so với năm 2010.

img

10 năm xây dựng NTM ở Thanh Hóa, nông nghiệp và nông thôn nơi đây đã có nhiều chuyển biến, đổi mới...

Công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn có bước phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 770 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có 66 doanh nghiệp may mặc, da giầy, tạo việc làm cho trên 80.000 lao động nông thôn. Có 69 nhà máy chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; 155 làng nghề thu hút hàng ngàn lao động. Có 45 cụm công nghiệp thu hút 35.000 lao động nông thôn. Bình quân mức thu nhập của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các cụm công nghiệp, làng nghề dao động từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 958 trang trại; 898 tổ hợp tác và 1.000 HTX, trong đó có 69% HTX hoạt động có hiệu quả. Triển khai xây dựng 10 mô hình HTX kiểu mới.

Tổng huy động nguồn lực cho Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM 56.394,141 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 3.455,992 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 733,303 tỷ đồng, ngân sách huyện 3.280,017 tỷ đồng, ngân sách xã 7.217,981 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình dự án 20.075,573 tỷ đồng, vốn tín dụng 6.787,873 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và HTX 2.868,896 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng dân cư 11.974,506 tỷ đồng (tiền mặt 7.313,715 tỷ đồng; tham gia ngày công lao động, hiến đất, vật liệu, đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng, chỉnh trang nhà ở 4.660,791 tỷ đồng). Từ nguồn vốn, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem