11 cầu thủ Việt Nam từng ra nước ngoài thi đấu gồm những ai?

TP (theo Foxsports) Thứ ba, ngày 26/02/2019 16:11 PM (GMT+7)
Sau thành công vang dội của các lứa ĐT Việt Nam trong năm vừa qua, nhiều cầu thủ đã được các đội bóng nước ngoài chiêu mộ. Thực ra, từ trước đây rất lâu đã có không ít cái tên “đánh thuê” ở nước ngoài. Hãy cùng điểm qua 11 cầu thủ Việt Nam từng xuất ngoại thi đấu.
Bình luận 0

1. Lê Huỳnh Đức

HLV của SHB Đà Nẵng hiện tại chính là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài chơi bóng. Ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, tiền đạo Lê Huỳnh Đức đã có bốn tháng thi đấu dưới dạng cho mượn trong màu áo CLB Chongquin Lifan (Trùng Khánh Lực Phàm) từ CLB Công an TP. Hồ Chí Minh vào năm 2001. Dù chỉ được xem là một bản hợp đồng mang tính thương mại, chân sút lừng danh của đội tuyển Việt Nam vẫn kịp để lại dấu ấn với một bàn thắng sau bốn lần ra sân.

img

Lê Huỳnh Đức.

2. Lương Trung Tuấn

Năm 2005, Lương Trung Tuấn nhận án phạt treo giò khá nặng từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) do dính líu tới hành vi bán độ ở HAGL. Từ một trong những trung vệ được đánh giá cao nhất của Việt Nam lúc ấy, anh phải dùng visa du lịch để lang bạt sang Thái Lan tiếp tục sự nghiệp thi đấu của mình. Anh khoác áo CLB Thai Port ở mùa giải 2005 và thi đấu khá tốt. Sau khi hoàn thành xong án phạt, Trung Tuấn trở về Việt Nam để đầu quân cho Bình Định.

3. Lê Công Vinh

Tiền đạo thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam từng có thời gian khoác áo CLB Leixoes của Bồ Đào Nha thông qua sự giới thiệu của HLV đội tuyển Việt Nam khi ấy là ông Calisto. Tuy nhiên, phải đến lần thứ hai xuất ngoại để đến thi đấu cho Consadole Sapporo (đội bóng đã biến Chanathip Songkrasin thành cầu thủ đắt giá nhất Đông Nam Á) vào năm 2013, anh mới để lại dấu ấn đậm rõ rệt với hai bàn thắng và đóng góp khá nhiều vào lối chơi của đội bóng Nhật Bản. Thậm chí, CLB này còn bày tỏ ý định muốn mua đứt anh từ SLNA với mức giá 120.000 USD ở thời điểm đó.

4. Nguyễn Tuấn Anh

“Tài năng nhưng bạc mệnh” là những gì có thể nói về Nguyễn Tuấn Anh. Cầu thủ của HAGL được đánh giá là sản phẩm tốt nhất khóa một lò HAGL-JMG nhưng những chấn thương dai dẳng đã khiến anh bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Năm 2016, Tuấn Anh được gửi gắm sang đội bóng đang thi đấu ở J.League 2 là Yokohama FC với nhiều sự kỳ vọng. Anh được tạo điều kiện khá tốt để thi đấu và thậm chí đã ghi bàn nhưng “đôi chân pha lê” của tiền vệ người Thái Bình đã không cho phép anh cống hiến những gì tốt nhất của mình. Sau một năm ở xứ mặt trời mọc, Tuấn Anh trở lại HAGL với những vết sẹo mới trên đầu gối.

Hiện nay, “tân đội trưởng” của đội bóng phố Núi đang tích cực tập luyện cùng các đồng đội để tranh tài ở V.League 2019 sau thời gian dài dưỡng thương.

5. Lương Xuân Trường

Trước khi sang Thái Lan để khoác áo Buriram United, Lương Xuân Trường từng có thời gian thi đấu cho hai đội bóng Hàn Quốc là Incheon United (CLB mới chiêu mộ Công Phượng) và Gangwon FC vào năm 2016. Dù được ra sân trong một số trận đấu nhưng chung quy lại, tiền vệ của HAGL có quá ít cơ hội để thể hiện bản thân. Theo thông tin mới được tiết lộ gần đây, bản hợp đồng giữa anh và các CLB Hàn Quốc thời điểm đó chỉ mang tính chất thương mại và quảng bá là chính.

Hy vọng, trong lần thứ hai xuất ngoại, với một tâm thế và giá trị đã được nâng cao, Xuân Trường sẽ để lấy lại phong độ và những phẩm chất đã làm nên danh tiếng cho anh ở đội bóng Thái Lan.

6. Nguyễn Công Phượng

Giống như người đồng đội Lương Xuân Trường, thương vụ cho mượn tới Incheon United mới hoàn tất cách đây không lâu là lần thứ hai ra nước ngoài thi đấu của Công Phượng. Tiền đạo Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất năm vừa qua từng sang Nhật Bản “du học” trong màu áo Mito Hollyhock-CLB thuộc giải J.League 2. Trong một năm ở xứ sở hoa anh đào, cầu thủ gốc Nghệ An không được tạo nhiều điều kiện để thi đấu, cộng thêm việc đang gặp phải chấn thương đã khiến anh không thể chứng tỏ được tài năng của mình.

Sau khi về nước thi đấu, Công Phượng đã nỗ lực tập luyện và ngày càng trưởng thành về lối chơi cũng như khả năng ghi bàn. Ở tuổi 24, không còn là một cầu thủ trẻ ở dạng tiềm năng như ngày nào, anh chuyển tới Incheon United với những khát khao chứng tỏ giá trị bản thân và giới thiệu bóng đá Việt Nam ra thế giới.

7. Nguyễn Hữu Anh Tài

Cũng được gửi tới những đội bóng ở nước ngoài như các đàn anh trong CLB HAGL là trường hợp của Nguyễn Hữu Anh Tài vào năm 2017. Hậu vệ sinh năm 1996 được CLB Uijeongbu thuộc K3 Basic League mượn. Ở đội bóng mới, tài năng trẻ của bầu Đức được tạo điều kiện để cọ xát tích lũy kinh nghiệm và anh cũng để lại một số dấu ấn nhất định trong đội hình CLB Uijeongbu.

Tuy vậy, thật ngạc nhiên vì sau khi trở về đội bóng chủ quản, anh hầu như chỉ ngồi trên băng ghế dự bị và chỉ được ra sân trong một vài trận đấu.

8. Nguyễn Hữu Khôi

Trưởng thành từ lò Nam Định và từng được gọi lên đội tuyển U23 Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura nhưng cái tên Nguyễn Hữu Khôi chỉ thực sự được người hâm mộ Việt Nam biết đến khi anh vô địch giải K3 Basic League (giải hạng 5 Hàn Quốc) cùng CLB Siheung City. Tiền đạo sinh năm 1992 đã có năm lần ghi bàn sau 19 trận thi đấu trong màu áo đội bóng này. Được biết, bản hợp đồng được ký kết giữa anh và CLB hồi đầu năm 2018 vẫn còn thời hạn và phía ban lãnh đạo đội bóng rất muốn anh tiếp tục ở lại. Hiện cầu thủ này vẫn đang cân nhắc khả năng trở về Việt Nam thi đấu nếu nhận được lời đề nghị phù hợp.

9. Đặng Văn Lâm

Trước khi về Việt Nam thi đấu, thủ thành Đặng Văn Lâm là cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ danh tiếng Spartak Moskva và Dynamo Moskva của Nga. Sau giai đoạn đầu không thành công ở HAGL, thậm chí có thời gian bị đẩy sang Lào thi đấu cho Hoàng Anh Attapeu, anh đã trở lại Nga để gia nhập Duslar và Rodina Moskva. Tuy nhiên, khát khao được cống hiến cho quê hương đã thôi thúc Lâm “Tây” một lần nữa về Việt Nam tìm kiếm cơ hội trong màu áo Hải Phòng. Và cuối cùng, những cố gắng và nỗ lực không biết mệt mỏi của thủ môn sinh năm 1993 đã được đền đáp xứng đáng với bản hợp đồng “khủng” từ đại gia Thai League Muangthong United.

10. Michal Nguyễn

Michal Nguyễn (sinh ngày 4.12.1989 tại Tiệp Khắc) có cha là người Việt, mẹ là người CH Czech. Anh thi đấu ở vị trí trung vệ, từng khoác áo các CLB FK Banik Most tại giải Hạng nhất CH Czech, Becamex Bình Dương tại V.League và Air Force Central tại Thai League. Tại giải VĐQG Malaysia mùa này, sau 3 vòng đấu đầu tiên, Michal Nguyễn đã được thi đấu trọn vẹn 270 phút cho CLB Selangor.

Trong quá khứ, Michal Nguyễn từng 2 lần được khoác áo ĐT Việt Nam và anh vẫn hy vọng được gọi trở lại một lần nữa.

11. Diệp Hoài Xuân

Diệp Hoài Xuân sinh năm 1992 tại Bạc Liêu. Anh khởi nghiệp ở vị trí tiền đạo trong màu áo CLB Đồng Tháp. Sau đó, cầu thủ gốc Khmer này chuyển sang Campuchia thi đấu cho CLB Kirivong Sok Sen Chey và để lại những ấn tượng đậm nét. Năm 2016, Diệp Hoài Xuân trở lại Việt Nam khoác áo Hải Phòng rồi CLB TP.HCM. Mới đây, anh đã quyết định tái duyên với CLB Kirivong Sok Sen Chey và hy vọng trong tương lai sẽ được khoác áo... ĐT Campuchia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem