2 chị em cầm đầu đường dây mang thai hộ giá 1,5 tỷ đồng/lần có thể bị xử lý thế nào?
Hai chị em cầm đầu đường dây mang thai hộ giá 1,5 tỷ đồng/lần có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Thứ hai, ngày 13/11/2023 18:52 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ hai chị em Trần Thị Bích Thuận và Trần Thị Bích Vân bị công an khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc móc nối, tổ chức mang thai hộ giá từ 800 triệu đồng/lần mang thai đơn và 1,5 tỉ đồng/lần mang thai đôi.
Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Thị Bích Thuận (47 tuổi) và Trần Thị Bích Vân (40 tuổi, cùng ở quận Đống Đa) về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại".
Trước đó, kiểm tra ngôi nhà trên địa bàn cảnh sát phát hiện Thuận và một số phụ nữ đang mang thai có dấu hiệu nghi ngờ nên mời về trụ sở làm việc.
Làm việc với người phụ nữ tên M. (quê Cà Mau), cơ quan chức năng xác định người này được Thuận môi giới đẻ thuê cho một gia đình ở Nghệ An.
Nếu thành công, chị M. sẽ nhận 280 triệu đồng tiền công. Số tiền này sẽ được chia thành nhiều đợt theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Chị M. được Thuận đưa đi cấy phôi thai thành công tại bệnh viện và chị M. nhận trước 50 triệu đồng.
Làm việc với cặp vợ chồng quê Nghệ An, hai người này cho biết do đã lớn tuổi, không có khả năng mang thai nhưng có nguyện vọng sinh thêm nên đã liên lạc với Trần Thị Bích Vân tìm người mang thai hộ.
Vân đã hướng dẫn cặp vợ chồng này đến bệnh viện tạo phôi và lưu trữ phôi. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục về việc lưu trữ phôi được giao lại cho Vân.
Chi phí mà cặp vợ chồng chấp nhận bỏ ra là 800 triệu đồng, thanh toán theo từng giai đoạn. Đến thời điểm sự việc bị phát hiện, Vân đã nhận 500 triệu đồng.
Mở rộng điều tra, Công an quận Đống Đa còn xác định Vân môi giới cho cặp vợ chồng ở quận Thanh Xuân một người mang thai hộ với giá 1 tỷ đồng/thai đơn hoặc 1,5 tỷ đồng/thai đôi. Vợ chồng này đã chuyển cho Vân 200 triệu đồng để cấy phôi cho người phụ nữ nhận mang thai hộ.
Người tổ chức mới bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép công dân được thực hiện hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Còn đối với hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, đây là hành vi bị cấm nên người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Khái niệm này được quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo ông Cường, đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ danh tính người đang mang thai và người nhờ mang thai. Nếu các bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy giữa người nhờ mang thai và người đang mang thai không có quan hệ thân thích cùng hàng, không thực hiện thủ tục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định pháp luật.
Ngược lại, việc mang thai này có thỏa thuận bằng tiền với giá hàng trăm triệu đồng như lời khai ban đầu của những người liên quan, thì có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý đối với những người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hoạt động tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ có 3 bên là: Bên tổ chức mang thai hộ (người giới thiệu, dẫn dắt, kết nối giữa người mang thai và người nhờ mang thai); Người trả chi phí để nhờ người khác mang thai hộ và người được nhận chi phí để thực hiện hoạt động mang thai hộ cho người khác.
Theo đó, chỉ có người tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại mới bị xử lý hình sự còn những người nhờ người khác mang thai hộ và người nhận mang thai hộ chỉ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định của bộ luật hình sự, hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể đối mặt với hình phạt tới 5 năm tù.
Vị chuyên gia nói thêm, trong vụ án này, mặc dù cơ quan điều tra đã có một số tài liệu chứng cứ quan trọng để chứng minh có hành vi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đã làm rõ người nhờ mang thai hộ, người nhận mang thai hộ, thậm chí làm rõ cả giá tiền cho dịch vụ này.
Sự việc không chỉ qua lời khai mà còn có các chứng cứ vật chất khác để chứng minh cho lời khai của những người có liên quan. Bởi vậy, việc các bị can có thừa nhận hành vi phạm tội hay không không phải là căn cứ để buộc tội.
Cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã thu thập một cách khách quan, hợp pháp để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án. Trường hợp bị kết tội, các bị can có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất tới 5 năm tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.