Hé lộ 2 kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch từ Anh và Mỹ

Thanh Trung (theo Thanh niên tham khảo của Trung Quốc) Thứ bảy, ngày 16/01/2021 16:33 PM (GMT+7)
Hai nhà lãnh đạo đồng minh là Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt từng có ý định ám sát Tưởng Giới Thạch.
Bình luận 0

Gần đây, tờ Thanh niên tham khảo của Trung Quốc cho biết từ các hồ sơ của Cục Tình báo quân sự Quốc dân đảng thời kỳ kháng Nhật, tờ Công báo Chính phủ Quốc dân đảng năm 1942-1944, tài liệu lịch sử Thế chiến II của Đại học Havard, Mỹ và tài liệu bí mật của quân đội Anh thời kỳ Thế chiến II mới được giải mật, thì trong thời kỳ này, hai nhà lãnh đạo đồng minh là Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt từng có ý định ám sát Tưởng Giới Thạch. 

Kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch của Churchill

Từ ngày 22 đến ngày 26/11/1943, trong không khí bí mật, trang nghiêm và lặng lẽ tại một hội nghị ở thủ đô Cairo, Ai Cập, nguyên thủ 3 nước Mỹ, Anh và Trung Quốc là Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchil và Ủy viên trưởng Ủy ban Quân sự quốc dân Trung Quốc Tưởng Giới Thạch đã có cuộc gặp gỡ để  bàn bạc, thảo luận về việc đề ra kế hoạch liên minh 3 nước chống lại quân Nhật và giải quyết vấn đề Viễn Đông.

2 kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch từ Anh và Mỹ - Ảnh 1.

Tưởng Giới Thạch (ngoài cùng bên trái) và Thủ tướng Churchill, Tổng thống Roosevelt tại Hội nghị Cairo tháng 11/1943.

Trong hội nghị, tuy cả 3 nhà lãnh đạo trên đều cố gắng sử dụng ngôn từ ngoại giao ca ngợi nhau, nhưng thực tế giữa Tưởng Giới Thạch và Churchill từ lâu đã có sự bất hòa và ngày càng thể hiện rõ.

Trước đó, ngày 20/11/1943, Tưởng Giới Thạch cùng phu nhân Tống Mỹ Linh từ sân bay ở Côn Minh bay qua dãy Himalaya, tạm dừng chân tại căn cứ quân sự Lanmujiaer của quân đồng minh ở phía bắc Ấn Độ để duyệt đội nghi lễ quân viễn chinh Trung Quốc với toàn bộ trang phục của Mỹ, sau đó  bay đến Kabul.

Điều làm Tưởng Giới Thạch rất tức giận là viên toàn quyền Anh tại Ấn Độ khi đó chỉ cử cố vấn ra sân bay đón Tưởng Giới Thạch,  và không rải thảm đỏ, thậm chí không cử đội quân nhạc để đón chào.

Thực tế thì Churchill không chỉ lạnh nhạt với Tưởng Giới Thạch, mà còn muốn ám sát ông ta. Chính Churchill đã triệu tập hội nghị gồm Cục trưởng Cục Tình báo Lục quân, Trung tướng Kaergete, đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội và các nhân vật quan trọng khác tham gia.

Sau hội nghị, Churchill đã chỉ thị cho Tùy viên trưởng Lục quân Anh tại Trung Quốc là Thượng tá Colonel Charles phụ trách hành động ám sát Tưởng Giới Thạch. Kế hoạch này được giữ bí mật đối với Bộ Ngoại giao Anh và Sứ quán Anh tại Trung Quốc.

Ngay lập tức, Charles thành lập tổ đặc biệt chuẩn bị hành động, đồng thời mua chuộc được 2 sĩ quan không quân Trung Quốc và một vài sĩ quan không quân của Anh để tham gia kế hoạch này.

Trước khi diễn ra hội nghị tại Cairo, Charles đã mang từ London 3 quả bom hẹn giờ cỡ nhỏ kiểu mới nhất có sức công phá rất lớn với ý định sẽ đặt trong ghế máy bay của Tưởng Giới Thạch tại sân bay Lanmujiaer của Ấn Độ.

Nhưng do lực lượng cảnh vệ của Tưởng Giới Thạch cảnh giác cao độ, nhất là 2 sĩ quan của Cục Tình báo quân sự do Đới Lập chỉ huy luôn bám sát Tưởng Giới Thạch, không cho bất cứ ai kể cả sĩ quan không quân Trung Quốc đến gần, nên các sĩ quan hậu cần của không quân Anh và Ấn Độ không thể tiếp cận Tưởng Giới Thạch.

Tuy nhiên, Charles phát hiện ra rằng các sĩ quan hậu cần kỹ thuật của lực lượng Không quân số 14 của Mỹ lại nhận được sự tin cậy tuyệt đối của Cục Tình báo quân sự Quốc dân đảng.

2 viên sĩ quan kỹ thuật của không quân người Mỹ với quân hàm thượng úy đã được mời đến giúp các sĩ quan kỹ thuật của Trung Quốc bảo dưỡng chuyên cơ của Tưởng Giới Thạch. Điều này làm Charles thấy rằng kế hoạch ám sát này nhất định phải được sự hỗ trợ của người Mỹ.

Việc Churchil định tiêu diệt Tưởng Giới Thạch là vì muốn giữ lại mảnh đất thuộc địa tại châu Á cho người Anh. Trong Thế chiến II, nước Anh một mặt tham gia chống Nhật, mặt khác lại luôn cảnh giác đối với Trung Quốc và luôn sợ Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng và xưng bá ở châu Á sau khi kết thúc chiến tranh.

Người Anh muốn thôn tính Tây Tạng với việc kích động khu vực này đòi độc lập, tách khỏi chính quyền trung ương của Quốc dân đảng. Hơn nữa, Tưởng Giới Thạch ủng hộ nhân dân Ấn Độ kháng Nhật và nhiều lần công khai đòi Anh phải để Ấn Độ độc lập.

Mặt khác, gần nửa năm trước Tống Mỹ Linh đã có chuyến thăm Mỹ rất thành công, nhưng lại viện lý do sức khỏe không tốt để từ chối lời mời của nước Anh, điều này làm Churchill vô cùng tức giận.

Roosevelt chỉ thị cho tướng Stilwell “ra tay”

Sau khi Hội nghị Cairo kết thúc, vợ chồng Tưởng Giới Thạch lên chuyên cơ về nước. Tổng thống Mỹ Roosevelt đã gọi tướng Stilwell, đại diện quân sự cao nhất của Mỹ tại Trùng Khánh, Trung Quốc ở lại báo cáo tình hình chiến trường Trung Quốc và Miến Điện, và trao đổi các nội dung khác.

Do có mối bất hòa từ lâu với Tưởng Giới Thạch, nên trong cuộc gặp Tổng thống Roosevelt, tướng Stilwell đã báo cáo rằng Tưởng Giới Thạch luôn cản trở các kế hoạch của quân Mỹ ở châu Á, đặc biệt là kế hoạch sử dụng quân Mỹ để phản kích Miến Điện.

Nghe xong, Roosevelt cau mày và đánh giá rằng Tưởng Giới Thạch là người “quá ngoan cố, quá tư lợi, không hề để ý gì đến đại cục, rất khó để sau này hợp tác có hiệu quả”.

Sau khi suy nghĩ kỹ, Roosevelt đã ra mật lệnh cho Stilwell nếu như không thể nào giải hòa với Tưởng Giới Thạch cũng như không thể thay ông ta bằng nhân vật khác thì phải loại bỏ Tưởng Giới Thạch.

Nhận mật lệnh của Tổng thống, vài hôm sau, Stilwell đã quay lại Trung Quốc và giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp phó là tướng Donne lập và thực hiện kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch với tên gọi “Blue Whale action” và thời hạn quy định chỉ là 3 tháng, nếu kéo dài thêm thì tự động hủy bỏ kế hoạch.

Vào một buổi tối trung tuần tháng 2/1944, một chiếc xe Jeep của lực lượng không quân số 14 của quân Mỹ đã tiến vào Tòa sứ quán Anh tại Trung Quốc nằm cạnh một nhà thờ. Người ngồi trên xe là Trưởng phòng Tình báo của lực lượng Không quân số 14, Thượng tá Marrotte và trợ thủ là Trung úy Kingsley, 2 khách mời đặc biệt của Charles.

Chủ đề của cuộc họp kín này là hai bên thảo luận về việc Cơ quan Phản gián đồng minh làm thế nào để vô hiệu hóa các hoạt động gián điệp của các đặc vụ Nhật Bản tại khu vực Tây Nam. Khi đó, Marrotte không hề hay biết gì kế hoạch tiêu diệt Tưởng Giới Thạch của phía Mỹ.

Ở cuộc họp này, điều mà Charles quan tâm  nhất không phải là làm thế nào để vô hiệu hóa các mạng lưới gián điệp của Nhật, mà là tranh thủ để có được sự ủng hộ và phối hợp của Marrotte trong hành động ám sát Tưởng Giới Thạch.

Sau khi thăm dò một lượt, Charles tiết lộ với Marrotte là hiện nay phía Anh đang chuẩn bị ám sát Tưởng Giới Thạch để đưa một số nhân vật lãnh đạo khác của Quốc dân đảng có ảnh hưởng và có chủ trương kiên quyết chống Nhật lên nắm quyền và thực hiện phương pháp lãnh đạo tập thể.

Tình báo Anh sẽ giúp những nhân vật này cải tổ chính phủ, nắm quân đội và tiêu diệt những phần tử thân Nhật để bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Nhật sớm giành thắng lợi.

Charles còn cho biết phía Anh đã có được các tin tức tình báo tin cậy từ các bức điện giữa Trùng Khánh và Tổng bộ quân Nhật cho thấy Tưởng Giới Thạch ngay từ đầu đã không được lòng người  và luôn tìm cơ hội để thỏa hiệp với Nhật, sẵn sàng bán đứng đồng minh.

Marrotte trong bụng rất vui mừng, nhưng vẫn tỏ ra không mặn mà với kế hoạch và cảnh báo Charles hành động này sẽ gây ra sóng gió chính trị rất lớn, và ngược lại sẽ có lợi cho người Nhật.

Marrotte cho biết, hiện nay Đài Phát thanh Tokyo thường xuyên tìm cách chia rẽ quan hệ của hai nước Mỹ, Anh với Trung Quốc, hơn nữa, Tưởng Giới Thạch đang có một lực lượng không thể xem nhẹ, rất nhiều tướng lĩnh luôn nghe lời ông ta, vì vậy ý định ám sát ông ta không dễ thực hiện, nếu không làm tốt sẽ xảy ra cuộc nội chiến lớn, làm hỏng đại cục.

Charles muốn lôi kéo Marrotte vì Marrotte rất hiểu về Cục Tình báo quân sự của Quốc dân đảng, lại có được sự tin cậy của lãnh đạo Quốc dân đảng và các cơ quan tình báo Quốc dân đảng, vì vậy có thể tự do ra vào đại bản doanh ở Trùng Khánh cũng như các cơ quan tình báo, đặc vụ.

Nếu có thể tranh thủ được Marrotte tham gia vào kế hoạch này thì có lẽ khả năng thành công sẽ rất lớn. Sau một hồi trao đổi, bàn bạc, cuối cùng Marrotte cũng đồng ý hợp tác với tình báo Anh để thực hiện phi vụ trên.--PageBreak--

Ngày 19/2/1944, tại tòa nhà Tiểu Dương, khu đoàn cố vấn quân sự Mỹ ở Trùng Khánh, tướng Donne đã bí mật gặp Marrotte để giao nhiệm vụ ám sát Tưởng Giới Thạch. Donne cho biết sau khi bàn bạc kỹ với tướng Stilwell, cả hai thấy cần phải có sự giúp đỡ của Marrotte trong phi vụ này.

Khi Marrotte tỏ ra hoài nghi đây là ý của Tổng thống Roosevelt thì Donne đã cam kết rằng đó là ý của Tổng thống và nếu như hành động thất bại, toàn bộ trách nhiệm sẽ do Donne gánh vác, không phải Marrotte, cũng không phải Stilwell hay Tổng thống.

Marrotte tỏ ra cảm kích vì sự tin cậy của Donne với mình và đã báo cáo chân thực với Donne về việc tình báo Anh tại Trung Quốc đề nghị Marrotte hợp tác để tiêu diệt Tưởng Giới Thạch.

Sau khi đã hỏi kỹ Marrotte về nội dung kế hoạch ám sát của phía Anh, Donne đã chỉ thị cho Marrotte không nên hợp tác với tình báo Anh vì trong giai đoạn này quan hệ của Anh với Quốc dân đảng, nhất là với Cục Tình báo quân sự Quốc dân đảng đang rất căng thẳng, nên kế hoạch của người Anh rất khó thành công.

Donne còn cho biết theo các tin tức tình báo mà ông ta nắm được thì vào trung tuần tháng 3/1944, vợ chồng Tưởng Giới Thạch sẽ đi thăm Ấn Độ theo lời mời của phía Ấn Độ và sẽ đến căn cứ Lanmujiaer để tặng thưởng huân chương cho các tướng lĩnh quân viễn chinh Trung Quốc như Vệ Lập Hoàng, Tôn Lập Nhân.

Kịch bản hành động mà Donne đưa ra là khi chuyên cơ của Tưởng Giới Thạch bay qua không phận dãy núi Himalaya sẽ bất ngỡ xảy ra sự cố, tất cả các hành khách trên máy bay sẽ nhảy dù và những chiếc dù đó không có tác dụng, hậu quả là máy bay bị hỏng và người bị chết.

Ngay ngày hôm sau, tất cả các tờ báo sẽ đăng tin giật gân Tưởng Giới Thạch đã chết do tai nạn máy bay. Dân chúng chắc chắn sẽ không nghi ngờ bàn tay của tình báo Mỹ, vì nước Mỹ luôn ủng hộ Tưởng Giới Thạch, mà họ sẽ nghi ngờ là do người Nhật làm.

Marrotte đồng ý với phương án trên và cho rằng lực lượng Không quân số 14 sẽ giữ vai trò chủ đạo trong kế hoạch này vì họ đang có các căn cứ máy bay, trạm rađa ở Trùng Khánh, Thành Đô, Côn Minh, và Lanmujiaer với vài nghìn nhân viên hậu cần kỹ thuật, hơn nữa chuyên cơ của Tưởng Giới Thạch thường xuyên do các nhân viên kỹ thuật người Mỹ của lực lượng này bảo dưỡng, sửa chữa.

Tưởng Giới Thạch không tin người Mỹ hại mình

Một ngày hạ tuần tháng 2/1944, tại một biệt thự của Tưởng Giới Thạch ở khu Hoàng Sơn, ngoại ô của Trùng Khánh, khu vực được canh gác rất nghiêm ngặt, Cục trưởng Cục Tình báo quân sự Quốc dân đảng Đới Lập báo cáo với Tưởng Giới Thạch rằng gần đây Tùy viên trưởng người Anh Charles thường xuyên có các cuộc tiếp xúc với tùy viên và giới ngoại giao các nước đồng minh tại Trùng Khánh, các nhân viên tình báo của Charles tăng cường hoạt động.

Theo báo cáo của đặc tình, Charles đã mời Trưởng phòng Tình báo của lực lượng không quân số 14 của Mỹ là Thượng tá Marrotte đến trao đổi bí mật tại Sứ quán Anh. Nhưng khi đó Tưởng Giới Thạch không tin vào báo cáo của Đới Lập mà cho rằng đó là do bệnh nghề nghiệp quá nhạy cảm của một trùm tình báo.

Tưởng Giới Thạch cho rằng  người Anh muốn ám sát ông ta trừ khi họ mất hết lý trí và đối với người Mỹ càng không có khả năng này. Theo Tưởng Giới Thạch, tuy quan hệ của ông ta với Stilwell không được tốt đẹp, Stilwell luôn chủ quan, ngạo mạn và thường làm cho quan hệ hai bên căng thẳng nhưng Stilwell cũng là một tay quân tử, không phải là kẻ có mưu đồ thâm hiểm. Tưởng Giới Thạch cho rằng đối tượng cần phải đề phòng là Trung Cộng và quân Nhật.

Vốn dĩ Tưởng Giới Thạch định đi thăm Ấn Độ để thể hiện địa vị của nhà lãnh đạo nước lớn, nhưng do lúc đó chiến sự đang diễn ra căng thẳng, Tưởng Giới Thạch không thể rời Trung Quốc.

Ngay sau đó, khu quân sự như Hàng Dương bị thất thủ, khu vực Quế Lâm, Liễu Châu bị quân Nhật bao vây, chiến sự càng bất lợi cho quân đội Quốc dân đảng vì vậy Tưởng Giới Thạch đành phải hủy bỏ chuyến đi Ấn Độ và kế hoạch mưu sát Tưởng Giới Thạch của tình báo Mỹ cũng bị phá sản.

Sự phá sản này đã làm Charles rất đau đầu và khó xử. Sau đó không lâu, Charles bị điều sang Ấn Độ. Còn Marrotte sau khi nhận được chỉ thị bí mật của tướng Donne đã lập tức chấm dứt kế hoạch mưu sát Tưởng Giới Thạch. Để bảo đảm bí mật, Marrotte còn tìm cách điều mấy tay kỹ sư không quân người Mỹ biết về kế hoạch này sang làm việc ở căn cứ không quân Lanmujiaer tại Ấn Độ.

Năm 1944, tướng Stilwell bị Tổng thống Roosevelt bãi nhiệm và gọi về nước. Còn Tưởng Giới Thạch sau khi thất bại trong cuộc nội chiến, năm 1949 đã chạy sang Đài Loan và vẫn tin dùng tướng Donne, cố vấn người Mỹ.

Khi đó, Donne được Chính phủ Mỹ cử làm Cố vấn trưởng của Đoàn cố vấn quân sự Mỹ tại Đài Loan và ông này đã có hàng chục năm làm việc với Tưởng Giới Thạch và quan hệ giữa hai người rất thân thiết.

Tưởng Giới Thạch luôn bị Donne lừa gạt và cũng không hề biết gì về âm mưu ám sát Tưởng trước đây của Donne. Mãi đến khi Donne bị điều về nước và trong cuốn hồi kỳ của mình Donne tiết lộ về kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch thì mọi người mới biết

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem