2 lần sứ giả của Thành Cát Tư Hãn bị giết và cái kết bi thảm

Nguyễn Thái Chủ nhật, ngày 23/07/2023 21:30 PM (GMT+7)
Tiếng tăm của Thành Cát Tư Hãn lẽ ra phải là điều khiến người đứng đầu đế chế Khwarazmia phải dè chừng. Tuy nhiên, người này lại mắc sai lầm "chết người" khi thách thức vị khả hãn nổi tiếng nhất của Mông Cổ.
Bình luận 0

Gần 800 năm sau khi chết, cái tên Thành Cát Tư Hãn vẫn thu hút được sự chú ý. Vị khả hãn Mông Cổ lên nắm quyền bằng cách hợp nhất nhiều bộ lạc du mục ở vùng Đông Bắc Á và thực hiện hàng loạt cuộc xâm lược chinh phục hầu hết lục địa Á - Âu.

Dù có công trong việc thúc đẩy sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ và đặt Con đường tơ lụa dưới sự kiểm soát chính trị chặt chẽ, các chiến dịch xâm lược của Thành Cát Tư Hãn thường áp dụng chiến thuật tàn nhẫn, khiến nhiều người coi ông là kẻ thống trị độc ác và bạo lực.

2 lần sứ giả của Thành Cát Tư Hãn bị giết và cái kết bi thảm - Ảnh 1.

Tượng Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: Flickr

Tiếng tăm đó của Thành Cát Tư Hãn lẽ ra phải là điều khiến người đứng đầu thành phố Otrar và hoàng đế Muhammad II của đế chế Khwarazmia phải dè chừng. Tuy nhiên, họ lại mắc sai lầm nghiêm trọng khi thách thức Thành Cát Tư Hãn.

Mọi việc bắt đầu từ đầu thế kỷ 13, khi Thành Cát Tư Hãn chú tâm tới việc thiết lập quan hệ thương mại với đế chế Khwarazmia (kiểm soát phần lớn diện tích của Iran ngày nay) do hoàng đế Muhammad II cai trị. Người đứng đầu Mông Cổ tìm cách tạo quan hệ thương mại chính thức với Khwarazmia bằng cách cử một đoàn 500 người mang theo hàng hóa thương mại, với trách nhiệm như sứ giả - làm cầu nối cho quan hệ thương mại giữa 2 đế chế.

Khi tới thành phố Otrar của Khwarazmia, đoàn người Mông Cổ bị Inalchuq - người đứng đầu thành phố và là chú của hoàng đế Mohammad II - bắt giam và sau đó xử tử vì nghi ngờ có nội gián do Thành Cát Tư Hãn "cài vào". Số hàng hóa mang sang bị cướp trắng đem bán.

Một người dắt lạc đà cho đoàn người Mông Cổ may mắn sống sót và trốn về nước kể lại mọi chuyện với Thành Cát Tư Hãn.

Vẫn muốn giữ hòa khí, người đứng đầu đế chế Mông Cổ hùng mạnh cử 3 sứ giả sang gặp hoàng đế Mohammad II, trình bày mục đích giao thương của Mông Cổ, đồng thời yêu cầu Inalchuq phải bị trừng phạt vì cướp hàng hóa và giết phái đoàn Mông Cổ.

Đáp lại, hoàng đế Mohammad II lại cho xử tử một trong 3 sứ giả, gửi phần đầu về Mông Cổ cùng 2 sứ giả còn lại, những người bị cạo râu (dấu hiệu của sự sỉ nhục thời đó).

Phẫn nộ vì hành động ngang ngược của người đứng đầu đế chế Khwarazmia, Thành Cát Tư Hãn lên kế hoạch cho một trong những chiến dịch chinh phạt lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông.

Người đứng đầu đế chế Mông Cổ mang theo các tướng lĩnh tài giỏi nhất, bao gồm cả các con trai và khoảng 10 -20 vạn quân lính, tiến về phía Khwarazmia, theo học giả Meghan Masterson, một người đam mê sử học.

2 lần sứ giả của Thành Cát Tư Hãn bị giết và cái kết bi thảm - Ảnh 2.

Thành Cát Tư Hãn cẩn trọng bày binh bố trận để trả thù sau khi các sứ giả Mông Cổ bị giết hại, làm nhục. Ảnh minh họa: Mozello

Theo trang History of Mughals, sau khi phân tích kỹ thông tin do thám về đối phương từ nhiều nguồn, Thành Cát Tư Hãn cẩn trọng bày binh bố trận, chia quân thành 3 đạo lớn. Truật Xích, một người con của Thành Cát Tư Hãn dẫn đầu một đạo quân tiến về phía đông bắc của Khwarezmia.

Đạo quân thứ hai do đại tướng Triết Biệt chỉ huy, được lệnh bí mật di chuyển tới Khwarzemia từ phía đông nam. Thành Cát Tư Hãn và con trai Đà Lôi dẫn đầu đạo quân thứ ba tiến về Khwarzemia theo hướng tây bắc.

Tương quan lực lượng của quân đội Khwarzemia (30-40 vạn) so với Mông Cổ (10-20 vạn) không thua kém nhưng đế chế Khwarzemia vẫn nhận thất bại vì một sai lầm "chết người' của hoàng đế Muhammad II. Người đứng đầu Khwarzemia quyết định phân tán đội quân đông đảo của mình thành các nhóm nhỏ phân bố ở nhiều thành phố.

Muhammad II cho rằng nếu quân của ông được tổ chức thành một đơn vị lớn dưới sự chỉ đạo của một người  thì có thể tạo phản bất cứ lúc nào. Ngoài ra, người đứng đầu Khwarzemia nhận được mật báo, người Mông Cổ không giỏi trong việc vây hãm thành trì kiên cố nên quyết định phân tán quân đội.

Quyết định sai lầm của hoàng đế Muhammad II mang lại lợi thế cho quân Mông Cổ. Đội quân của Thành Cát Tư Hãn, vốn mệt mỏi vì hành trình di chuyển dài và lạ lẫm địa hình, chỉ phải đối đầu với các nhóm quân lính nhỏ lẻ thay vì cả đạo quân lớn tập trung. Quân Mông Cổ dễ dàng chiếm được thành phố Otrar, nơi Inalchuq cai quản. Bằng cách thức vô cùng tàn khốc, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh giết hết người dân trong thành phố hoặc bắt làm nô lệ. Inalchuq bị bắt và hành hạ tới chết bằng cách đổ bạc nóng chảy vào mắt và tai, theo học giả Meghan.

Người Mông Cổ cũng chiếm được Samarkand, kinh đô của đế chế Khwarazmia, nhờ sử dụng những nô lệ bị bắt làm lá chắn sống. Sự tàn nhẫn này dường như báo trước kết cục của người dân ở Samarkand. Hầu hết bị xử tử và phơi thây trên các đường phố. Quân đội của Thành Cát Tư Hãn tiếp tục "tắm máu" các thành phố khác như Bukhara hay Urgench.

Nhưng thành phố giàu có Urgench không dễ dàng bị khuất phục vì có phòng tuyến vững chắc, quân số đông hơn ở Bukhara. Con số thương vong của quân Mông Cổ ở đây cao hơn những nơi khác vì chiến thuật của quân Thành Cát Tư Hãn không hiệu quả cao ở môi trường chiến đấu thành thị. Quân Khwarazmia chỉ chịu thua khi phòng tuyến vững chắc của họ bị xuyên thủng.

2 lần sứ giả của Thành Cát Tư Hãn bị giết và cái kết bi thảm - Ảnh 3.

Thành Cát Tư Hãn bắt đầu cuộc trả thù tàn bạo nhằm xóa sổ đế chế Khwarazmia. Ảnh minh họa: Getty.

Thành Cát Tư Hãn bắt đầu một cuộc trả thù tàn bạo nhằm xóa sổ đế chế Khwarazmia. Nơi ở hoàng gia, thành phố, thị trấn… đều bị san bằng. Kinh đô Khwarazmia được chuyển tới thành phố Bukhara. Một số nguồn tin còn cho rằng Thành Cát Tư Hãn còn chuyển dòng một con sông qua quê hương của hoàng đế Muhammad II, xóa sổ cả khu vực này khỏi bản đồ.

Người đứng đầu Mông Cổ còn lệnh cho 2 vị tướng tiếp nhận 2 vạn quân để săn lùng bằng được hoàng đế Muhammad II, người đang bỏ trốn khi đó. Hoàng đế của Khwarazmia cuối cùng chết không rõ nguyên nhân trên một hòn đảo.

Năm 1120, đế chế Khwarazmia gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi cuộc chinh phạt của người Mông Cổ. Jalal ad-Din Mingburnu, con trai hoàng đế Muhammad II, dành cả cuộc đời để chiến đấu với quân Mông Cổ nhưng bất thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem