Khi đàn voi quỵ ngã
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk, năm 1980, số lượng voi ở Buôn Đôn là 506 con, nhưng đến nay chỉ còn 22 con. Lãnh đạo khu du lịch Buôn Đôn cho biết, có thể trong thời gian tới, Buôn Đôn nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ phải nhập voi từ các nước bạn để phục vụ du lịch, còn số voi hiện tại sẽ đưa vào khu bảo tồn.
Trước thực trạng đàn voi mất dần, các nài voi bị đẩy vào thế bấp bênh khi nguồn thu nhập chính bị đe dọa. Chúng tôi tìm gặp anh Ama Nhay (35 tuổi, ngụ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), con rể già làng bản Đôn tại khu du lịch vào buổi trưa gắt nắng. Anh Ama Nhay được biết đến là nài voi trẻ nhất của Buôn Đôn, có kinh nghiệm nuôi dạy voi từ khi còn nhỏ. Anh cho biết: “Voi của tôi tên là Khămsin, người bắt là ông tôi. Tôi chơi với nó từ năm nó 2 tuổi, tới bây giờ đã gần 30 năm. Tới năm Khămsin 18 tuổi, tôi cho nó đi làm. Cũng như trâu bò dưới xuôi, voi trên đây được dùng để kéo cày, bây giờ thì phục vụ du lịch”.
Chủ quán cà phê Chuông Đá - ông Hoàng Thành với bộ sưu tập đá thạch có hàng triệu năm tuổi. ảnh: A.T
Anh Ama Nhay chạnh lòng nói về con voi nhà mình: “Tôi là chủ voi đực, tới mùa động đực cực khổ lắm. Nhiều khi để chiều nó mình phải thương lượng với nài voi cái cho hai con giao phối với nhau. Mà mỗi lần giao phối voi đực lại đè lên lưng voi cái nên voi cái thường bị thương, nhiều khi mình phải đền tiền cho nó dưỡng bệnh cả 3-4 tháng. Cực lắm, nên tới mùa động dục tôi thường dẫn Khămsin vào rừng cho ăn đồ ăn ngon, xích nó lại vì thời điểm đó, voi đực rất hung tợn”.
Hỏi thăm về tình hình sức khỏe và việc chăm sóc voi, anh Ama Nhay nói thêm: “Bệnh bình thường thì có bài thuốc gia truyền mình nấu lá cây cho nó uống là hết. Còn những vụ nghiêm trọng như voi mắc bẫy, đứt vòi hay bị chém thương nặng thì phải nhờ đến Trung tâm Bảo tồn voi, thậm chí phải cậy chuyên gia bên Thái Lan sang cứu giúp. Tình trạng voi chết vì môi trường sống, bị bẫy nhiều lắm”.
Giọng trầm buồn, ánh mắt nhìn sang “người bạn” gần 30 năm gắn bó, anh Ama Nhay thở dài: “Không biết số phận Khămsin và những chú voi khác ra sao vì bây giờ hầu hết chúng không còn sinh sản nữa. Cả chục năm nay không một voi con nào ra đời. Tới khi đàn voi còn lại này gục thì số phận những nài voi như chúng tôi không biết sẽ ra sao”.
Rừng vàng còn đâu…
Đến thăm nhà sưu tầm đồ cổ Hoàng Thành tại quán cà phê Chuông Đá (số 599 Lê Duẩn, TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), chúng tôi lắng nghe câu chuyện thú vị từ ông cũng như nỗi tiếc nuối khi diện tích rừng ở Buôn Ma Thuột ngày càng thu hẹp: “Bây giờ có đi cả trăm kilômét cũng không thấy rừng đâu…”.
Là người đam mê sưu tầm đá cổ, ông Hoàng Thành là người lưu giữ nhiều nhất di sản văn hóa Tây Nguyên cũng như di sản địa chất vùng Tây Nguyên. Suốt 20 năm lặn lội tìm kiếm, ông Thành đã sưu tập được hơn 1.000 mẫu hóa thạch giá trị có niên đại hàng triệu năm.
Anh Ama Nhay và chú voi Khămsin tại khu du lịch Buôn Đôn. Ảnh: Bùi Thư
Năm 1986, ông Hoàng Thành và gia đình vào Buôn Ma Thuột sinh sống. Sau ông học được nghề sửa chữa máy móc, ngành thi công cầu đường rồi kham luôn những công trình trên địa bàn Tây Nguyên. “Cũng nhờ khoảng thời gian dài làm kỹ thuật đó mà tôi có đủ số vốn để trang trải cho đam mê sưu tầm cổ vật và đá hóa thạch. Tôi đến với thú vui này cũng rất tình cờ. Phải gọi là cái duyên vì không phải cứ yêu thích, đam mê là sưu tầm được. Thậm chí có tiền cũng không thể mua được. Cái này thuộc về tố chất, nằm trong tiềm thức, tôi là người gốc Huế nên thích sưu tập những cổ vật” - ông Thành bộc bạch.
Bằng chất giọng Huế xen lẫn niềm hoài cổ, ông Thành chia sẻ: “Vì yêu thiên nhiên nên tôi ấp ủ ước mơ có một khu vườn đẹp. Khu vườn này của tôi có diện tích hơn 1.000m2 với những tảng đá, gốc bằng lăng, lộc vừng to bằng cả người ôm”.
Không chỉ thế, ông Thành còn “sắm” cho khu vườn một ngôi nhà dài của người Ê đê với đầy đủ nội thất như ghế dài, giường chủ nhà, cồng chiêng, ché xưa, thuyền độc mộc, đàn đá và rất nhiều nồi, chén, lư đồng cổ. Để theo đuổi tận cùng đam mê, ông Thành phải “dỗ dành” vợ mình, thuyết phục bà cùng ông sưu tập.
Dù đã chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bộ sưu tập cổ sinh vật lớn nhất Tây Nguyên gồm 82 mẫu nặng 11,5 tấn, ông Thành vẫn đam mê tìm kiếm những mẫu cổ vật đang nằm sâu dưới lòng đất. Nhưng với diện tích rừng còn lại như hiện nay, đó là một điều khó khăn. Ông nhớ lại thời rừng còn bạt ngàn: “Ngày xưa rừng bạt ngàn, giờ phải bắt xe cả mấy chục cây số, có khi cả trăm cây số mới có rừng để du khảo. Khu vườn này ra đời cũng vì tôi nuối tiếc “rừng vàng” của Tây Nguyên nên đem những cây mình thích về trồng”.
Cái kết buồn
Không biết số phận Khămsin và những chú voi khác ra sao vì bây giờ hầu hết chúng không còn sinh sản nữa. Cả chục năm nay không một voi con nào ra đời. Tới khi đàn voi còn lại này gục thì số phận những nài voi như chúng tôi không biết sẽ ra sao”.
Anh Ama Nhay
|
Không biết rồi số phận của những chú voi, nghề nuôi sống gia đình của những nài voi như thế nào, chúng tôi chỉ biết rằng hàng trăm con voi đã ngã quỵ và hàng tháng vẫn có voi chết. Trả lời thực trạng này, lãnh đạo khu du lịch Buôn Đôn cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp Trung tâm Bảo tồn voi Đăk Lăk đem số lượng voi còn lại vào trung tâm để bảo tồn. Nhưng dự định xây dựng khu rừng vẫn chưa được phê duyệt, tất cả vẫn còn là dự định trên giấy”.
Giải thích thêm về việc không cho voi sinh sản, chị Mai Thị Thanh Hoa - hướng dẫn viên có hơn 6 năm công tác tại khu du lịch Buôn Đôn cho hay: “Loài voi rất khó tìm bạn đời, nó chỉ giao phối với con nào nó gắn bó. Ngoài ra, quá trình mang thai của voi là 2 năm và thời gian cho con bú 5 năm, nài voi không được sử dụng voi vào bất cứ việc gì nên nài không muốn cho voi đẻ. Hơn nữa, hiện đàn voi đã quá già yếu, không còn khả năng sinh sản”.
Ama Nhay cho biết, anh vẫn cho Khămsin đi làm việc với số tiền chở khách 150.000 đồng/giờ/người nhưng anh chỉ nhận được 60.000 đồng. Số tiền này quá ít so với công sức bỏ ra vì anh phải chịu toàn bộ phí khám chữa bệnh cho voi. “Nếu chở khách đi mà khách có bề gì thì nài voi chúng tôi cũng phải đền bù, chịu trách nhiệm. Nhưng giờ rừng cũng không còn nhiều nên voi không có đất sinh sống, không tận dụng được sức kéo như trước đây nên đành phải chịu” – anh Ama Nhay nói thêm.
Còn ông Hoàng Thành khi tiễn chúng tôi ra xe cũng ngậm ngùi tiếc nuối: “Cơ ngơi sưu tầm cả 20 năm giờ chuyển nhượng lại cho bảo tàng, tôi cũng rất sẵn lòng. Nhưng thú thật tài chính gia đình cũng không còn đủ sức để theo thú chơi này nữa nên tôi rất buồn”.
Đó là một cái kết buồn cho một chuyến đi. Ước mơ sẽ xây dựng thành công một viện bảo tàng để những mẫu vật của mình có nơi nương tựa chỉ là mơ ước, tựa như hình xoắn ốc đứt ngang trên mẫu đá thạch xử sở Buôn Mê buồn rười rượi này…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.