20 câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài chính

Thứ ba, ngày 23/11/2010 08:07 AM (GMT+7)
Dân Việt - Tại kỳ họp này, có 20 chất vấn được gửi tới Bộ Tài chính tập trung chủ yếu vào các vấn đề bội chi, nợ công và quản lý giám sát các Tập đoàn.
Bình luận 0

Tại kỳ họp này, có 20 chất vấn được gửi tới Bộ Tài chính tập trung chủ yếu vào các vấn đề bội chi, nợ công và quản lý giám sát các Tập đoàn.

img
 

Về bội chi và nợ công, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng nhiều năm qua mức bội chi được Quốc hội chấp thuận thường vào khoảng 5% GDP. Năm 2009, nợ nước ngoài chiếm 38,8%. Về cơ cấu nợ, nợ trong nước đã tăng. ODA chiếm 75% nợ công với thời gian vay 30-40 năm.

Mức dư nợ, cơ cấu nợ, khả năng trả nợ, đến nay không có khoản nào quá hạn. Nợ công trong 5-10 năm tới vẫn trong giới hạn an toàn. Chính phủ đang xây dựng chiến lược nợ đảm bảo hợp lý, hiệu quả.

Quản lý giám sát các Tập đoàn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh dẫn các quy định pháp luật cho rằng việc xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế, Bộ đã trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý tài chính của công ty nhà nước và phần vốn của nhà nước ở các doanh nghiệp khác. Công ty nước ngoài phải dành 70% vốn cho các hoạt động chính. Đối với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chỉ được đầu tư vào một lĩnh vực mà tổng số vốn góp không vượt qua 30% vốn điều lệ.

Nóng vấn đề quản lý vốn

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) là người chất vấn đầu tiên. Bà chất vấn về tỷ lệ mà các doanh nghiệp, tập đoàn được đầu tư ra ngoài ngành, được quy định ở đâu, việc kiểm tra kiểm soát của Bộ đối với việc này như thế nào?

Theo bà Loan, cách đây hai năm, bà đã ba lần chất vấn Bộ Tài chính nhưng nhận được những trả lời hết sức khác nhau. Khi thì bộ trả lời tỷ lệ này là 30% trên tổng tài sản, lúc nói 30% trên vốn điều lệ.

Vấn đề thứ hai bà Loan chất vấn là việc PVEP, một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã ký với một công ty Venezuela một hợp đồng sơ chế dầu mỏ tại Venezuela với vốn đầu tư 8 tỷ USD, phía Việt Nam chiếm 40% vốn, tương đương 3,2 tỷ USD.

Bà Loan chất vấn về nguồn vốn và việc đầu tư có phù hợp với Nghị quyết 49 của Quốc hội quy định các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư từ trên 20 ngàn tỷ hoặc 7 ngàn tỷ nếu là vốn ngân sách nhà nước phải báo cáo Quốc hội?

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề liệu có vấn đề gì trong khâu quản lý giá hay không khi mà tình hình tăng giá đang làm giảm ý nghĩa của tăng trưởng. Bộ Tài chính nêu nguyên nhân do giá thị trường thế giới tăng, nhưng nhiều nước cũng hội nhập như Việt Nam song CPI vẫn dưới 5%, ví dụ Indonesia (3,8%), Philippines (4,7%) Trung Quốc (4,4%)?

Một số mặt hàng như sữa ở nước ngoài giá giảm nhưng trong nước vẫn tăng? Bộ trưởng giải thích giá cả tăng là do sức mua và nhu cầu thị trường vào những dịp lễ tết. Nhưng sức mua nhiều thì phải là cơ hội để giảm giá, tại sao lại coi là nguyên nhân? Xin Bộ trưởng giải thích?

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) chất vấn xung quanh tình trạng nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, chủ yếu là vì thiếu vốn, Bộ có biện pháp phân bổ vốn thế nào? Ông Ba hỏi thẳng Bộ trưởng Vũ Văn Ninh với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính và người trực tiếp quản lý về cách quản lý vốn tại Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước SCIC như thế nào? Làm sao để tránh thất thoát, để không rơi vào tình trạng như Vinashin?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Về tỷ lệ đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Nghị định 09 về quản lý tài chính tại các tập đoàn, đầu tư những lĩnh vực không phải sản xuất chính không quá 30% (nhưng ông Ninh không giải thích rõ 30% trên vốn điều lệ hay trên tổng tài sản - PV). Đối với các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chỉ được đầu tư vào một lĩnh vực mà tổng số vốn góp không vượt qua 20% vốn điều lệ. Đến năm 2011, phải điều chỉnh, phải rút vốn nếu mức đầu tư vượt quá quy định.

Về hợp đồng của PVN, Bộ trưởng cho rằng Bộ Tài chính không phải là người phê duyệt, thẩm định cho nên không nắm được. Chiến lược là khuyến khích Tập đoàn đầu tư ra nước ngoài.

Kiểm soát quản lý giá theo lộ trình

Giải trình về vấn đề đại biểu Hùng và nhiều đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề tăng giá vừa qua, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh vẫn nhắc lại những nguyên nhân chủ yếu như giá thế giới tăng cao, chúng ta đang nhập siêu hàng hóa nên không thể không ảnh hưởng, trong nước giá rất nhiều mặt hàng trực tiếp cũng tăng như thép, xi măng, điện…

Kết luận nguyên nhân của tình trạng tăng giá, Bộ trưởng khẳng định: Yếu tố tác động vào giá là tổng hợp của nhiều yếu tố nên việc kiểm soát điều hành giá theo thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước phải có lộ trình.

Giá cả tăng do yếu tố Tết, sức mua tăng, chỉ là một trong những nguyên nhân. Giải pháp là tăng cường quản lý trong những dịp này, yếu tố quan trọng nhất là đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Các địa phương hiện đã thực hiện ứng vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp này. Mặt khác, chính quyền cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hình thành giá, đăng ký và bán theo giá đăng ký trên địa bàn.

Đối với tình trạng công trình chậm tiến độ, Bộ trưởng Tài chính cho biết, việc phân bổ vốn không phải nhiệm vụ của Bộ. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ chỉ giao tổng mức vốn trong năm, nhiệm vụ phân bổ thuộc các bộ, chủ đầu tư. Ở địa phương, vấn đề phân bổ vốn thuộc thẩm quyền HĐND và chủ quản đầu tư. Nguyên nhân chính khiến các công trình chậm tiến độ tôi cho rằng không phải là do thiếu vốn.

Về cách quản lý vốn tại SCIC, đây là hình thức mới. SCIC sắp xếp chuyển đổi lại các doanh nghiệp được giao về. Hiện có khoảng 900 doanh nghiệp với tổng vốn quản lý chiếm chưa đầy 2% tổng vốn nhà nước tại tất cả các doanh nghiệp. Trong số này, 87% doanh nghiệp cần bán và bán hết vốn nhà nước, không cần phải chi phối, để rút vốn về tập trung vào các lĩnh vực then chốt nhà nước cần chi phối như điện, dầu khí... Ở đây không hề có sự can thiệp hành chính.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Phạm Thị Loan tiếp tục chất vấn: Về tỷ lệ 30%, Bộ trưởng chưa nói là 30% trên cái gì khi vốn điều lệ hay tổng vốn là hoàn toàn khác nhau. Về đầu tư của PVN, người đứng đầu quốc gia về tài chính mà không biết chúng tôi thấy rất lo lắng. Bộ trưởng nói trình ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng đã trình Quốc hội chưa?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: 30% là trên tổng tài sản, vì đây không phải là đầu tư ra ngoài, mà là các ngành khác phục vụ cho ngành sản xuất chính. Ngoài là ngoài ngành sản xuất chính, chứ không phải ngành ngoài. Còn đối với đầu tư ra ngoài là tài chính, bảo hiểm, dầu khí thì chỉ được tỷ lệ 20%.

>> Xem tiếp nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem