Theo báo cáo mới nhất của Lực lượng cảnh sát Ấn Độ, ít nhất 300.000 trẻ em nước này đang là nạn nhân của các băng nhóm buôn người, phải đi xin tiền trên khắp các đường phố hàng ngày, hình thành ngành công nghiệp phi pháp trị giá tới hàng triệu USD.
Nhiều trường hợp, trẻ em bị các băng đảng buôn người đánh đập tới tàn tật hoặc bị thiêu cháy để khơi gợi lòng thương cảm, trắc ẩn từ xã hội. Như vậy, các em có thể xin được nhiều tiền hơn. Số tiền các em xin được sau đó đều bị những kẻ buôn người trấn lột để mua rượu hoặc ma túy.
Hàng trăm nghìn trẻ em Ấn Độ là nạn nhân của các băng đảng buôn người, bị chúng đánh đập, lạm dụng ép đi ăn xin.
Báo cáo còn cho thấy, các băng đảng buôn người còn duy trì "mô hình mùa ăn xin". Chẳng hạn, vào thời điểm chuẩn bị và diễn ra các lễ hội hoặc sau các thảm họa tự nhiên, số lượng trẻ em lang thang ăn xin trên các đường phố tăng mạnh.
Theo Ủy ban Nhân quyền quốc gia Ấn Độ, có tới 40.000 trẻ em bị bắt cóc mỗi năm ở nước này, trong đó có ít nhất 11.000 em vẫn "bặt vô âm tín".
"Cảnh sát thường không cho rằng, những đứa trẻ ăn xin có thể là vấn đề đáng lo ngại bởi họ cho rằng trẻ em đi ăn xin cùng người lớn là ở trong một gia đình hoặc có họ hàng, quen biết nhau", Anita Kanaiya, Giám đốc điều hành Dự án Tự do Ấn Độ, chuyên về các vấn đề buôn người cho biết.
Cũng theo bà Anita Kanaiya, cứ 50 trẻ em đường phố ở Ấn Độ được giải cứu thì ít nhất 10 em là nạn nhân của nạn buôn người.
Tổng thanh tra cảnh sát thành phố Bengaluru, Pronob Mohanty chi biết, có ngày, lực lượng cảnh sát cũng như các tổ chức xã hội giải cứu được tới 300 trẻ em trong thành phố. Những kẻ buôn bán người cũng bị bắt và bị phạt tù.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.