"Chuyển nhượng sớm làm hư cầu thủ"

Thứ hai, ngày 05/11/2012 06:10 AM (GMT+7)
Dân Việt - "Một số trường hợp khi được chuyển nhượng tới môi trường mới khi còn quá trẻ dễ sa ngã, thiếu đạo đức...", ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá K.Khánh Hòa nói.
Bình luận 0

Bên lề Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013, ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá K.Khánh Hòa, Trưởng ban kiểm soát VPF đã trao đổi với phóng viên Dân Việt về một số điểm nóng của bóng đá Việt Nam.

Đại hội thường niên VFF hồi đầu tháng 10 đã thông qua việc nâng độ tuổi được chuyển nhượng tự do của cầu thủ từ 23 lên 25. Và tại buổi Hội thảo này, đại diện các đội bóng một lần nữa tán thành, ông nghĩ sao?

Tôi thấy điều này là rất hợp lý với điều kiện bóng đá Việt Nam hiện tại. Thực tế, nhiều cầu thủ chơi tốt ở giải U21 nhưng đưa lên V.League vẫn chưa đạt yêu cầu. Thường thì 22-23 tuổi, cầu thủ mới bắt đầu cống hiến được cho câu lạc bộ có công đào tạo mình. Nên nếu 23 tuổi đã được chuyển nhượng tự do thì thiệt thòi cho các lò đào tạo trẻ quá. Cầu thủ 25 tuổi mới được chuyển nhượng tự do còn có ý nghĩa giúp họ có môi trường rèn luyện. Chứ một số trường hợp khi được chuyển nhượng tới môi trường mới khi còn quá trẻ thì như là “ông tướng”, dễ sa ngã, thiếu đạo đức, thay vì đáng ra họ phải rèn luyện khả năng chuyên môn cho tốt hơn.

img
Ông Lê Tiến Anh khẳng định việc nâng độ tuổi chuyển nhượng tự do của cầu thủ từ 23 lên 25 là hợp lý. Ảnh Minh Hoàng

VPF khẳng định không cho phép 1 doanh nghiệp đứng ra tài trợ cho 2 đội bóng trong cùng 1 giải đấu. Còn quan điểm của ông?

Đây đang là thời điểm rất khó khăn, một số ông chủ đã bỏ bóng đá. Vì vậy, phải khẳng định những doanh nghiệp hiện đang gắn bó với bóng đá Việt Nam là những người đầy tâm huyết. Chúng ta nên trân trọng họ. Nếu bảo cấm thì cũng rất khó bởi vẫn có nhiều cách “lách luật”. Ví dụ như tôi không đứng ra tài trợ nhưng tôi lại dùng tiền đưa cho ông bạn tôi làm thì sao? Điều quan trọng nhất là giúp người hâm mộ được tận hưởng những trận đấu trung thực và doanh nghiệp không tác động được tới kết quả trận đấu. Công việc này thuộc về những người tổ chức.

Ông nghĩ sao khi dư luận cho rằng các ông chủ nên rút khỏi VPF để giúp giải đấu công bằng hơn?

Tôi sẽ rất mừng nếu thời điểm nào đó được rút ra khỏi VPF. Những doanh nhân như chúng tôi rất bận rộn. Tối 2.11, anh Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - PV) đã nói với tôi sẽ ra Hà Nội dự Hội thảo nhưng rồi lại bận không dự được. Bản thân tôi, dự Hội thảo xong sẽ phải bay luôn vào TP.HCM giải quyết công việc. Chúng tôi sẽ rút khỏi VPF vào thời điểm thích hợp. Một trận đấu bóng đá còn có các giám sát, trọng tài... Họ có chân giá trị của họ chứ.

Vậy còn chuyện ngoại binh. Hội thảo đã thống nhất mùa giải mới các đội V.League sẽ đăng ký 3 thi đấu 3. Nhưng sẽ có những đội chơi với 6-7 Tây trên sân, trong đó có 3-4 ngoại binh nhập tịch?

Cái khó là nếu chúng ta tính suất ngoại binh đối với các cầu thủ ngoại đã nhập quốc tịch Việt Nam thì không được, trái với pháp luật. Còn nếu thoải mái cho các đội sử dụng ngoại binh nhập tịch như nội binh thì cũng sẽ tạo ra nhiều bất cập. Theo tôi, chúng ta cũng nên hạn chế số ngoại binh nhập tịch, có thể mỗi đội chỉ được đăng ký 2, thi đấu 2.

Ông có thể dự báo về mùa giải mới?

Tôi nghĩ công tác tổ chức sẽ tốt hơn nhưng diễn biến sẽ phức tạp hơn, và sự phức tạp này tới từ các đội bóng. Không ai dám chắc các đội bóng sẽ đi tới hết giải vì những khó khăn kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem