"Hoàng Thành Thăng Long là tài sản vô giá của toàn nhân loại"

Thứ bảy, ngày 02/10/2010 18:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc UNESCO, khẳng định: "Kể từ bây giờ, Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam, mà còn là tài sản vô giá của toàn nhân loại".
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo tối 1-10, bà Irina Bokova- Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết, bà đến Việt Nam nhân dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và bà vinh dự được trao cho Việt Nam Bằng chứng nhận Di sản Thế giới ghi nhận Hoàng Thành Thăng Long được đưa vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO.

Bà Irina Bokova hứa sẽ tiếp tục ủng hộ việc bảo tồn, quản lý và quảng bá sự đa dạng văn hoá và thiên nhiên của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về điều ấn tượng nhất của bà về Hoàng Thành Thăng Long, bà Irina cho biết, đó là đường phố Hà Nội được trang hoàng lộng lẫy và bà rất xúc động khi biết rằng, hàng triệu người dân Việt Nam đã theo dõi buổi lễ khai mạc Đại lễ qua truyền hình. Điều này, theo bà Irina, đã thể hiện được niềm tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết của người Việt Nam.

Bà Irina cũng cho biết, UNESCO coi trọng khu trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long. Việc UNESCO công nhận Hoàng Thành là Di sản văn hoá thế giới là trách nhiệm mới của Việt Nam, trong việc nâng cao bảo vệ và phát huy di sản này.

Bà khẳng định: "Kể từ bây giờ, Hoàng Thành Thăng Long không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam, mà còn là tài sản vô giá của toàn nhân loại". Bà Irina cũng cho biết, sau khi Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là Di sản thế giới, Việt Nam sẽ phải có cách để cân bằng lợi ích kinh tế và du lịch, bởi một di tích được công nhận là Di sản thế giới sẽ kéo rất nhiều khách du lịch thế giới đến chiêm ngưỡng. Bà Irina cho biết, thông thường du khách sẽ tăng từ 40 - 50%, thậm chí có những di sản đã thu hút được lượng khách du lịch tăng 70%.

Hoàng Mai (Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội): Niềm tự hào lớn

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội được tham gia sự kiện này, em cảm nhận được không khí háo hức của Thủ đô. Cùng với các bạn khác cùng tham gia biểu diễn chào mừng Đại lễ, đây sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên của thời sinh viên chúng em.

Nghiêm Hoàng Nam (giải nhất cuộc thi "Hùng biện tiếng Nhật - Kitazawa Cup 2009"): "Đánh dấu sự trưởng thành"

Mãi mãi, Hà Nội trong tôi giản dị là Thăng Long uy nghi mà bình dị, kiêu sa mà trong sáng. Hà Nội là giảng đường, là hiệu sách cũ, là mái phố cong và những con đường hun hút dưới hai hàng cây xanh vô tận… Hà Nội như đang khoác lên mình một chiếc áo mới.

Lương Lâm Lâm (người Trung Quốc, đang sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội): Không ngừng phát triển

Mỗi lần đi qua hồ Hoàn Kiếm, tôi đều để ý bảng số thông báo còn bao nhiêu ngày nữa là đến ngày kỷ niệm. Tôi cũng để ý, trong thời gian này có rất nhiều người tổ chức đám cưới, đi đâu cũng thấy người ta chụp ảnh cưới, tôi nghĩa chắc 10 năm sau, khi 2 vợ chồng nhớ lại ngày cưới sẽ thật ý nghĩa. Tôi sống ở khu Mỹ Đình, tôi nhớ 5 năm trước khi tôi đến Hà Nội, đó chỉ là khu vực vắng vẻ, không có nhiều nhà cao tầng, nhưng trong những năm lại gần đây tôi đã chứng kiến những phát triển không ngừng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem