|
Bà Bông với một người em tàn tật. |
Trong kháng chiến chống Mỹ, 7 người trong gia đình tôi tham gia hoạt động cách mạng. Con sông Vực gần nhà tôi trở thành giới tuyến giữa ta và địch. Nhà tôi là nơi bộ đội trú quân. Tôi tham gia lo lương thực nuôi quân, làm liên lạc, chèo đò đưa đón bộ đội. Trong những ngày khói lửa ác liệt ấy, tình yêu giữa tôi và anh bộ đội tên Ty quê Thanh Hóa chớm nở với biết bao mộng mơ và hẹn ước.
Nhưng thời gian để tôi và anh gần nhau chỉ ngắn “tày gang tay” vì anh phải vào Nam chiến đấu. Trước khi cùng đồng đội lên đường, anh trao cho tôi một số giấy tờ tùy thân và tấm bằng đại học của mình cùng lời hẹn sẽ về tìm tôi khi hòa bình lập lại. Để đảm bảo bí mật, tôi cho toàn bộ những gì anh để lại vào lon sữa rồi chôn ở góc vườn, những lúc nhớ anh tôi đào lên xem. Chiến tranh gian khổ nên chúng tôi không có điều kiện thư từ cho nhau...
Ít lâu sau, địch bắt đầu dùng chất độc hóa học để hủy diệt khu vực bộ đội ta bám trụ. Hàng ngày, chúng xả chất độc thành những làn khói mờ đục có mùi hắc vào thôn. Cây cối trong vườn nhà tôi và cả thôn rụng lá rồi chết rụi.
Chiến tranh đi qua nhưng những hậu quả để lại hết sức đau xót. Mẹ tôi bắt đầu mắc chứng bệnh lạ. Một vết thương ở chân mẹ cứ lở ra rồi ăn đến tận xương chậu, một thời gian sau bà qua đời. Khi mẹ tôi qua đời cũng là lúc người em út tên Dư bắt đầu ngã bệnh.
Chân Dư co rút lại, đi lại hết sức khó khăn, nhưng gia đình đói khổ nên em vẫn phải lê lết cùng mọi người kiếm sống. Trong một trận lụt, Dư đi bắt cá rồi bị mắc kẹt trong cống thoát nước. Cha tôi vào cứu con và hai cha con đều chết kẹt trong đó.
Tôi trở thành “mẹ”, tần tảo làm lụng nuôi 3 người em trai còn lại. Nhưng đau thương vẫn không chịu buông tha. Ba đứa em của tôi đều mắc chứng bệnh lạ, chân không đi lại được, phải nằm liệt giường. Nhìn ba đứa bị bệnh tật hành hạ, tôi chỉ biết khóc. Nhà có hai con trâu, tôi phải bán để đưa chúng đi viện, nhưng bệnh viện bảo không chữa được, tôi phải đưa chúng về.
Tưởng rằng mất mát và đau thương đã lắng lại, nhưng mới đây, người em tên Hộ không chống chọi nổi với sự hành hạ của bệnh tật cũng đã qua đời. Bản thân tôi cũng đổ bệnh, các khớp chân và tay đau nhức. Bệnh này chưa qua thứ bệnh khác lại đến, tôi mắc thêm bệnh sỏi thận. Mấy năm trước, vì đau không chịu nổi, tôi chạy vạy được 150.000 đồng để đi viện, nhưng chỉ đủ tiền lo thủ tục chứ không mua được thuốc men gì...
Hai người em còn lại giờ tóc đã điểm bạc, nhưng hàng ngày tôi phải chăm lo như chăm những đứa trẻ lên 3. Nhưng những mất mát và sự cực nhọc không làm héo tàn tâm hồn tôi. Hàng ngày tôi lại đưa những di vật của người yêu ra xem. Dù những di vật dần bạc màu, mủn nát theo thời gian nhưng nó là nguồn động viên, đưa lại cho tôi niềm tin và nghị lực để sống. Tôi sẽ không gục ngã, vì hai người em, vì ngọn lửa tình yêu không lụi tàn…
Bùi Thị Bông, thôn 10, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế
An Sơn (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.