4 chiến thuật Liên Xô dùng để đánh lừa phát xít Đức: Độc đáo đến không ngờ!

Nguyễn Hoàng Thứ ba, ngày 12/07/2022 20:30 PM (GMT+7)
Tạo tài liệu giả, hoán cải máy kéo thành xe tăng hay sử dụng từ lóng là những biện pháp Hồng quân dùng để qua mặt lính Đức.
Bình luận 0

Khi phải đối mặt với lực lượng đông đảo, thiện chiến của phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Hồng quân Liên Xô đã luôn ứng biến nhanh nhạy với các tình huống thực tế và có những chiến thuật độc đáo để đánh lừa kẻ địch, giành lợi thế trên chiến trường. 

4 chiến thuật Liên Xô dùng để đánh lừa phát xít Đức: Độc đáo đến không ngờ! - Ảnh 1.

Một "xe tăng" được chế từ máy kéo của Liên Xô trong Thế chiến II. Ảnh: RBTH.

Máy kéo đóng giả xe tăng

Trong thời gian đầu của cuộc chiến, phát xít Đức đã khiến Hồng quân bất ngờ và phá hủy nhiều vũ khí, trang bị hạng nặng của họ, khiến lực lượng thiết giáp Liên Xô thiếu hụt khí tài nghiêm trọng.

Để bảo vệ thành phố Odessa trước cuộc tấn công của đối phương, các chiến sĩ Liên Xô nảy ra ý tưởng cải hoán máy kéo thành xe tăng. Những chiếc máy kéo được lắp thêm tấm giáp xung quanh, gắn một khẩu pháo cỡ nhỏ để biến thành một loại "xe tăng" đặc biệt.

Mặc dù những thiết bị trong trang trại được gắn súng không thể thay thế một cỗ máy chiến đấu bọc thép thực sự, việc 20 chiếc máy kéo bật đèn pha cùng lúc xuất hiện trong cuộc phản công vào giữa đêm khuya đã khiến lính Rumani sợ hãi và tháo chạy.

"Ban đầu máy kéo được Liên Xô sản xuất để có thể dễ dàng biến đổi thành xe tăng. Thực tế, bề rộng của máy kéo Liên Xô có kích thước tương đương với xe tăng quân đội. Khi bị những chiếc xe tăng kỳ lạ này tấn công bất ngờ, đối phương sẽ hoảng loạn và bỏ chạy. Vì vậy Hồng quân gọi những chiếc máy kéo này là "xe tăng NI" hay "Na Ispug", theo tiếng Nga là nỗi khiếp sợ", nhà sử học Yaroslav Listov giải thích.

Bắn tỉa từ trong lò nướng

4 chiến thuật Liên Xô dùng để đánh lừa phát xít Đức: Độc đáo đến không ngờ! - Ảnh 2.

Một nữ chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II. Ảnh: History.

Trong cuộc chiến tại thượng lưu sông Đông, các tay súng bắn tỉa của Liên Xô đã tiêu diệt toàn bộ một khẩu đội cối của Đức mà không hứng chịu thương vong nào.

Quân Đức đóng tại một hẻm núi được tăng cường các trạm kiểm soát. Đây là địa điểm có tầm quan sát tốt, được cho là có thể phát hiện và tiêu diệt mọi binh sĩ Liên Xô lại gần.

Tuy nhiên, lính bắn tỉa Hồng quân vẫn quyết định tấn công khẩu đội cối của địch. Để ngụy trang, hai lính bắn tỉa Liên Xô đã đốt cháy các vật dụng bằng gỗ tại một ngôi làng đã bị hỏa lực Đức phá hủy, rồi trốn trong lò nướng của một ngôi nhà gần đó.

Trong một buổi sáng, hai tay súng bắn tỉa đã tiêu diệt toàn bộ khẩu đội cối của Đức, trong khi chúng không thể phát hiện ra mình bị bắn từ trong một chiếc lò nướng nằm giữa một ngôi làng đang bốc cháy.

Tài liệu giả

Trong chiến dịch bao vây Leningrad, giới chỉ huy quân sự của Đức liên tục cử  điệp viên đến do thám thành phố và tin rằng đã thu thập tài liệu cần thiết nhất về các địa chỉ và đầu mối liên lạc để giúp chiến dịch thành công. Tuy nhiên đây chỉ là những tài liệu giả mạo do Liên Xô ngụy tạo để đánh lừa gián điệp phát xít.

Các quan chức Đức lúc đó không thể giải thích được tại sao người Nga phát hiện ra những điệp viên này dù đã làm giả hộ chiếu rất công phu như sử dụng loại giấy do Liên Xô thiết kế, mô phỏng cả màu sắc lẫn các dấu hiệu bí mật.

Sau chiến tranh, người Đức mới phát hiện được sai lầm ngớ ngẩn bởi họ đã dùng đinh ghim bằng thép không gỉ cho những cuốn hộ chiếu này, trong khi đinh ghim trong hộ chiếu thực sự của Liên Xô được làm bằng loại thép hay bị gỉ. Phản gián Nga đã phát hiện ra điều đó để vạch mặt điệp viên Đức.

Điện mật giả
4 chiến thuật Liên Xô dùng để đánh lừa phát xít Đức: Độc đáo đến không ngờ! - Ảnh 3.

Các binh sĩ liên lạc vô tuyến của Liên Xô thời Thế chiến II. Ảnh: RBTH.

Trong chiến tranh, các chuyên gia của quân đội Hitler có thể không gặp khó khăn trong việc giải mã nội dung các điện mật mà Hồng quân gửi cho lực lượng du kích. Tuy nhiên, nội dung những thông điệp được giải mã này có giá trị sử dụng hay không lại là một chuyện khác.

Phát xít Đức không thể ngờ rằng các nhóm du kích đã cố tình tạo ra các lỗi chính tả, sử dụng từ lóng hoặc từ đồng nghĩa trong quá trình trao đổi khiến các chuyên gia giải mã Đức phải đau đầu trong việc phán đoán kế hoạch của đối thủ. 

Thay vì nói thẳng xe tăng, máy bay và súng trường thì những chiến sĩ đánh tín hiệu của Liên Xô lại sử dụng những từ đồng nghĩa vốn rất phong phú trong tiếng Nga, đôi khi mang cả nghĩa thô tục, khiến đối phương hoàn toàn không có cơ hội nắm bắt được nội dung chính xác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem