Vương công Vlad III
Theo Live Science, Vlad III Dracula (1431 - 1476), hoàng tử ở thế kỷ 15 của xứ Wallachia (nay là Romania) còn đáng sợ hơn nhân vật ma cà rồng hút máu trong những câu chuyện lấy cảm hứng từ ông. Hoàng tử lớn lên ở Romania, nhưng dành nhiều năm ở Đế quốc Ottoman (tức Thổ Nhĩ Kỳ thời Trung cổ) với vai trò con tin chính trị của vua Murad II.
Vương công Vlad III thường cho đóng cọc xuyên qua người kẻ thù. (Ảnh: Wikipedia).
Dù Vlad III được những người giam giữ đối xử công bằng và truyền dạy nhiều kỹ năng chiến đấu, ông rất căm ghét người Ottoman. Một số sử gia cho rằng Vlad nghĩ ra hình thức tra tấn đáng sợ - đóng kẻ thù xuyên qua cọc - trong những năm tháng bị giam cầm ở Ottoman.
Một thời gian ngắn sau khi Vlad quay trở lại Wallachia, vua Murad II dẫn quân xâm lược tới. Khi bước vào thủ đô, Murad II bắt gặp một cảnh tượng ghê rợn: những tù binh người Ottoman bị đâm xuyên qua cọc, một biện pháp chiến tranh tâm lý mà Vlad sử dụng để làm kẻ thù mất nhuệ khí trong điều kiện binh lực có hạn.
Nữ bá tước Bathory
Nữ bá tước Bathory là một phụ nữ quý tộc sống ở thế kỷ 16. Với biệt danh Nữ bá tước Ma cà rồng, Bathory có thể đã sát hại hàng trăm cô gái trẻ.
Nữ bá tước Bathory đã sát hại hàng trăm cô gái trẻ. (Ảnh: Wikipedia).
Bathory thường dụ dỗ những cô gái nông dân trẻ tuổi và con gái của những người cấp vị thấp vào lâu đài để làm hầu gái hoặc học lễ nghi. Bà ta hoặc thuộc hạ tin cậy đánh đập, cắt xẻo và thậm chí cắn vào mặt những cô gái, sau đó bỏ mặc họ chết đói. Tương truyền, Bathory thường tắm trong máu của các nạn nhân và tin rằng việc này sẽ giúp bà ta duy trì vẻ ngoài trẻ trung. Hành động của Bathory chỉ chấm dứt khi lính canh bắt gặp bà ta đang tra tấn và giết người.
Dù tàn ác, nữ bá tước Bathory trải qua cái chết khá bình yên so với nhiều nạn nhân. Sau khi bị giam trong tòa tháp ở lâu đài của chính mình, năm 1614, Bathory kêu tay bị lạnh và qua đời vào sáng hôm sau.
Attila
Attila (406 - 453), có biệt danh "Ngọn roi của Thượng Đế", là Thiền vu, tức vua của Đế quốc Hung Nô. Những cuộc tấn công thường xuyên của ông vào thế kỷ thứ 5 góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Đế quốc La Mã.
Thiền vu Attila (người đeo vương miện) thường buộc đầu kẻ thù bại trận vào yên ngựa. (Ảnh: Wikipedia).
Attila hạ sát anh ruột là Bleda để độc chiếm ngôi vị Thiền vu. Khi nổi cơn thịnh nộ, ông thường buộc đầu kẻ thù bại trận vào yên ngựa. Trong thời kỳ trị vì, Attila đã biến hơn 70 thành phố thành đống tro tàn đổ nát, đồng thời gây ra cái chết cho một triệu người.
Attila chết trong ngày cưới. Theo sử gia Jordanes ở thế kỷ 6, Attila uống rất nhiều rượu trong ngày đại hỉ và bị chảy máu mũi. Ông say tới mức không nhận ra và chết ngộp trong máu của chính mình.
Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là một Khả hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. Dù được ca ngợi là một nhà quân sự lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới, đồng thời được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất, nhưng cũng bị mang danh là một vị tướng khát máu. Điển hình chính là ở cuộc chiến chinh phục đế quốc Khwarezmia.
hành Cát Tư Hãn từng tàn sát 4 triệu người Khwarezmia.
Bằng chính sách “ngay cả chó mèo cũng không được tha mạng”, Thành Cát Tư Hãn không chỉ xóa xổ toàn bộ đế quốc rộng lớn Khwarezmia trong chưa đầy 3 năm (từ 1218-1221), mà ông và quân đội của mình còn thảm sát không dưới 4 triệu người.
Theo sử sách, những thành phố mà quân đội Thành Cát Tư Hãn đi qua tại đế quốc hồi giáo này, thây người chất thành núi. Thậm chí, mỗi binh lính Mông Cổ còn được giao hẳn nhiệm vụ phải hành quyết ít nhất 50 người dân Khwarezmia.
Chưa thỏa mãn, Thành Cát Tư Hãn còn cho làm chệch hướng toàn bộ những dòng sông trên lãnh thổ Khwarezmia nhằm mục đích xóa sổ hoàn toàn đế quốc Khwarezmia khỏi bản đồ nhân loại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.