"Anh em nhà tôi đi học toàn lủi thủi chơi một mình. Bạn bè họ bảo bố tôi là kẻ giết người, chẳng ai chơi cùng", con của một người mang án oan nhớ lại quãng tuổi thơ.
Ông Khổng Văn Hậu, con trai của một trong 3 người mang án oan, chia sẻ trước khi biến cố xảy ra, gia đình ông thuộc dạng khá nhất xóm. Nhà có 6 con bò, 3 trâu, nhà lợp mái ngói... Thế nhưng, từ ngày người cha phải nhận bản án, kinh tế gia đình dần kiệt quệ.
Bản án oan và ánh mắt miệt thị của xã hội
Ông Hậu nói sau khi cha ngồi tù, mọi tài sản trong gia đình dần phải bán đi. Một phần vừa để duy trì sinh hoạt, một phần để mua đồ tiếp tế cho bố trong trại giam. Sau 2 năm, đồ đạc trong nhà không còn gì đáng giá.
Ngoài kinh tế, người thân của ông Khổng Văn Đệ còn phải chịu ánh mắt miệt thị từ nhiều người trong xã hội. "Từ ngày ông cụ đi tù, mấy anh em nhà tôi thất học. Xã hội họ nhiếc móc, kỳ thị...", ông Hậu tâm sự.
Người đàn ông kể hồi đó ông đến trường bị bạn bè lao vào xé rách 2 túi quần. Họ cho rằng có bố ngồi tù thì không nên đi học. "Thế là tôi phải bỏ dở khi đang học lớp 9".
Tuy nhiên, mất mát lớn nhất thời gian đó anh em ông Hậu phải chịu là nỗi đau mất mẹ. "Mẹ tôi mất vì tâm thần. Bệnh của bà xuất phát từ chính việc chồng bị bắt", ông Hậu nói và tâm sự hồi đó không đêm nào mẹ ông không khóc.
Cũng như ông Hậu, anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Thám) và Trần Xuân Kỳ (con trai ông Chinh) cũng trải qua những ngày tháng thơ ấu lao đao kể từ khi cha vướng lao lý.
"Ở căn nhà lá 3 gian lụp xụp khổ sở lắm. Gia đình chẳng có gì ăn, tiền cũng không có và hết 10 năm mới trả được nợ. Hôm nào mẹ mà đi gửi đơn, vắng nhà là mấy anh em chỉ biết ăn củ khoai, củ sắn", anh Mạnh kể lại tuổi thơ khốn khó của mình.
Tiếp lời anh Mạnh, anh Kỳ trải lòng: "Anh em nhà tôi đi học toàn lủi thủi chơi một mình. Bạn bè họ bảo bố tôi là kẻ giết người, chẳng ai chơi cùng. Có hôm mẹ đi chợ về được yến gạo với vài mớ rau, bị người ta trộn cát sỏi vào đó, có ăn được đâu".
Gia đình có chị gái làm giáo viên, anh Kỳ tâm sự nhiều người từng dè bỉu nói: "Họ bảo gia đình như vậy thì dạy được ai".
Ăn củ sắn, ngủ gầm cầu đi tìm công lý
Sau khi vụ án được làm sáng tỏ, 3 gia đình mang án oan bắt đầu hành trình tìm công lý. "Mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 2-3 ngày, bố con tôi lại xuống Hà Nội. Khi đi chỉ mang theo mấy củ sắn, củ khoai cuộn trong lá chuối khô", con trai ông Chinh nhớ lại.
Anh nói để tới Hà Nội những ngày đó không có tàu khách như bây giờ mà phải đi tàu chợ. Tới Ga Yên Viên (Gia Lâm), do không có tiền, 2 bố con lại lếch thếch đi bộ từ đó vào trung tâm thành phố.
"Tôi nhớ mãi có những hôm phải ngủ dưới gầm cầu chẳng đủ quần áo, nằm ngủ mà rét run. Những lúc như vậy, hai bố con chỉ biết động viên nhau để cố mà trụ lại", con của người mang án oan chia sẻ.
Suốt hàng chục năm trời, tới năm 2017, những lá đơn kêu oan của 3 gia đình mới nhận được hồi âm từ các cấp chính quyền.
Ngày 9/10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, UBND xã Đồng Thịnh, tổ chức buổi xin lỗi và cải chính công khai với 3 gia đình.
Tới ngày 20/3, gia đình ông Đệ và ông Thám mới nhận được quyết định đình chỉ vụ án của VKS.
Và sau 4 thập kỷ, 3 người đàn ông mới chính thức được hàm oan. "Sau buổi xin lỗi công khai, người dân xung quanh họ mới thôi xì xào. Và từ đó, tư tưởng của gia đình mới nhẹ bớt phần nào", anh Trần Xuân Kỳ chia sẻ.
Đến nay, gia đình ông Khổng Văn Đệ đã thương lượng lần cuối với VKSND tỉnh Vĩnh Phúc. Số tiền bồi thường 2 bên thống nhất là hơn 1,1 tỷ đồng.
Nói về quyết định này, con dâu ông Đệ nói: "Số tiền đó chưa thể bù đắp những thiệt thòi cha tôi phải chịu đựng suốt từng đấy năm. Tuy nhiên, nếu gia đình theo kiện, vụ việc sẽ bị kéo dài nhiều năm nữa".
Liên quan vụ việc, gia đình ông Chinh đòi bồi thường hơn 12,6 tỷ đồng, ông Thám là 25 tỷ đồng. Do 2 gia đình không hài lòng với số tiền đền bù VKS đưa ra nên họ cho biết sẽ khởi kiện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc ra tòa.
Tháng 3/1980, các ông Khổng Văn Đệ, Trần Ngọc Chinh và Trần Trung Thám bị cáo buộc liên quan tới vụ sát hại Bí thư Chi bộ thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Gần 3 tháng sau, ông Thám qua đời, 2 người còn lại tiếp tục bị giam giữ.
Năm 1983, hung thủ giết người đã nhận tội. Lúc này, ông Đệ và ông Chinh được tại ngoại nhưng không nhận được lời xin lỗi hay cải chính công khai từ cơ quan tố tụng.
Tới tháng 10/2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức buổi xin lỗi công khai với gia đình ông Đệ, Chinh và Thám. Tuy nhiên, những bất đồng trong việc thỏa thuận số tiền đền bù khiến vụ việc chưa thể khép lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.