5 lần Chiến tranh Lạnh suýt trở thành chiến tranh hạt nhân

Thứ sáu, ngày 22/09/2023 12:32 PM (GMT+7)
Do căng thẳng hoặc sai lầm, trong lịch sử, nhiều lần nhân loại cận kề bờ vực chiến tranh hạt nhân, sự hủy diệt lẫn nhau suýt trở thành hiện thực.
Bình luận 0

Trong Chiến tranh Lạnh, "khủng hoảng" có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì mỗi thời điểm xung đột chính trị đều làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, dẫn đến sự diệt vong của nền văn minh nhân loại. Dưới đây là 5 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong Chiến tranh Lạnh, theo trang National Interest.

Năm lần Chiến tranh Lạnh suýt trở thành chiến tranh hạt nhân - Ảnh 1.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vì lý do khác nhau, nhiều lần nhân loại cận kề bờ vực chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Nguồn: shutterstock metro.co.uk

Berlin 1961

Năm 1961, Ngoại trưởng Dean Rusk nói rằng, mỗi khi đi ngủ, ông cố gắng không nghĩ về Berlin. Các đơn vị đồn trú của phương Tây ở thủ đô bị chia cắt của nước Đức, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, điểm thần kinh tiếp xúc của phương Tây và Đông Âu. Tháng 10/1961, vài tháng sau khi Bức tường Berlin được xây dựng, một nhà ngoại giao Mỹ đã cố gắng vượt qua "Trạm kiểm soát Charlie" để vào Đông Berlin.

Cảnh sát Đông Đức mà Mỹ không công nhận có thẩm quyền, đã yêu cầu xuất trình giấy tờ. Nhà ngoại giao Mỹ từ chối, và sau đó, quay lại với chiếc xe jeep cùng binh lính. Một lần nữa, cảnh sát Đông Đức yêu cầu ông ta phải tuân theo yêu cầu của họ thì người Mỹ điều xe tăng đến. Sau khi được cảnh báo về tình hình, Liên Xô cũng điều xe tăng của mình đến.

Trong ba ngày, binh sĩ Mỹ và Liên Xô nhìn gườm gườm vào họng súng của nhau trên đường phố Berlin. Cuối cùng, người Mỹ lặng lẽ đề xuất Liên Xô không để giọt nước tràn ly bằng cách rút xe tăng và cả hai bên đã làm như vậy. Cuộc khủng hoảng đã qua, nhưng cho đến năm 1989, Tây Berlin vẫn là một tiền đồn của phương Tây giữa khối các nước Cộng sản.

Cuba 1962

Cuộc khủng hoảng Cuba đã được biết đến nhiều và không cần phải kể lại. Như tại Berlin một năm trước đó, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đối mặt với nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và một lần nữa các siêu cường lại "nhãn cầu đối mắt". Khrushchev đã tính toán sai một cách tồi tệ khi muốn giành được lợi thế chiến lược nhanh chóng không chỉ trước Kennedy mà còn đối với quân đội của chính mình, những người phản đối quan điểm của ông rằng tên lửa có thể thay thế con người.

Mặc dù Kennedy đồng ý với một thỏa thuận bí mật loại bỏ các tên lửa tương tự của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Khrushchev đã bị bẽ mặt, và khủng hoảng Cuba đã bị lợi dụng để chống lại ông, kết quả là ông bị phế truất khỏi Điện Kremlin hai năm sau đó. Nếu người Mỹ tiến hành kế hoạch ném bom các địa điểm đặt tên lửa của Cuba, thì điều đó gần như chắc chắn sẽ có nghĩa là châm ngòi chiến tranh hạt nhân - cánh tả yêu mến Fidel Castro khuyến khích Liên Xô tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân nếu Cuba bị xâm lược.

Việt Nam 1965

Tháng 11/1965, Lyndon Johnson được cho là nổi cơn thịnh nộ tại một cuộc họp với các Tham mưu trưởng Liên quân, những người muốn ông ta mở rộng hơn cuộc can thiệp mới tại Việt Nam. Johnson đã thề với họ theo quan điểm của ông, sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh hạt nhân đối với Việt Nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ, cuối cùng, những cuốn hồi ký bị kiểm duyệt trước đây của Anastas Mikoyan - một đồng minh chính trị của Khrushchev - đã được xuất bản ở Nga.

Theo Mikoyan, cũng từ năm 1965: Bộ Tổng tham mưu Liên Xô tức giận trước cuộc ném bom của Mỹ vào Việt Nam và hành động trước đó của họ ở Cộng hòa Dominica, đã đề nghị tăng áp lực lên... Berlin. Theo Mikoyan, quan điểm của giới quân sự đã làm "chao đảo" ông ta và các nhà lãnh đạo dân sự Liên Xô đã nhanh chóng dập tắt ý tưởng này. Cả hai bên đều mong muốn làm cho Việt Nam trở thành một cuộc chiến lớn hơn, thật may mắn là mùa xuân năm 1965 đã không trở nên nóng hơn nhiều so với trước đó.

Trung Đông 1973

Sau thất bại trừng phạt trong Chiến tranh 6 ngày giữa Arab và Israel năm 1967, người Ai Cập tìm cách lập lại hòa bình. Năm 1973, Ai Cập - lúc đó là một quốc gia khách hàng của Liên Xô và đứng về phía Liên Xô ở Trung Đông - đã thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngay từ đầu Chiến tranh Yom Kippur. Mặc dù người Ai Cập và các đồng minh của họ đã đạt được những thắng lợi đáng kể, nhưng người Israel đã định thần để phản công, bao vây và đe dọa tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Kissinger nổ lực hãm phanh người Israel, Điện Kremlin đã cố gắng cứu những người bạn Ai Cập của mình bằng giải pháp mới là can thiệp quân sự chung giữa Mỹ và Liên Xô để cách ly các bên tham chiến, nhưng Washington từ chối. Ban lãnh đạo Liên Xô sau đó đe dọa sẽ đơn phương can thiệp, gửi cho Tổng thống Nixon một thông điệp mà Kissinger sau này coi là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với Nhà Trắng từng được gửi từ Moscow.

Cuối năm 1973, thế Nixon đã suy yếu do cơn lốc bê bối và chưa đầy một năm sau khi từ chức, điều này có thể đã thúc đẩy động thái quyết liệt của Liên Xô. Tuy nhiên, Kissinger và nhóm Nhà Trắng đã phản ứng bằng cách đưa quân đội Mỹ, bao gồm cả các lực lượng hạt nhân chiến lược, vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Có thể là Liên Xô đã lừa dối khi một cựu cố vấn của Liên Xô đã phủ nhận có bất kỳ kế hoạch điều quân nào của Liên Xô lúc đó.

Sau đó, người Liên Xô đã bỏ ý định này, và vài tuần sau, người Mỹ lặng lẽ bãi bỏ tình trạng sẵn sàng cao. Nếu các lực lượng Liên Xô tiến vào khu vực và kết thúc trong một cuộc chiến nổ súng với người Israel, mọi thứ sẽ rất khác - không thể nói về những gì có thể xảy ra nếu nhà lãnh đạo Israel Golda Meir không cấm lựa chọn sử dụng chính kho vũ khí hạt nhân của Israel.

Châu Âu 1983

Lần cuối cùng đã xảy ra một cách tình cờ và công chúng không biết về nó trong nhiều thập kỷ, kể cả hầu hết các đồng minh NATO của Mỹ, mặc dù họ có tham gia. Năm 1983, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô lạnh nhạt như chưa từng có, chính quyền của Tổng thống Reagan thúc đẩy một chính sách đối đầu cứng rắn và nhà lãnh đạo Liên Xô Andropov (cựu lãnh đạo KGB theo đường lối cứng rắn) và phe đảng trong Điện Kremlin ngày càng không khoan nhượng. Đó là một năm căng thẳng, từ bài phát biểu về "đế chế độc ác" của Reagan vào tháng 3 đến vụ Liên Xô bắn rơi một máy bay dân dụng vào tháng 9.

Tháng 11/1983, Mỹ và NATO đã tiến hành một cuộc tập trận mang mật danh "ABLE ARCHER" nhằm kiểm tra các kênh thông tin liên lạc giữa Bắc Mỹ và châu Âu trong quá trình chuyển đổi từ các chiến dịch thông thường sang hạt nhân trong Thế chiến III giả định. Mặc dù các bức điện của NATO đã được mã hóa, mọi thông điệp đều bắt đầu bằng "Tập trận" ("Exercise"), điều mà các nhà lãnh đạo của Mỹ và NATO cho rằng Liên Xô có thể nhận ra.

Tuy nhiên, các sĩ quan tình báo Mỹ sớm nhận ra rằng, Liên Xô đang phản ứng với ABLE ARCHER như thể họ đang thực sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên của NATO. Mặc dù các chiến lược gia Liên Xô thường viết về khả năng Mỹ có thể phát động chiến tranh với lý do tập trận - theo tư duy cổ điển - nhưng không ai nghiêm túc hiểu Điện Kremlin tin rằng phương Tây sẽ bắt đầu cuộc chiến tranh từ đâu, và chắc chắn không gặp bất lợi lớn về quân số và vũ khí.

Phản ứng của Liên Xô (lần đầu tiên được phát hiện bởi người Anh trong quá trình tập trận) đã khiến người Mỹ cảnh báo phản ứng phi lý thái quá của Liên Xô trước một trò chơi chiến tranh. Reagan đã rút ra một bài học từ năm 1983 và đặc biệt từ ABLE ARCHER là đã đến lúc phải tiếp cận và tiếp xúc với Điện Kremlin, nơi mà các chủ nhân của nó sợ hãi và bất an hơn bất cứ ai cho đến thời điểm đó.

Mỗi một cuộc khủng hoảng này đều có thể dẫn đến một sự bùng nổ chiến tranh toàn cầu. Các cuộc khủng hoảng trước đó (như Phong tỏa Berlin năm 1948 hay cuộc tấn công Triều Tiên năm 1950) có thể dẫn đến chiến tranh, nhưng chúng diễn ra trước khi các siêu cường phát triển kho dự trữ tên lửa hạt nhân xuyên lục địa khổng lồ. Hy vọng, hơn 30 năm sau cuộc khủng hoảng Chiến tranh Lạnh, các cường quốc hạt nhân sẽ không đánh cược với an ninh và hòa bình quốc tế.

PV (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem