Bánh gio Đa Mai (phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang) được làm từ gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước tro đốt từ cây dền gai và vỏ bưởi phơi khô, sau đó hòa nước vôi trong với tỷ lệ hợp lý.
Bánh được gói bằng lá dong, luộc trong 5 - 6 giờ. Khi chín, bánh gio Đa Mai có màu hổ phách, chấm cùng mật tạo vị ngọt thanh mát, dễ ăn và có lợi cho đường tiêu hóa.
Bánh đa Kế
Bánh đa Kế (phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang) có kích thước lớn hơn các loại bánh đa thông thường. Nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh đa ngon là bột được xay từ gạo ngon trộn với gấc chín. Để làm bánh, người ta rải một lớp bột mỏng lên phên tre, rắc vừng và lạc giã dập lên mặt bánh và phơi khô. Khi ăn, người ta nướng bánh đa Kế trên bếp than hoa sao cho bánh chín đều và thơm.
Bánh đúc Đồng Quan
Làng Đồng Quan (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) có nghề nấu bánh đúc lâu đời. Để nấu được những tấm bánh trắng ngần, khi cầm không dính tay, người ta phải chọn loại gạo tẻ ngon, ngâm rồi xay thành bột và hòa cùng nước vôi trong; trước khi đổ bột vào nồi, cần tráng qua một lớp mỡ, sau đó quấy đều tay cho bột không bị vón cục hay khê, bén.
Cuối cùng, bắc ra và rắc lạc luộc, dừa xát mỏng lên trên. Khi bánh nguội, người ta đổ bánh ra mẹt lót lá chuối tươi và cắt thành từng miếng nhỏ để thưởng thức cùng tương bần.
Bánh vắt vai Lục Ngạn
Cũng giống như bánh chưng, bánh tét của người Kinh, bánh vắt vai được đồng bào dân tộc Cao Lan ở huyện Lục Ngạn làm để dâng cúng tổ tiên trong dịp lễ tết. Bánh được chế biến qua nhiều khâu xay bột nếp, luộc lá ngải cứu trong nước vôi trong để khử vị đắng, nghiền nhỏ và trộn cùng bột nếp để làm vỏ. Nhân bánh gồm đậu xanh xào đường. Sau khi nướng lá chuối non cho dậy mùi, người ta gói bánh và luộc khoảng 2 tiếng cho bánh chín rồi thưởng thức.
Bánh hút Lục Ngạn
Bánh hút là đặc sản của vùng Lục Ngạn, được làm từ bột gạo nếp, rau cải canh và mật mía. Sau khi rửa sạch, giã nhỏ rau, người ta vắt lấy nước, nhào với bột gạo nếp rồi nặn như bánh trôi. Bánh được rán trong chảo dầu nóng cho chín vàng rồi thả vào nồi mật mía đun nhỏ lửa bên cạnh để tự hút mật vào bên trong (vì vậy mới có tên “bánh hút”). Cuối cùng là vớt bánh rồi lăn qua một lớp bột gạo nếp để mật không chảy ra ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.