Nếu theo dõi Tây Du Ký bản truyền hình, các khán giả sẽ dễ dàng nhận ra rất nhiều các loại yêu quái thần thông quảng đại, sức mạnh phi thường đều chỉ là hàng... thú cưỡi của các nhân vật "máu mặt" trong hai phái Phật và Đạo. Ấy thế mà không ít trong số chúng đã từng xém chút là lấy được cái mạng của Tôn Ngộ Không, đến mức Tề Thiên Đại Thánh phải cầu cứu đến cả thiên binh vạn mã, mời cả chủ nhân của chúng đến mới có thể thu phục. Ngày nay chúng ta hay gọi đùa đó là các thành phần "con ông cháu cha".
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên có rất ít người biết rằng trong tất cả các loại thú cưỡi đủ mọi giống loài ấy, chỉ có khá ít cái tên được công nhận là Thần Thú. Không những pháp lực cao cường mà xuất thân cũng muôn phần cao quý.
Bạch Long Mã
Tiểu Bạch Long gốc tên là Quảng Tấn, con trai của Tây Hải Long Vương, ngày trước là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Cung, do có xích mích với cha mà làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng Đế tặng nên đáng lẽ bị tội chết. May thay, Quan Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra.
Rõ ràng xuất thân của Tiểu Bạch Long là cao quý, cũng có chút dòng dõi trâm anh thế phiệt tuy nhiên danh hiệu Thần Thú của hắn lại cần phải giải thích tỉ mỉ một chút. Có một lần Ngộ Không nói với sư phụ mình rằng, thân thể người phàm tuy yếu đuối nhẹ nhàng, nhưng khí chất phàm trần lại nặng như Thái Sơn. Tất cả các thú cưỡi thông thường đều không thể cõng được người phàm, thậm chí ngay cả tam đại đồ đệ pháp lực cao cường, có đạo khí của thần tiên nhưng cũng đều chưa cõng nổi sư phụ của mình một lần cho ra trò. Trong khi đó, Tiểu Bạch Long phò tá Đường Tăng suốt ngần ấy năm, luôn tận tâm chăm chỉ, không ít lần hiện nguyên hình trợ lực, phẩm chất Thần Thú vốn không có gì phải bàn cãi nữa.
Tứ Bất Tượng
Tứ Bất Tượng (dân gian còn hay gọi là Kỳ Lân) là thú cưỡi của Nguyên Thủy Thiên Tôn, là sự kết hợp đặc điểm của bốn loại Thánh Thú - nghe thôi đã thấy cả một bầu trời khí chất rồi. Trong Tây Du Ký, từ thời Bàn Cổ sơ khai, mọi loài động vật đều nằm dưới sự cai quản của Tứ Bất Tượng, xét về thế lực, pháp lực, địa vị thì đều đã đứng trên vạn vật.
Nếu như những thú cưỡi tầm trung đã có pháp lực cao cường thì với Tứ Bất Tượng - kẻ ngày ngày đi theo một vị thần có quyền lực lớn như Nguyên Thủy Thiên Tôn, lại có khả năng khiến muôn loài nhất nhất nghe lệnh thì bản lĩnh thực chiến của nó sợ rằng, còn có thể trấn áp nhiều vị thần tiên khác.
Cửu Linh Nguyên Thánh
Chủ nhân của Cửu Linh Nguyên Thánh là Cửu Thiên Cứu Khổ Thiên Tôn, hay còn được gọi là Thái Ất Thiên Tôn - người tạo ra thế giới Đông Phương Cực Lạc. Bản lĩnh của Cửu Linh Nguyên Thánh đã được chứng nhận trong Tây Du Ký, chỉ gầm một tiếng cũng khiến Tôn Ngộ Không phải bỏ chạy, Trấn Nguyên Tử Đại Tiên cũng phải kiêng nể một phần.
Cửu Linh Nguyên Thánh - con sư tử 9 đầu chỉ cần gầm một tiếng cũng khiến Tôn Ngộ Không co giò bỏ chạy
Tị Thủy Kim Tinh Thú
Tị Thủy Kim Tinh Thú xuất hiện ở kiếp nạn Hỏa Diệm Sơn. Nếu để đánh giá xếp hạng thì trong mắt của rất nhiều người, Tị Thủy Kim Tinh Thú thứ hai thì không một Thần Thú nào dám đứng thứ nhất. Thần Thú này có dáng vẻ của Kỳ Lân, với miệng rồng, đầu sư tử, vẩy cá, đuôi trâu, vuốt hổ, sừng hươu. Toàn thân màu đỏ nung, có thể cưỡi mây và bơi dưới nước.
Chỉ một chi tiết rất nhỏ nhưng nếu móc nối nhiều truyền thuyết - thần thoại khác nhau sẽ thấy rõ Tị Thủy Kim Tinh Thú không phải là một thú cưỡi đơn thuần
Tất cả các đặc điểm này đều rất giống với Thần Thú Tổ Long bị mất tích trong trận chiến thời thượng cổ. Tổ Long rất có thể thông qua năng lực của Niết Bàn mà lại xuất hiện trở lại và đã từng khiến Tôn Ngộ Không yêu thích đến mức... cướp đi từ tay của Ngưu Ma Vương. Với đôi mắt tinh tường của Tôn Ngộ Không, những thú cưỡi bình thường chắc chắn không thể lọt vào mắt thần của Đại Thánh cho được.
Ác Ô Quy
Ác Ô Quy là một con rùa trong nhà của Quan Âm, Châu Văn Vương từng dùng nó để xem bói, Phục Hi từng chơi đùa với nó ở đình đài, nên hiển nhiên nó là một con rùa từ thời Thượng Cổ. Trong nguyên tác có viết về Ác Ô Quy: "Bên trong biết rõ chuyện trời đất, cất giấu trong mình quỷ thần cơ", ấy vậy mà Tôn Ngộ Không đã từng coi thường, cho rằng đó chỉ là một con rùa bình thường.
Ác Ô Quy cũng chính là kiếp nạn cuối cùng trên con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng
Thực tế Ác Ô Quy không những hơn hẳn Ngộ Không về năng lực mà về pháp lực cũng mạnh hơn rất nhiều lần. Để minh chứng cho điều này chúng ta có thể nhớ lại chi tiết về Bình Tịnh Thủy của Quan Âm Bồ Tát - có chưa đầy nước của một biển, Tôn Ngộ Không không những không cầm nổi mà còn chẳng thể khiến bình nhúc nhích lấy một phân, còn Ác Ô Quy thì lại có thể làm điều đó dễ dàng. Ngoài ra nếu xét về tốc độ thì Ác Ô Quy chỉ cần một cái nháy mắt để vượt tứ hải, Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không có nhằm nhò gì?
Chao ôi, Tôn Ngộ Không một đời tự hào là Tề Thiên Đại Thánh nhưng xét riêng về pháp lực thì còn đứng sau cả... thú cưỡi như thế này đây.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.