Hàng trăm sinh viên Iran xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran ngày 4/11/1979
Cho rằng Đại sứ quán Mỹ là một “ổ tình báo” các nhân viên ở đây đều làm việc cho CIA, ngày 4.11.1979, khoảng 500 sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào rồi khống chế 66 người Mỹ làm con tin và đưa ra yêu sách.
Cùng thời điểm, cách đó 9 múi giờ, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho rằng chính phủ Iran sẽ sớm dẹp được vụ chiếm đóng như họ từng làm với sự vụ tương tự vào tháng 2 năm đó. Nhưng vài ngày sau đó, chính phủ lâm thời Iran sụp đổ. Phải mấy tháng nữa vị tổng thống Mỹ mới biết ai thực sự đang cầm quyền ở Iran, và 444 ngày sau đó các con tin mới được trở về nhà.
Trong suốt hơn 14 tháng đó, người Mỹ hiểu ra rằng hàng triệu người Iran không ưa chính phủ Mỹ. Như lời các sinh viên đã nói, cuộc đảo chính do CIA cầm đầu năm 1953 đã lật đổ nhà lãnh đạo Mohammed Mossadeq rồi thay thế bằng Shah, một nhà lãnh đạo độc tài bù nhìn của phương Tây.
Vài tuần trước khi xảy ra vụ khống chế tại Đại sứ quán Mỹ, Shah đã chạy khỏi Iran và được Tổng thống Carter cho sang Mỹ chữa bệnh. Các sinh viên tin rằng đó là bằng chứng người Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính khác.
Tập hợp đằng sau giáo sĩ Ayatollah (Đại giáo chủ) Khomeini, người có cái nhìn lãng mạn về một Iran được giải thoát khỏi ảnh hưởng từ phương Tây, các sinh viên đòi Mỹ giao trả cựu hoàng Shah để ông này phải ra hầu tòa. Các sinh viên cũng đòi Mỹ giải phóng các tài sản bị đóng băng của Iran và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Giáo chủ Khomeini từ chối mọi lời kêu gọi thả tự do cho con tin, ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu chấm dứt cuộc khủng hoảng trong một cuộc bỏ phiếu được toàn bộ thành viên nhất trí. Nhưng 2 tuần sau khi chiếm đóng Đại sứ quán, Khomeini đã bắt đầu thả những con tin không phải người Mỹ, những phụ nữ và người dân tộc thiểu số quốc tịch Mỹ. 52 người còn lại bị giam giữ suốt 14 tháng sau đó.
Sứ mệnh giải cứu toàn vận đen
Hình ảnh các nhân viên sứ quán Mỹ bị bịt mắt và khống chế gây ra làn sóng giận dữ ở nước Mỹ và tạo áp lực đòi chính phủ Mỹ phải hành động quyết liệt. 8 ngày sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Tổng thống Carter yêu cầu Lầu Năm góc lên kế hoạch giải cứu.
Một nhân viên Mỹ bị bịt mắt và đưa ra trước máy quay làm Mỹ mất mặt
Kịch bản của chiến dịch mang tên Móng vuốt đại bàng sẽ là: 8 trực thăng của Hải quân Mỹ sẽ bay từ căn cứ USS Nimitz của Mỹ trên biển Ả-rập đến “Sa mạc 1”, tức một vùng bí mật ở miền trung Iran mà CIA lựa chọn. Tại đây, họ sẽ gặp lực lượng biệt kích Delta trên 3 chiếc máy bay vận tải C-130 bay từ Oman đến.
3 chiếc C-130 khác chở 18.000 gallon nhiên liệu trực thăng cũng sẽ phải hạ cánh tại Sa mạc 1. Tám chiếc trực thăng của Hải quân sẽ nạp nhiên liệu ở đó và đưa lực lượng Delta đến “Sa mạc 2”, tức một địa điểm khác cách thủ đô Tehran 50 dặm về phía nam. Tại đây, họ sẽ giấu các trực thăng và ẩn náu suốt 1 ngày.
Sang đêm thứ hai, lực lượng Delta sẽ lên 6 chiếc xe tải do các nhân viên CIA người Iran lái để đến Tehran, xông vào Đại sứ quán Mỹ rồi giải cứu các con tin và đưa tất cả đến một sân bóng gần đó. Các trực thăng của Hải quân Mỹ sẽ đón họ để đưa về Sa mạc 2.
Sau đó, các trực thăng Hải quân đến đón các con tin và lực lượng Delta rồi đưa đến phi trường Manzariyeh, cách Tehran 60 dặm về phía tây nam. Phi trường này được cho là tạm thời an toàn. Sau đó, tất cả mọi người sẽ lên các máy bay C-141 để sang Ai Cập.
Nhưng kế hoạch không diễn ra suôn sẻ như vậy. Móng vuốt đại bàng chỉ tiến hành được đến Sa mạc 1 thì trục trặc. Vào đêm 24.4.1980, trận bão cát khiến một trong 8 chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ phải quay đầu về, và một chiếc khác gặp nạn trong lúc hạ cánh.
Chiến dịch giải cứu của Mỹ thất bại khi 2 trực thăng bị hỏng vì bão cát và một trực thăng đâm vào máy bay chở nhiên liệu
6 chiếc trực thăng còn lại hạ cánh xuống Sa mạc 1 nhưng một chiếc trong đó gặp trục trặc thủy lực. Chỉ còn 5 chiếc hoạt động, chỉ huy chiến dịch quyết định hủy kế hoạch. Nhưng đó mới thực sự là lúc rắc rối bắt đầu.
Khi các máy bay Mỹ chuẩn bị rút đi, một chiếc trong số đó đâm vào chiếc C-130 chở nhiên liệu và quân lính, phá hủy chiếc máy bay và khiến 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Trong cơn hoảng loạn sau đó, tất cả những máy bay còn lại bị bỏ rơi, chứ không bị phá hủy, rồi sau đó trở thành tài sản của Iran (một số vẫn còn phục vụ trong Hải quân Iran cho đến ngày nay).
Chiến dịch Móng vuốt đại bàng sụp đổ hoàn toàn, khiến Mỹ mất mặt với cả thế giới và cũng đóng góp cho thất bại của Tổng thống Carter trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980.
Xảy ra chưa đầy 1 thập kỷ sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam, chiến dịch Móng vuốt đại bàng bị coi là một bằng chứng nữa cho thấy nước Mỹ chỉ là “gã khổng lồ đáng thương” với gánh nặng là một quân đội thiếu năng lực.
Các con tin được trả tự do vào ngày Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1/1981. Một ngày sau, các con tin được đưa đến căn cứ của Không quân Mỹ ở Tây Đức
Ba tháng sau khi xảy ra vụ khủng hoàng, cựu hoàng Iran qua đời vì ung thư ở Ai Cập, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của các trung gian người Algeria, Mỹ và Iran có các cuộc đàm phán thành công.
Vào ngày diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ giải phóng gần 8 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Iran, và các con tin đã được trao trả sau 444 ngày.
Mãi đến cuối năm 2015, Mỹ thông qua một đạo luật bồi thường cho mỗi nạn nhân của cuộc khủng hoảng 4,4 triệu USD. Khoản bồi thường được cho là trích từ số tiền phạt 9 tỷ USD đối với ngân hàng Pháp Paribas vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran, Sudan và Cuba.
____________
Đón đọc bài tiếp theo vào 19h ngày 10.9: Chặn máy bay để bắt kẻ cướp tàu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.