6 bộ lạc nguyên thủy chạm trán người ngoài và kết cục đẫm máu

Đăng Nguyễn - CNN Thứ sáu, ngày 23/11/2018 14:55 PM (GMT+7)
Không ít lần các bộ lạc nguyên thủy còn sót lại trên Trái đất chạm trán với người hiện đại và kết cục thường không mấy tốt đẹp.
Bình luận 0

img

Bộ lạc Sentinel giương cung bắn khi quan chức Ấn Độ dùng trực thăng đi thị sát hòn đảo.

Theo CNN, thanh niên người Mỹ John Allen Chau, 27 tuổi, mới đây bị sát hại khi cố gắng truyền đạo cho thành viên bộ lạc Sentinel ở Ấn Độ. Đây là bộ lạc nổi tiếng giết người ngoài xâm nhập và không hề liên hệ với thế giới bên ngoài.

Nhưng Sentinel không phải bộ lạc duy nhất tỏ ra hung hãn với người đến từ thế giới bên ngoài. Đa số các bộ lạc này sống ở rừng rậm Amazon, số khác ở New Guinea, trong các khu vực biệt lập.

“Đôi khi họ nhớ đến những lần thảm sát, gieo rắc bệnh dịch… nên họ có lý do để không chào đón người ngoài và không muốn hòa nhập với thế giới bên ngoài”, chuyên gia Jonathan Mazower nói trên CNN.

Bộ lạc Sentinel

Thanh niên John Chau không phải người duy nhất là nạn nhân của bộ lạc Sentinal. Bộ lạc nguyên thủy “thấy người lạ là giết này” không tha bất cứ ai đặt chân lên hòn đảo biệt lập mà họ sinh sống.

Năm 2006, hai người câu cá bị sóng đánh dạt vào hòn đảo và bỏ mạng dưới tay bộ lạc Sentinel. Năm 2004, quan chức Ấn Độ dùng trực thăng đi khảo sát tình trạng của hòn đảo và bị người Sentinel bắn tên xua đuổi.

Các chuyến thám hiểm những năm 1980 và 1990 đều kết thúc không mấy tốt đẹp. Người ta không dám đến gần hòn đảo kể từ đó. Chính phủ Ấn Độ ngày nay cấm không cho bất kỳ ai tiếp cận với người Sentinel, để bảo vệ môi trường sống của họ, cũng như tránh khả năng xảy ra đụng độ đẫm máu.

Bộ lạc Kawahiva

Bộ lạc này sống du mục ở Brazil và những dấu vết công cụ, nhà cửa là bằng chứng duy nhất mà người ta từng biết về sự tồn tại của họ.

Năm 2013, chính phủ Brazil có cơ hội gặp gỡ bộ lạc Kawahiva và quay video về họ. Trong video, thành viên bộ lạc đi bộ trong tình trạng khỏa thân, tay cầm cung tên.

img

Đàn ông bộ lạc Kawahiva khỏa thân trong video.

Số lượng người Kawahiva giảm mạnh vì sự xâm lấn của những kẻ phá rừng, đào vàng trang bị vũ khí hiện đại. Nhưng người Kawahiva cũng không ít lần dùng cung tên bắn chết những kẻ xâm lấn và bỏ xác lại trong rừng.

“Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng vì các bộ lạc nguyên thủy ở Brazil sớm muộn không còn đất sống”, Mazower nói.

Bộ lạc Javary

Hồi tháng 8, người ta lần đầu tiên ghi lại hình ảnh của bộ lạc Javary sống ở thung lũng cùng tên. “Không phải họ chưa từng liên hệ với thế giới bên ngoài. Họ đã gặp nhiều người bộ lạc khác, cũng như những kẻ tiếp cận với mưu đồ xấu”, Evan Killick, một chuyên gia nhân chủng học nói.

“Lý do họ sống biệt lập là vì một quãng thời gian dài đụng độ đẫm máu với người ngoài và đất đai không ngừng bị người hiện đại xâm lấn”.

Bộ lạc Xinane

Không giống như các bộ lạc nguyên thủy khác, người Xinane chủ động đến các ngôi làng lân cận xin đồ ăn. Các quan chức Brazil nhìn thấy họ mang theo cả súng trường, có thể là vũ khí tịch thu được trong những lần đụng độ với người ngoài.

“Những người này là thợ săn bằng cung tên”, nhà nhân chủng học Giancarlo Rolando nói. “Họ cũng biết trồng hoa màu, đánh bắt cá và hái quả rừng”.

Bộ lạc Waorani

img

Một người đàn ông bộ lạc Waorani.

Năm 1987, một nhóm người Italia muốn truyền đạo cho bộ lạc sống ở Ecuador này, giống như thanh niên John Chau. Kết quả là Đức giám mục Bishop Alejandro Lavaca và xơ Arango bị hiến tế trong nghi thức rùng rợn.

Thi thể họ bị 21 lưỡi giáo xuyên qua và miệng vết thương hở để máu tuôn ra ngoài cho đến chết, theo tờ Washington Post.

Bản thân người Waorani cũng đụng độ với các bộ lạc khác. Năm 2013, hai người Waorani bị sát hại bởi thành viên bộ lạc Taromenane sống ở vùng lân cận.

Bộ lạc Ayoreo

Bộ lạc Ayoreo trải qua quãng thời gian lịch sử đối đầu với người ngoài ở vùng Amazon. Kết quả là ngày nay chỉ còn lại số ít người Ayoreo còn sống ở môi trường hoang dã. Phần lớn người khác bị buộc phải sống chung với xã hội hiện đại, khi nhóm người ngoài tìm thấy họ vào những năm 1970.

“Trong các cuộc đụng độ đẫm máu, nhiều người đã bỏ mạng. Phần lớn người Aoyrea cũng chết vì bệnh tật”. Mazower nói trên CNN.

Bệnh tật là thứ đe dọa lớn nhất đối với các bộ lạc nguyên thủy trên thế giới. “Cơ thể họ không hình thành khả năng miễn dịch như người ở xã hội hiện đại, nên họ rất dễ bị tổn thương”.

Hàng chục người Ayorea đã chết vì bệnh hô hấp trong giai đoạn những năm 1980.

Gặp bộ lạc “thấy người lạ là giết”, thanh niên Mỹ nhận kết cục bi thảm

Một thanh niên Mỹ 27 tuổi quyết đặt chân lên hòn đảo hoang vắng, là nơi sinh sống của một bộ lạc “thấy người lạ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem