6.000 tỷ đồng đã trôi theo mưa lũ trong 7 tháng qua

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 02/08/2018 09:46 AM (GMT+7)
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến hết tháng 7, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của với tổng thiệt hại kinh tế lên tới gần 6.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Cụ thể, đã có 112 người chết và mất tích, 81 người bị thương; 929 nhà bị đổ, sập và 27.819 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 19.322 nhà bị ngập nước.

img

6.000 tỷ đồng đã trôi theo mưa lũ. Ảnh: I.T

Trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, có tới 182.018 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 13.405 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 21.607 con gia súc và 227.750 con gia cầm bị chết; hơn 8.321 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại... 

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 6.000 tỷ đồng.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết: Dịp đầu tháng 7 mới chỉ là giai đoạn bắt đầu vào mùa thiên tai, mưa bão. Số lượng các đợt mưa và các cơn bão còn tương đối nhiều. Cụ thể, sẽ có khoảng 8 – 10 cơn bão hoạt động trên khu vực biển Đông, trong số đó có 4 – 5 cơn sẽ ảnh hưởng vào đất liền.

Cuối năm 2017, tới tháng 12 vẫn còn dồn dập các cơn bão đổ bộ. Năm nay, số lượng các cơn bão cuối năm sẽ ít hơn so với năm 2016 và 2017. Thay vào đó, các cơn bão sẽ tập trung vào giữa mùa mưa bão, chủ yếu trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10.

 Riêng ở khu vực Nam Bộ, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Trung Bộ trong năm 2018 sẽ gay gắt hơn năm 2017. Giai đoạn bắt đầu sẽ là tháng 12/2018 và khả năng sẽ gay gắt nhất vào giai đoạn tháng 1-3/2019.

Chương Mỹ: Cuộc sống của người dân bị đảo lộn

Hiện tại, cuộc sống của người dân ở một số huyện ngoại thành của TP.Hà Nội đang bị đảo lộn vì mưa bão. Tại huyện Chương Mỹ, đã có 1.221 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước và 4 trạm bơm tưới ven sông Đáy có nguy cơ ngập máy bơm và tủ điện là trạm Chi Lăng 1, Chi Lăng 2, Hạ Dục, Hoàng Diệu.

img

Nhiều khu dân cư của Chương Mỹ đã ngập nhiều ngày nay. Ảnh: Dân Việt.

Theo báo cáo mới nhất của huyện Chương Mỹ, nước vẫn đang xu hướng rút dần, huyện đang tiếp tục chỉ đạo huy động toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm tiêu úng, khoanh vùng khu vực ngập, khơi thông dòng chảy. Các cụm phụ trách các tuyến đê, lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra đê nhằm phát hiện sớm các vị trí bị tràn, bị thẩm lậu, lỗ rù bục qua đê để kịp thời xử lý. 

Về vấn đề vệ sinh môi trường, Công ty môi trường đô thị Xuân Mai được yêu cầu phối hợp với UBND các xã, thị trấn vớt rác, thu gom, vận chuyển rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong những ngày căng thẳng hộ đê vừa qua, Chương Mỹ đã huy động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và nhân dân địa phương đắp thêm đê tả Bùi. Hiện các điểm xung yếu dài khoảng 3,5 km đã được đắp thêm 80 cm tại các xã Thanh Bình, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Trung Hòa, Mỹ Lương. Ngọc Yến

Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, mưa lụt đã làm ngập gần 1.400 ha lúa, gần 300 ha rau màu; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản và gần 190 ha cây ăn quả. 170 m2 và hơn 1.800 m tường bao bị đổ sập. Đường giao thông cũng bị sạt lở khoảng 5 km, hư hỏng 12 km kênh mương, sạt lở 12km đê, hồ, đập; 35 cầu, cống bị hư hỏng; ngập 14 đình, chùa; gia súc, gia cầm chết khoảng gần 56.000 con. Toàn huyện có 3.683 hộ bị ngập và hơn 6.000 người phải sơ tán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem