7 “nỗi khổ” trẻ sơ sinh không thể nói ra

Thứ tư, ngày 29/06/2016 08:00 AM (GMT+7)
Trẻ sơ sinh cũng gặp khó khăn khi muốn bố mẹ hiểu rằng trẻ đang cô đơn hoặc mệt mỏi, chán nản vì cứ phải nhìn chằm chằm lên trần nhà.
Bình luận 0

Trẻ sơ sinh chưa biết nói, nên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với bố mẹ. Khi trẻ đau, trẻ chỉ biết dùng tiếng khóc của mình để biểu lộ. Mà chưa chắc bố mẹ đã hiểu ý ngay, có thể bố mẹ còn lầm tưởng rằng bé đang đói, đang buồn ngủ hoặc đang cáu gắt. Trẻ sơ sinh cũng gặp khó khăn khi muốn bố mẹ hiểu rằng trẻ đang cô đơn hoặc mệt mỏi, chán nản vì cứ phải nhìn chằm chằm lên trần nhà.

Thực tế, trẻ sơ sinh cảm nhận sự đau đớn, cảm giác cô đơn và chán nản rất rõ ràng. Chúng ta vẫn thường cho rằng trẻ còn quá nhỏ để có những cảm giác này và luôn nghĩ trẻ không thể giàu cảm xúc, nhạy cảm như người lớn chúng ta được.

Trước đây, một số chuyên gia giả thuyết rằng trẻ sơ sinh không thực sự cảm thấy đau đớn, nếu có thì chúng cũng còn quá nhỏ để nhớ, và nỗi đau đó sẽ nhanh chóng trôi qua, không ảnh hưởng gì đến trẻ.

Nhưng những nghiên cứu gần đây chứng minh điều này là không đúng. Trẻ sơ sinh có thể cảm nhận rõ ràng nỗi đau và nó có những tác động lâu dài đến trẻ.

Thú vị hơn, trẻ có thể chán nản, buồn rầu. Lý do thông thường là vì thiếu sự tương tác, giao tiếp với thế giới xung quanh. Những gì xảy ra trong những tuần, tháng, và năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này. Bố mẹ cần hiểu những cảm xúc của trẻ, để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh.

img

1. Trẻ sơ sinh vẫn có thể giao tiếp

Trẻ sơ sinh không có khả năng biểu lộ chính xác cảm giác của trẻ, nhưng có thể giao tiếp với bạn.

Chúng ta chỉ biết cách giao tiếp duy nhất của trẻ là khóc. Tuy nhiên, đây không phải là cách giao tiếp duy nhất của trẻ sơ sinh.

Dụi mắt và ngáp có thể là dấu hiệu bé sẵn sàng cho giấc ngủ.

Liếm môi, mở miệng, và đưa tay vào miệng là dấu hiệu bé đang đói.

Gây ồn ào, la hét hoặc co người lại khi bị đặt xuống có thể là dấu hiệu bé cảm thấy cô đơn hoặc không an toàn.

Trong thời gian điều trị bệnh, nếu bé lơ đễnh, hay buồn ngủ, thì rất có thể bé đang khó chịu và đau đớn.

Bố mẹ hãy dành thời gian tìm hiểu các “tín hiệu” bé phát ra. Bé sẽ “khổ sở” lắm nếu bố mẹ không hiểu ý và đáp ứng sai yêu cầu của bé.

2. Trẻ sơ sinh cũng có cảm giác đau

Giống như người lớn, trẻ cảm nhận cảm giác đau đớn rất rõ ràng. Nếu trẻ phải điều trị bệnh, sự mệt mỏi, ngủ lịm đi, thậm chí hôn mê là dấu hiệu trẻ đang rất đau đớn.

img

3. Trẻ sơ sinh nhạy cảm với cảm giác đau hơn người lớn

Những ông bố bà mẹ có thể lo lắng về điều này, tuy nhiên đây là thông tin hữu ích cần phải biết để chăm con tốt hơn.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho thấy trẻ sơ sinh cảm thấy đau đớn giống như người lớn, thậm chí trẻ nhạy cảm hơn cả người lớn. Kết quả này trái với suy nghĩ của nhiều người, luôn cho rằng trẻ sơ sinh không có cảm giác đau.

Suốt 9 tháng 10 ngày, trẻ được ở trong môi trường an toàn và hoàn hảo là tử cung của mẹ, sau khi chào đời môi trường sống thay đổi hoàn toàn. Đó là lý do tại sao trẻ rất nhạy cảm với mọi thứ, nhất là đau đớn.

4. Bố mẹ có thể giúp bé giảm đau

Khi phải lấy máu, tiêm, truyền thuốc…trẻ sẽ rất đau đớn. Ngoài thuốc giảm đau thì tình yêu của bố mẹ là liều thuốc giảm đau hữu hiệu thứ hai. Nắm tay bé, trò chuyện với bé, cho bé bú, ôm ấp bé là những hành động giúp bé quên đi cơn đau. Sự có mặt của bố mẹ cũng mang lại sự yên tâm và giảm cảm giác đau mà bé đang phải trải qua.

5. Trẻ sơ sinh cũng cảm thấy cô đơn

Sau 9 tháng 10 ngày được ở trong môi trường ấm áp và an toàn thì giờ đây trẻ phải làm quen với mọi thứ mới lạ. Cảm giác cô đơn ập đến rõ ràng khi bé được đặt xuống, nằm ngủ trên giường mà không còn ngửi thấy mùi hương quen thuộc của…nước ối.

Mẹ hãy giúp bé từ từ làm quen với môi trường mới. Hãy ôm ấp và nói chuyện nhiều với bé. Việc cho con bú sữa mẹ cũng rất quan trọng, mang lại cảm giác an toàn và thân thuộc với bé.

6. Trẻ sơ sinh cũng biết buồn chán

Nhiều người mặc định rằng trẻ sơ sinh chỉ cần ăn, vệ sinh và ngủ. Nhưng trẻ cũng biết chán đấy nếu không được “chơi”. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, thời gian thức rất ngắn. Bố mẹ nên tận dụng thời gian quý giá này để “chơi” với bé. Chơi ở đây có thể là nói chuyện, cho bé xem tranh ảnh, đồ chơi, nghe nhạc…Khi bé buồn chán, bé sẽ dễ cáu gắt hoặc khóc to không dỗ được.

7. Bố mẹ ảnh hưởng lớn đến cảm giác an toàn và sự phát triển cảm xúc của trẻ

Khi trẻ được đáp ứng đúng và ngay sau khi trẻ khóc hoặc phát đi các dấu hiệu khác, trẻ sẽ có cảm giác an toàn và phát triển đầy đủ hơn về cảm xúc. Hãy học cách giao tiếp và hiểu con mình ngay từ sau khi con chào đời, đây cũng là bước đầu cho sự gắn kết giữa bố mẹ và con cái.

Việt Hà (Em đẹp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem