7 nước phải hứng bom Mỹ dưới thời Obama

Chủ nhật, ngày 28/09/2014 20:30 PM (GMT+7)
Tổng thống Barack Obama là người chấm dứt hai cuộc chiến tranh lớn của Mỹ ở Trung Đông nhưng cũng là một trong những lãnh đạo tiến hành nhiều hoạt động quân sự nhất dưới nhiều hình thức khác nhau tại 7 nước Hồi giáo.
Bình luận 0

img

Bản đồ 7 nước bị chính quyền Obama không kích. Đồ họa: CNN

Tổng thống Obama luôn nhận thức rõ vào những thời điểm nào sức mạnh quân sự là cần thiết. Thậm chí khi nhận giải Nobel Hòa bình ở Thụy Điển năm 2009, ông cũng nói rằng có những trường hợp chiến tranh là "hợp lý về mặt đạo đức".

Ngày 4/6 năm đó, tại Cairo, thủ đô của Ai Cập, khi vừa mới nhậm chức không lâu, Obama có một bài phát biểu rất được trông đợi, trong đó ông nói về một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo.

"Tôi đến đây để tìm kiếm một sự khởi đầu mới giữa Mỹ và các nước Hồi giáo trên thế giới, một sự khởi đầu dự trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự thật rằng nước Mỹ và Hồi giáo không phải là riêng biệt và không cần phải đối đầu", ông nói.

Trong khi cựu tổng thống George W. Bush bị cộng đồng Hồi giáo chỉ trích mạnh mẽ vì cuộc chiến ở Iraq và những nhà tù tại Guantanamo và Abu Ghraib, họ cũng hy vọng rằng tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ sẽ đi theo một con đường khác với người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, sau gần hai nhiệm kỳ, ông Obama đang trở thành một trong những tổng thống Mỹ tích cực về mặt quân sự nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ông đã cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở nhiều hình thức khác nhau tại 7 nước Hồi giáo là Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia, Yemen và bây giờ là Syria.

Afghanistan

Obama chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ khi ông lên nắm quyền năm 2009, và giống như người tiền nhiệm, ông đã ra lệnh các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu phiến quân ở nước này. Chiến dịch trên không, với sự tham gia của cả máy bay không người lái và có người lái, là mối bất hòa lớn giữa Mỹ và chính quyền địa phương khi số dân thường thiệt mạng liên tục tăng cao.

Hồi tháng 5, Obama tuyên bố kế hoạch rút hầu hết lực lượng Mỹ ở Afghanistan vào cuối năm nay, chỉ để lại khoảng 10.000 binh sĩ để duy trì an ninh và huấn luyện cho phía Afghanistan. Với sự xác nhận của tân tổng thống Afghanistan, giới chức Mỹ dự kiến Hiệp định An ninh Song phương đã được chờ đợi từ lâu sẽ sớm được ký kết, cho phép lực lượng Mỹ còn lại tiếp tục duy trì.

Pakistan

Giống như ở Afghanistan, các phiến quân bị máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt, gây ra những phẫn nộ tương tự khi dân thường bị chết oan trong những cuộc tấn công vào các đồn bốt khả nghi của Taliban. Obama nhận thức được mối quan ngại đó trong một bài phát biểu quan trọng tại Đại học Quốc phòng năm 2013. Ông nói rằng các cuộc không kích của Mỹ khiến dân thường thiệt mạng có thể kích động chủ nghĩa cực đoan.

Libya

img

Xe tăng của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi bốc cháy vì bị không kích vào tháng 3/2011. Ảnh: Global Post

Tháng 3/2011, Obama tuyên bố Mỹ sẽ tham gia một liên minh không kích vào Libya. Động thái này diễn ra sau một nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép sử dụng lực lượng để bảo vệ dân thường Libya và dù thay đổi chế độ không phải là mục tiêu được nêu ra của Obama ở đầu chiến dịch, các cuộc không kích cuối cùng đã kết thúc với cái chết của nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi.

Kể từ đó tình hình an ninh ở Libya trở nên xấu đi. Năm 2012, 4 người Mỹ đã bị giết trong một cuộc tấn công vào khu phức hợp của Mỹ ở Benghazi, và tháng 7 năm nay, sứ quán Mỹ ở Tripoli cũng phải sơ tán vì bạo lực.

Yemen

Đối mặt với mối đe dọa từ al-Qaeda ở bán đảo Arab, chính quyền Obama đã đẩy mạnh đáng kể việc sử dụng các máy bay không người lái có vũ trang. Gần 100 cuộc tấn công đã diễn ra từ năm 2009, tiêu diệt hàng trăm phiến quân, nhưng cũng có nhiều dân thường chết oan.

Al-Qaeda ở bán đảo Arab có trụ sở tại Yemen là đầu não của nhiều mối đe dọa với Mỹ, trong đó có âm mưu đánh bom giấu trong quần lót bất thành trên một chuyến bay đến Mỹ năm 2009. 

Somalia

Tại Somalia, các phi cơ không người lái của Mỹ nhắm vào các phiến quân dính líu đến al Shabaab, mạng lưới khủng bố gây ra vụ tấn công năm ngoái vào một trung tâm thương mại ở Kenya. Đầu tháng này, lính biệt kích Mỹ, với sự yểm trợ của máy bay không người lái, đã tiêu diệt được thủ lĩnh của nhóm này là Ahmed Godane.

Iraq

Viện dẫn cuộc khủng hoảng nhân đạo và những mối đe dọa tiềm ẩn với các lợi ích của Mỹ, ông Obama đã ra lệnh không kích Iraq vào tháng 8 vừa qua và trở thành tổng thống thứ 4 liên tiếp tiến hành hoạt động này ở quốc gia Trung Đông. Chính phủ Iraq, trước thế áp đảo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở nhiều vùng lãnh thổ, rất hoan nghênh hành động của Mỹ.

Chiến dịch này được mở rộng vào tháng 9, khi ông Obama tuyên bố sẽ bắt đầu tập trung vào các mục tiêu liên quan đến IS. Thay vì tìm kiếm sự chấp thuận từ các nghị sĩ, Obama cho biết ông sẽ dựa trên sự ủy quyền của quốc hội từ năm 2001 cho phép tổng thống truy kích al-Qaeda để hành động.

Syria

img

Tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea (CG 58) phóng một tên lửa hành trình Tomahawk ở vịnh Arab vào hôm qua, khi Mỹ tiến hành không kích IS ở Syria. Ảnh: Reuters

Mặt trận mới nhất của Obama đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua. Tổng thống Mỹ từng ngấp nghé khả năng không kích Syria vào năm 2013, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, sau khi quốc hội tỏ ý ngần ngại, Obama đã lùi bước, chấp nhận một thỏa thuận tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria. 

Một năm sau, trước mối đe dọa từ IS và nhóm Khorasan tách ra từ al-Qaeda, Obama cuối cùng đã cho phép không kích vào các mục tiêu khủng bố cùng một liên minh gồm các nước Arab.

Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh mà không có một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, sự tham gia của NATO, nghị quyết của Liên đoàn Arab về ủng hộ hành động quân sự, một sự ủy quyền cụ thể của quốc hội về tiến hành chiến tranh ở nước khác và cả sự chấp thuận từ nước chủ nhà. 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria cho biết có ít nhất 70 phiến quân của IS thiệt mạng và hơn 300 lính bị thương sau các cuộc không kích. Rami Abdurrahman, người đứng đầu tổ chức này nói 22 cuộc không kích của Mỹ nhắm vào Raqqah, được coi là thành trì của IS, và có 30 cuộc tấn công vào Deir el-Zour, cũng là nơi IS chiếm giữ. Mỹ cũng nhắm vào làng Kfar Derian, nơi trú ngụ của nhóm khủng bố mới Khorasan, tiêu diệt khoảng 10 tên.

Tuy nhiên, giới chức cho hay chiến dịch tấn công các nhóm khủng bố này sẽ không thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Họ dự đoán đây sẽ là một nỗ lực lâu dài mà chắc chắn vị tổng tư lệnh quân đội kế tiếp của Mỹ sau Obama sẽ còn phải đảm trách.

(Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem