Ngày 20/3, hàng loạt các cựu đại sứ, cựu quan chức cơ quan tình báo, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng gửi thư ngỏ tới Tổng thống Joe Biden, đề nghị ông cảnh báo Israel về hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục chối bỏ quyền và nhu cầu cơ bản của người Palestine, cũng như mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây.
"Mỹ phải sẵn sàng có động thái mạnh mẽ để phản đối những hành động như vậy của Israel, trong đó cần hạn chế hỗ trợ Israel theo luật pháp và chính sách của đất nước", các cựu quan chức yêu cầu.
Nội dung chủ yếu của bức thư mà các cựu quan chức gửi tới Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh nỗi bất bình ngày càng tăng ở Mỹ với chiến dịch tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Nhóm cựu quan chức nêu trong thư rằng chiến dịch của Israel nhằm vào Hamas là "cần thiết và chính đáng", song Tel Aviv "liên tục vi phạm" luật pháp quốc tế về cấm giết người bừa bãi và sử dụng các loại vũ khí gây thương vong cho dân thường.
Trong thư nhóm này cũng nêu rõ: "Hàng chục nghìn thường dân Gaza đã thiệt mạng, phần lớn trong số họ là phụ nữ và trẻ em"; "Những vụ giết người dân vô tội có tính chất và quy mô như thế là không thể biện minh được".
Nhóm bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng thống Biden về lệnh ngừng bắn ngay lập tức kéo dài ít nhất 6 tuần, thiết lập hệ thống cung cấp viện trợ nhân đạo đáng tin cậy và thả con tin. Họ cũng kêu gọi quân đội Israel thực hiện quy tắc giao tranh phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quá nhiều đau thương, mất mát ở Gaza
Israel phát động chiến sự nhằm đáp trả vụ đột kích của Hamas vào lãnh thổ nước này ngày 7/10/2023, khiến 1.200 người chết và bắt 250 con tin. Khoảng 6.900 người khác bị thương sau các cuộc tấn công từ đó, theo số liệu của quân đội Israel. Đây là cuộc tấn công chết chóc nhất trong lịch sử Israel, theo Politico.
Liên Hợp Quốc nhận định hoạt động quân sự hiện tại của Israel ở Dải Gaza không chỉ dẫn đến số người chết chưa từng có, khiến hơn 1,5 triệu người phải sơ tán mà còn ghi nhận tình trạng phá hủy cơ sở hạ tầng trên diện rộng.
Khi Israel tiếp tục ném bom không ngừng vào vùng đất của người Palestine, ước tính từ hình ảnh vệ tinh cho thấy hơn 150.000 tòa nhà và nhà cửa đã bị hư hại và phá hủy. Con số này được cho là chiếm tới hơn một nửa tổng số công trình trong khu vực rộng 365 km2 - nơi sinh sống của 2,3 triệu người ở Gaza.
Trên khắp Gaza, các khu dân cư bị bỏ hoang, trường học và trường đại học bị phá hủy, đường sá không thể đi lại được, dịch vụ cấp nước và những dịch vụ thiết yếu khác không còn hoạt động.
Liên Hợp Quốc cho biết trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động kinh tế ở khu vực này đã bị đình trệ hoàn toàn, ngoại trừ các dịch vụ y tế và thực phẩm tối thiểu, tác động đến phúc lợi hộ gia đình vô cùng lớn.
Phần lớn thiệt hại do các hoạt động quân sự trước đây của Israel ở Dải Gaza vẫn chưa được khắc phục, làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Không chỉ những tòa nhà, bệnh viện, trường học, đường sá và cơ sở hạ tầng khác bị ảnh hưởng, cuộc chiến Israel - Hamas đã hủy hoại các gia đình và sinh kế của họ, khiến hàng nghìn người bị thương, cuộc sống bất ổn, lều trại ở tạm mọc lên, đặc biệt là xung quanh thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi nhiều người đã sơ tán tới đây.
Các cơ quan viện trợ cũng cảnh báo về tác động nghiêm trọng mà cuộc chiến đang gây ra đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của người Palestine.
Khi Israel phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để cho phép nhiều viện trợ hơn vào vùng đất này, Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 0,5 triệu người dân Gaza đang phải đối mặt với nạn đói, đồng thời có khoảng 17.000 trẻ em Palestine hiện không có người lớn đi kèm hoặc bị tách khỏi cha mẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.