Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vài ngày trước lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người đổ về Nghĩa Trang đồi A1 thắp hương cho những đồng đội, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Nghĩa trang nằm cạnh đồi A1 là nơi yên nghỉ của 644 chiến sĩ hy sinh trong mùa hè năm 1954. Phần lớn trong số này đều mang chung một cái tên: Chưa xác định danh tính. Bên cạnh đó, còn rất nhiều chiến sĩ khác vẫn chưa được tìm thấy phần mộ. Họ được lưu danh lại trên hàng bia đá chạy dọc hàng lang bên lối vào.
Trước đây, đồi A1 được coi là "cuống họng" của phân khu Trung tâm, được bao bọc lô cốt và hầm ngầm kiên cố nhằm bảo vệ Bộ Chỉ huy quân Pháp. Bộ đội Việt Minh đã mất 39 ngày với nhiều hy sinh, thương vong để công phá nơi này.
Trong cái nóng oi ả ấy, ông Trần Đức Liệu (65 tuổi) lặn lội từ huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cùng nhiều người đồng hương đã lên thăm nghĩa trang. Nơi đây, chú của ông, cụ Trần Đức Bản đã nằm lại mãi mãi ở tuổi đôi mươi.
Dâng nén hương cho người chú nằm lại nơi chiến trường, ông Liệu kể, nhiều năm trước, gia đình ông cũng nhiều lần qua lại giữa Nam Định và Điện Biên, đi khắp các nghĩa trang toàn tỉnh để kiếm tìm nơi cụ Bản nằm nhưng vô vọng. Mãi tới khi dò tìm trên tấm bảng này, họ mới nhận ra tên cụ. Dòng tên ngắn ngọn không năm sinh, không ngày nhập ngũ, cũng chẳng có ngày tháng hy sinh được khắc cùng hàng trăm, hàng ngàn đồng đội khác. Các anh được phân đơn giản theo quê hương: Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa…
"Tìm được tên chú tôi là đã mừng lắm rồi. Tôi rút chiếc máy điện thoại gọi về quê để các cô, bác, bà con được thấy chút bóng hình của chú tôi qua tấm bia đá đã phai mờ theo thời gian", ông Liệu kể.
Ở quê nhà, bà Trần Thị Tuyến, chị dâu cụ Bản cũng dậy từ sớm, cùng cháu con chuẩn bị một mâm cơm giản đơn. Tới 7 giờ sáng, mọi người sắp hết mâm lễ lên ban thờ. Bà chắp tay khấn: "Đã 70 năm rồi, tôi vẫn chưa tìm thấy phần mộ chú. Hôm nay, cháu Liệu lại lên thăm chú. Chú sống khôn, chết thiêng phù hộ độ trì cho các con, các cháu".
Nhiều năm qua, gia đình, dòng tộc bà Tuyến có thêm 2 ngày giỗ: Một ngày vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và một ngày khác vào đợt 27/7 hằng năm. Trên ban thờ vọng, bức ảnh đen trắng của ông Bản vẫn giữ mãi những nét của tuổi mười chín, đôi mươi.
Trở lại Điện Biên, những ngày này, dòng người tới viếng nghĩa trang mỗi lúc một đông. Sau ngày giải phóng, nhiều đơn vị bộ đội trở lại chiến địa xây dựng kinh tế, nông trường quốc doanh rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây. Họ quê gốc Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… nay đều có nơi cư trú là tỉnh Điện Biên.
Nhiều cựu chiến binh sau 70 năm còn đủ sức cũng quay trở về, lưng còng như dấu hỏi giữa trời chiều, run run đi tìm mộ đồng đội. Họ trầm ngâm, không nói gì nhiều. Chỉ lặng lẽ thắp hương, hoặc đốt một điếu thuốc rồi cắm lên bát nhang cho anh em đồng đội đã ngã xuống. Nhưng trong đôi mắt nhăn nheo đã đỏ hoe vì xúc động.
Ông Trần Quang Hữu, nguyên chiến sĩ thông tin mặt trận Điện Biên ngày trở lại nghĩa trang dâng hương cho đồng đội trang trọng khoác quân phục, đeo huy chương rồi nhờ cô con dâu chạy xe chở từ huyện Điện Biên lên nghĩa trang tưởng niệm. Sau chiến dịch, rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn hòa vào đất mẹ nơi đây. Riêng về phần mình, ông chọn ở lại, kiến thiết và dựng xây mảnh đất này.
"Thoáng chốc đó thôi mà đã 70 năm. Giờ tôi có 6 cháu rồi. Sức khỏe cũng không còn bao nhiêu. Các anh thì vẫn cứ tuổi đôi mươi. Mong các anh sẽ luôn dõi theo và phù hộ các cháu, các con", ông Hữu xúc động.
Trong nghĩa trang, dưới chân đồi A1 chỉ có 4 anh hùng liệt sĩ có tên trên bia mộ: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, Phan Đình Giót, còn lại hơn 600 bia mộ đều vô danh. Các liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Him Lam, Nghĩa trang Độc Lập và còn hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy. Sau giải phóng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn cất các liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với tất cả niềm trân trọng và thương mến.
Không ai lường được rằng, những cơn lũ mạnh kéo qua thung lũng và chỉ vài tháng sau quay lại các nghĩa trang trông đã tan hoang vì lũ cuốn, tất cả bia mộ đã không còn nên các mộ chiến sĩ Điện Biên bây giờ thành vô danh. Đã có biết bao Anh hùng liệt sĩ đã đổ xương máu trong chiến trường Điện Biên và mãi mãi để lại niềm thương nhớ cho những người đang sống.
Tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên còn có không ít mộ đôi. Nằm ngay lối dẫn vào bên phía trái, người tới viếng sẽ thấy "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ Hoàng Văn Thục và liệt sĩ Nguyễn Văn Vun (Thanh Miện, Hải Dương). Ngay bên cạnh, liệt sĩ Nguyễn Văn Thông chung phần mộ với liệt sĩ Chu Văn Thảo. Cách không xa là nơi yên nghỉ chung của 2 liệt sĩ Đoàn Văn Hay và Trần Đình Tần. Các anh đều hy sinh khi đang ở độ tuổi 23-24 – lứa tuổi đẹp nhất của thanh xuân.
Cách đây 5 năm, trong dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phần danh tính chung được khắc phía sau bia mộ. Một tấm bia chia đôi mỗi người một nửa. Giờ đây, những dòng chữ đó đã bị mưa nắng và thời gian bào mòn. Chỉ còn một vài nét bút xóa vội vã ghi dấu trên đá xanh.
Nhiều người xung quanh nghĩa trang Điện Biên lý giải, trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt xuất hiện trường hợp nhiều chiến sĩ cùng hy sinh tại một địa điểm. Không hiểu do năm tháng hay các anh không muốn xa nhau, nên những liệt sĩ cứ "ôm chặt" nhau trong giấc ngủ cuối cùng. Và thế hệ sau, trong niềm trân trọng nhất, đã đưa các anh về chung một nhà.
Cách đó không quá xa, trên di tích đồi A1, cũng có một ngôi mộ tập thể chung. Ngôi mộ được tìm thấy khi nhân viên của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tiến hành cải tạo, chỉnh trang di tích. Hướng dẫn viên tại đây kể lại, trong một lần tiến hành trồng hoa trên khu vực đỉnh đồi, nhóm công nhân đã phát hiện ra hài cốt các những Anh hùng liệt sĩ nằm lẫn với nhau. Ngay gần đó là một khẩu súng đã hoen gỉ.
Thông tin nhanh chóng được báo lên Ban quản lý. Sau khi rà soát và kiểm tra, người ta chỉ có thể xác định được đây là những gì còn lại của 4 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 và 102. Không tên, không tuổi, không năm sinh. Chỉ biết họ đã cùng nhau hy sinh vào rạng sáng ngày 1/4/1954 khi sử dụng bazoka tiêu diệt một xe tăng của Pháp.
Theo thống kê, tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người. Họ tới từ nhiều địa phương, dân tộc khác nhau nhưng điểm chung là đều còn rất trẻ. Sự hy sinh ấy vô cùng lớn lao vì độc lập dân tộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.