700 thương nhân Trung Quốc sang mua vải thiều phải cách ly 14 ngày, không có ngoại lệ

Anh Thơ - Nguyễn Chương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 23/05/2020 09:45 AM (GMT+7)
Chỉ còn ít ngày nữa là vụ thu hoạch vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ bắt đầu. Hiện, UBND huyện đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện để đón các thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải, trong đó công tác cách ly 14 ngày phòng chống Covid-19 được huyện thực hiện vô cùng chặt chẽ, không có trường hợp ngoại lệ.
Bình luận 0
700 thương nhân Trung Quốc sang mua vải thiều phải cách ly 14 ngày, không có ngoại lệ - Ảnh 1.

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Năm 2020, trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước nhưng theo ông La Văn Nam (ảnh) - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, địa phương đã xây dựng các kịch bản để người dân có một vụ vải thắng lợi.

Tin tưởng tiêu thụ tốt

Chỉ còn vài ngày nữa là Lục Ngạn chính thức bước vào vụ thu hoạch vải thiều, ông dự báo thế nào về thị trường vải năm nay?

- Lúc đầu, trong tâm lý lo lắng liệu thương nhân Trung Quốc có sang mua vải thiều bình thường như mọi năm hay không, nhiều người tỏ ra sợ vụ vải thiều 2020 sẽ tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, chứng kiến những tín hiệu thị trường khi mùa vải chưa thực sự bắt đầu, chúng tôi nhận thấy, việc tiêu thụ sẽ tốt, giá cả ổn định. 

Bởi ngay từ giữa tháng 5, đã có nhiều thương nhân Trung Quốc đặt hàng thu mua vải chín sớm, các cơ sở thu mua trên địa bàn đã đóng những container hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, bình quân mỗi ngày 100 tấn, và chắc chắn sẽ tăng lên khi mùa thu hoạch rộ đang đến gần.

Bên cạnh đó, nhờ sự vào cuộc của các bộ ngành, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiêu thụ vải thiều nên việc thông quan tại các cửa khẩu không hề gặp trở ngại gì, giờ thông quan đã tăng từ 5 giờ lên 9 giờ mỗi ngày.

Hành trình nghìn tỷ của vải thiều Lục Ngạn: Sẵn sàng cho mùa vải 2020 - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hành (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) trong vườn vải Global GAP của gia đình. Ảnh Nguyễn Chương

Hiện, các thị trường nhập khẩu đều có những thay đổi về phương pháp kiểm dịch với xu hướng ngày càng khắt khe hơn, người dân Lục Ngạn đã chuẩn bị các điều kiện của phía đối tác nhập khẩu như thế nào, thưa ông?

- Trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, tư duy sản xuất của người dân đã có những chuyển biến quan trọng.

 Nếu như trước đây, việc tiêu thụ vải thiều phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì nay đã thúc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, qua những kênh phân phối hiện đại, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU…

Tuy vậy, chúng tôi vẫn xác định, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, bởi 95% sản lượng vải xuất khẩu là đến thị trường Trung Quốc. 

Trong xu thế Trung Quốc cũng không còn dễ tính trong việc nhập khẩu, người dân Lục Ngạn cũng chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng được nhu cầu.

Theo đó, trong 15.290ha vải thiều của huyện, đã có 11.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 217ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các diện tích này đều có mã số vùng trồng. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công nhận 229 cơ sở đóng gói của Lục Ngạn, họ yêu cầu khi đóng gói phải dập mã số vùng trồng vào từng thùng thì họ mới kiểm dịch. Những việc này, các cơ sở đều tuân thủ đúng, không gặp vướng mắc gì.

Ngoài ra, trong 3 năm trở lại đây, chúng tôi có chủ trương giữ nguyên diện tích vải thiều hiện có, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

 Bởi khi chất lượng vải được nâng cao, xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Đông Âu thì giá vải cũng được cải thiện.

Bản thân các thương nhân Trung Quốc cũng không ép giá như cách làm xô bồ nhiều năm trước, họ cũng phải nâng giá thu mua, nếu không sẽ không mua được vải chất lượng.

Xây dựng 3 kịch bản

Một trong những điểm nhấn trong tiêu thụ vải thiều là tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Lục Ngạn chủ động rất sớm công tác xúc tiến thương mại. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, huyện sẽ tổ chức việc này như thế nào?

- Ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản chi tiết về tiêu thụ vải thiều. Kịch bản 1, nếu còn dịch Covid-19, thương nhân Trung Quốc khó có thể sang được thì xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới và các nước Đông Nam Á.

Trong 15.290ha vải thiều của huyện, đã có 11.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 217ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP, các diện tích này đều có mã số vùng trồng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công nhận 229 cơ sở đóng gói của Lục Ngạn.

Kịch bản 2, nếu dịch bệnh phức tạp hơn thì đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, tập trung tại các thành phố lớn và khu công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh sấy khô, hiện toàn huyện đã có 400 lò sấy, công suất 13.000 - 15.000 tấn và ép nước, trữ đông chờ tiêu thụ. 

Kịch bản 3, dịch Covid-19 tạm lắng thì tiêu thụ, xuất khẩu bình thường.

Ngay từ đầu tháng 5, huyện đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp lớn trong nước, cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, chất lượng vải thiều. 

Ngày 6/6 tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và 2 điểm cầu phía Trung Quốc.

 Mạng xã hội về tiêu thụ vải thiều Bắc Giang cũng đã được thành lập. Chúng tôi chủ trương sẽ cung cấp thông tin đủ và chính xác đến tất cả các đối tác, khẳng định chất lượng của vải thiều Lục Ngạn để mọi người yên tâm.

Hiện nay, UBND huyện Lục Ngạn cũng phối hợp với Sở Y tế Bắc Giang khảo sát 29 cơ sở dịch vụ lưu trú có thể trưng tập làm địa điểm cách ly tập trung cho tối đa 750 thương nhân.

Chúng tôi cũng liên lạc với các thương nhân Trung Quốc, hiện có hơn 250 người đồng ý sang Lục Ngạn mua vải thiều.

 Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh để tỉnh báo cáo Bộ Công an làm thủ tục nhập cảnh cho họ. Các thương nhân Trung Quốc sang sẽ được cách ly 14 ngày để phòng chống Covid-19 trước khi thu mua vải.

Huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị đủ nơi cách ly cho khoảng 700 người nước ngoài đến mua vải và sẽ có kế hoạch giám sát, cùng họ thu mua vải trong an toàn.

Thế còn kế hoạch đưa vải thiều sang Nhật Bản thì sao, thưa ông?

- Để chuẩn bị đưa vải thiều sang Nhật Bản, chúng tôi đã tổ chức 98ha sản xuất theo tiêu chuẩn đặt hàng của đối tác, sản lượng ước 1.000 tấn, cho chất lượng tốt. 

Hiện, chưa có thông tin chính thức chuyên gia Nhật Bản có sang được để giám sát hay không nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị tốt các điều kiện, bởi số lượng vải này đều đã được các doanh nghiệp đặt hàng.

Xin cảm ơn ông!

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Lục Ngạn đã thông báo cho thương nhân Trung Quốc biết khi nhập cảnh vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian 3 ngày; đến Lục Ngạn phải cách ly tập trung 14 ngày (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm 2 lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung.

Các thương nhân Trung Quốc đều cam kết sẽ thực hiện yêu cầu từ phía địa phương để việc thu mua thuận lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem