Những gia đình chài xơ xác
9 ngư dân bị Hải quân Brunei bắt giữ hôm 13.7 đều là người Phú Yên, gồm Võ Văn Tú (SN 1980, thuyền trưởng), Võ Văn Cương (SN 1985), Nguyễn Tấn Vinh (SN 1978), Trần Văn Tịnh (SN 1976), Trần Văn Châu (SN 1973), Đỗ Giỏi (SN 1964), Võ Văn Pháp (SN 1965), Mai Sơn (SN 1962), Trần Minh Sang (SN 1981).
|
Mấy ngày qua gia đình thuyền trưởng Võ Văn Tú thẫn thờ lo lắng số phận chồng con. |
Lúc ban đầu gia đình không biết là các ngư dân bị ai bắt. Họ bị mất liên lạc hôm 13.7 thì đến chiều 15.7, chị Nguyễn Thị Kim Tiền - vợ thuyền trưởng Tú - mới nhận được điện thoại chồng mình. Anh Tú cho biết được nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei nối dây để điện thoại về gia đình. Rằng anh và các ngư dân đã bị Hải quân Brunei bắt, và bị kéo về cảng của nước này lúc sáng 15.7. Cả 9 người bị tạm giam ở khu vực gần một hải cảng...
Gia đình 9 ngư dân này cũng xác xơ, với nhiều hoàn cảnh đáng thương. Chị Tiền sau khi nghe được giọng chồng mình thì mừng muốn hét lên thế nhưng khi nghĩ đến thảm cảnh bị giam cầm rồi bị kết án tù đày, nộp tiền chuộc (như 11 ngư dân trước đó) lại thấy tái tê. “Chuyến đi biển này, chồng tôi hy vọng kiếm tiền về trả nợ cho hai chuyến biển trước bị thua lỗ, rồi làm lại máy móc cho tàu. Ai ngờ… Nghe tin tàu bị bắt, mấy mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc không biết liệu đường nào” - chị nói.
Chị Phan Thị Nở, vợ của ngư dân Trần Văn Tịnh - 1 trong 9 người bị bắt - có hoàn cảnh rất đáng thương, gia đình không có nhà ở phải đi ở nhờ một người hàng xóm tốt bụng. Gần đây, họ mới được Nhà nước hỗ trợ xây cái nhà cấp 4 để ở. Ngôi nhà bé xíu nhưng vẫn phải thiếu nợ. Anh Tịnh cũng hy vọng đi chuyến biển này về trả nợ. Nghe tin anh Tịnh bị bắt, chị Nở đứng ngồi thất thần.
Bao giờ mới hết ám ảnh?
11 ngư dân trên con tàu của ông Đỗ Văn Phụng bị Hải quân Brunei bắt giữ hôm 21.5 đến bây giờ vẫn chưa thôi bàng hoàng khi nhớ lại cảnh giam cầm, ra trước tòa và rụng rời nghe tòa tuyên phải nộp tiền chuộc tự do đến 260 triệu đồng.
|
Tốn 260 triệu đồng tiền chuộc, vợ chồng thuyền trưởng Đỗ Văn Phụng mới được đoàn tụ trong nước mắt. |
Ông Đỗ Văn Phụng kể lại: “Tất cả những thiệt hại này chúng tôi phải chịu. Chúng tôi đơn thân ra tòa, đơn thân gánh vác tai họa dù chúng tôi hành nghề trên biển Việt Nam. Nếu có một chút gì an ủi, đó là việc Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei có hỗ trợ cho chúng tôi một ít gạo, cá khô, trứng, rau quả... để có cái mà ăn để quay tàu về nhà.
Hầu hết các gia đình ngư dân đều hết sức khó khăn, họ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập sau mỗi chuyến đi biển của chồng, con. Cái án tiền phạt hàng trăm triệu đồng trước mắt sẽ làm tan biến đi bao nhiêu hy vọng trả nợ, sách vở cho con đến trường của các ngư dân, và sẽ đẩy đời sống của họ vào mức độ khó khăn cao hơn.
Câu chuyện xót xa này lại làm cho 9 gia đình ngư dân bị bắt hôm 13.7 thêm lo lắng, khổ sở. Các gia đình ngư dân đều có chung một câu hỏi không có câu trả lời: Chồng con chúng tôi đánh cá trên biển Việt Nam mà sao lại bị nước ngoài bắt, cầm tù để bây giờ chúng tôi phải gánh chịu hậu quả?
Đây là một câu hỏi chính đáng, vì theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, thì vị trí tàu anh Tú bị bắt - tọa độ 06 độ 59N và 112 độ 40E, cách đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 60 hải lý - là thuộc về hải phận Việt Nam.
Ngoài việc UBND tỉnh Phú Yên gửi công văn nhờ Bộ Ngoại giao tìm hiểu, can thiệp, chưa có cơ quan nào trong nước có động tác nào, có câu trả lời nào có thể an ủi 9 gia đình ngư dân và trấn an hàng nghìn gia đình ngư dân khác đang đánh bắt ngoài khơi nước ta.
Mạnh Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.