90% ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% vẫn 'nằm trên giấy', nguyên nhân được tiết lộ

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 30/09/2023 08:48 AM (GMT+7)
Mới chỉ có 590 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP được giải ngân. Như vậy, còn hơn 90% ngân sách hỗ trợ vẫn nằm trên giấy, chưa đến tay doanh nghiệp.
Bình luận 0

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng.

Theo đó, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng, tức mới giải ngân được khoảng 1,5% tổng quy mô gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Như vậy, còn trên 90% ngân sách hỗ trợ vẫn nằm trên giấy, chưa đến tay doanh nghiệp.

90% ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% vẫn 'nằm trên giấy', nguyên nhân được tiết lộ - Ảnh 1.

90% ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% vẫn 'nằm trên giấy'

Thừa nhận kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ nhất, khách hàng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra của khách hàng (nhất là các doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Ngoài ra, khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó doanh nghiệp/khách hàng đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông.

Trên thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Hai là, liên quan đến cơ chế, chính sách.

Theo NHNN, ngân hàng thương mại và khách hàng khó khăn trong đánh giá việc đáp ứng quy định "có khả năng phục hồi" tại Nghị quyết 43/2022/QH15 và khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, qua báo cáo và khảo sát thực tế từ ngân hàng thương mại và các khách hàng, bản thân khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định "có khả năng phục hồi" (thường được thể hiện thông qua các tiêu chí định lượng như: doanh thu/sản lượng/lợi nhuận tăng hoặc các tiêu chí định tính như đánh giá diễn biến, chiều hướng kinh doanh của khách hàng) vì đánh giá này là rất khó trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế.

Trường hợp khẳng định hoặc đánh giá các tiêu chí doanh thu, sản lượng, lợi nhuận tăng nhưng thực tế do tác động của nhiều yếu tố bất định dẫn tới các chỉ số này không tăng thì các ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại sẽ bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra sau này đánh giá trục lợi chính sách.

Ngoài ra, một số khách hàng có doanh thu/lợi nhuận trong giai đoạn dịch cao hơn hiện tại nên rất khó để đánh giá đáp ứng tiêu chí "phục hồi";

Mặt khác, nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ (như Agribank có khoản 50% dư nợ khách hàng là hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký kinh doanh).

Ngoài ra, Nghị định 31/2022/NĐ-CP quy định hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay bằng VNĐ. Do đó, đối với khách hàng xuất khẩu lựa chọn vay USD để tận dụng lợi thế về lãi suất và nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Ba là, khách hàng có năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên không tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất do tự đánh giá đã được vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.

90% ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% vẫn 'nằm trên giấy', nguyên nhân được tiết lộ - Ảnh 2.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc cũng nêu ra một số nguyên nhân khác như: Khách hàng đã được hỗ trợ theo các chương trình tín dụng của ngân sách địa phương; Khó khăn trong bóc tách chi phí vay vốn đa ngành nghề; khách hàng có dư nợ hiện hữu thuộc ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng lại đang quá hạn nên tạm thời chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất theo quy định…

Ngoài ra, trong thời gian đầu triển khai chính sách (năm 2022), tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tượng, ngành, nghề được hỗ trợ lãi suất nói riêng đã có nhiều biến chuyển tốt so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP , nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này đã trở lại hoạt động bình thường sau dịch nên nhu cầu hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được NHNN các ngân hàng thương mại và các Bộ ngành nhận diện và đã được NHNN tổng hợp, đề xuất đầy đủ tại các Tờ trình Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Trong thời gian tới, NHNN và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách với quyết tâm cao nhất, tiếp tục công tác truyền thông, tuyên truyền đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất để các đối tượng quan tâm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ ngân sách; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thanh toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền và báo cáo các cấp về những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn lực của chính các ngân hàng để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng và tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế theo đúng chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem